Wednesday, February 8, 2012

Tôi Thông Tim

Tôi Thông Tim 

Năm trước (2011) lấy hứng từ cảm nhận “văn vẻ” của bạn Vũ Đình Minh sau khi bạn ấy mổ cườm mắt và bạn thấy “bầu trời xanh hơn, mây trắng hơn, hoa nhiều màu sắc hơn và cuộc đời bỗng đẹp hơn” tôi cũng chia sẻ vụ mổ cườm mắt của tôi với độc giả.

Không ngờ bài viết đó được các bạn và độc giả có thị lực yếu lưu ý vì đôi mắt có “cườm” lái xe bắt đầu thấy sợ và đọc sách thấy khó khăn. Nhiều bạn đã vượt qua nổi sợ đi gặp bác sĩ khám mắt và mổ mắt. Sợ, vì đôi mắt là hai viên ngọc quý trời cho, tốt nhất là không nên chạm đến.

Hãy kể vài trường hợp như bạn Lý Đãi, giáo sư Phạm Cao Dương của đại học UCLA, ông Bùi Tín ở Paris, và bạn Lưu Văn Thăng của tôi ở Portland, Oregon đã có lịch trình mổ cườm mắt. Chúc bạn Thăng may mắn.

Rút kinh nghiệm một câu chuyện cá nhân nhưng cũng hữu ích đó, hôm nay tôi xin kể chuyện “tôi thông tim”.

Tim quan trọng hơn mắt. Mắt hư, đời buồn nhưng không chết. Trái lại tim ngưng đập là chết.

Cho nên khi nói đến mổ tim hay nhẹ hơn là “thông tim” ai trong chúng ta cũng rất e ngại. Thế nhưng khi các chỉ dẫn bệnh trạng cho thấy cần thì cũng phải làm thôi.

Đó là tiến trình dẫn đến việc thông tim tôi hôm 30 Jan. 2012 tại bệnh viện chuyên về tim thuộc Presbyterian Community Hospital ở thành phố Whittier quận Los Angeles bởi bác sĩ Sudhaker Nayak.

Chuyện vận hành chi tiết của quả tim phải dành cho các bác sĩ chuyên tim (cardiologists) tôi không dám lạm bàn. Ở đây tôi chỉ nhắc lại vài điều cơ bản các thầy dạy Vạn Vật đã dạy chúng ta các năm cuối của chương trình Đệ nhị cấp trước khi đi thi Tú Tài, ban A học kỹ hơn, Ban B học căn bản, Ban C học chút chút.

Các bộ phận trong cơ thể con người đều cần có dưỡng khí (oxygene)  để hoạt động. Máu lấy dưỡng khí từ hai lá phổi trở thành màu đỏ chạy theo các động mạch (arteries) mang dưỡng khí đến cho các bộ phận trong cơ thể. Sau khi nhường dưỡng khí cho các bộ phận, máu trở thành đen theo một hệ thống tĩnh mạch (veines) chạy về phổi.

Dưỡng khí trong khí trời chúng ta hít vào phổi sẽ làm cho máu đen thành đỏ … vào động mạch…  đi nuôi các bộ phận … và cứ thế máu lưu thông tuần hoàn, một phút trung bình từ 60 đến 90 vòng tùy người, tùy tuổi. Cơ thể làm việc và chúng ta sống.  

Nước ống trong thành phố vào mỗi nhà (mở vòi là chảy ra) do một hệ thống bơm cực mạnh. Thì máu muốn lưu thông trong cơ thể cũng phải có một cái bơm. Cái bơm đó là quả tim. Quả tim có tất cả các cơ phận của một cái bơm: thân bơm, các “van” đóng mở ống dẫn vào, dẫn ra.  

Chỉ khác quả tim có hai cái bơm trong cùng một thân bơm. Bơm bên trái bơm máu đỏ đi ra các bộ phận. Bơm bên phải bơm máu đen vào phổi. Mỗi bơm có hai “van”, tổng cọng quả tim có 4 “van”.

Cái khác căn bản là nếu thân của cái bơm nước chỉ là một khối thép, thì thân của quả tim là một bộ phận của cơ thể cần được cung cấp máu đỏ để làm việc.

Bởi vậy ông trời đã tính sẵn. Máu đỏ từ tim ra trước khi chạy khắp cơ thể ông không quên tách ra 4 hay 5 mạch nhỏ gì đó chạy vào các bắp thịt của quả tim.

Các mạch này gọi là mạch máu tim (coronary arteries).  Đa số chuyện rắc rối về tim là do các “mạch máu tim” này. Khi chúng nghẹt, máu không vào đủ, tim bơm yếu đi hoặc không bơm nữa, sinh ra Heart Attack  (nhồi máu cơ tim).

Có một số bệnh tim khác do bẩm sinh  hay tai nạn như bắp thịt tim yếu, các “van”  mở không đủ rộng (valve stenosed) hay đóng không kín (valve resurgitation), động mạch chính có nơi quá mỏng và phồng ra (aortic aneurysm) …

Bác sĩ tim đầu tiên của tôi là bác sĩ  Nguyễn Phúc Vĩnh Khiêm ở phố Bolsa, Little Sài gòn khỏang các năm 2001 - 2004. Tôi thấy mệt ngực, thỉnh thỏang thấy ran ran đau vài ba giây đồng hồ trong lồng ngực.

Ông khám, cho làm ECG (electrocardiogram), siêu âm tim (echocardiogram) đi đôi với Treadmill Test và kết luận không có gì nghiêm trọng. Ông cho thuốc atenolol liều nhẹ uống cầm chừng. Sau đó 6 tháng tái khám một lần, mỗi năm làm lại treadmill test và siêu âm.

Năm 2004 tôi về San Diego, bác sĩ tim mới của tôi là ông  Malhar  Patel, làm việc tại Scripps Clinic, một bác sĩ mới ra trường, rất nhỏ nhẹ với bệnh nhân. Làm gì ông cũng giải thích tỉ mỉ dù tôi không hiểu bao nhiêu những gì ông giải thích.

Tôi đến ông sau khi tim bỗng nhiên đập thật nhanh đến 120 nhịp/phút. Khám, thử nghiệm y khoa  đủ thứ, ông kết luận tôi bị chứng Atrial Fibrillation (hệ thống điện điều hòa tim đập bị rối loạn).

Ông chữa bằng Electrocardioversion, dùng một dòng điện đập mạnh vào tim, ông nói “cho nó sợ” để trở lại chạy bình thường. Mà quả tim của tôi “sợ” ông thật. Sau khi đánh thuốc mê, cho điện giật một giây đồng hồ nó trở lại đập bình thường 60 -80 nhịp/phút từ đó đến nay.

Ngoài thuốc Atenolol, ông cho thêm 2 thứ thuốc: (1) Coumadin làm loãng máu để máu không đóng cục trong tim.  Ông giải thích một cách ấn tượng rằng máu đông cục khi “vui” nó chạy lên đầu sinh ra stroke (đột trụy). Ông còn cho biết  thuốc Coumadin là một “con dao hai lưỡi”, nó giúp tránh stroke, nhưng vô ý quá liều lượng nó làm loãng máu đến độ chảy máu trong bao tử sinh ra tử vong.

Cơ sở y khoa nào cũng có một nhà thương coumadin để theo dõi độ loãng của máu và thay đổi liều lượng thuốc và thay đổi khi cần. Thứ thuốc thứ (2) bác sĩ Patell cho tôi là thuốc Propafenone để kiểm soát Atrial Fibrillation.

Năm 2007 tôi về  ở Redondo Beach, quận Los Angeles. Cardiologist mới là bác sĩ Gary Kissel, thuộc Family Medical Center, một bác sĩ từng làm ở căn cứ Cam Ranh trong thời gian chiến tranh Việt Nam nay đã cao niên.

Vẫn giữ lịch trình tái khám hằng 6 tháng. Sau một Treadmill và Echo Test, ông cho tôi làm “Nuclear Treadmill Test”  vì nghi coronary arteries  bị nghẹt.

Test này chụp hình bằng tia X các mạch máu vào tim sau khi chích một chất có phóng xạ vào máu để thấy rõ các coronary arteries nghẹt đến mức độ nào. Kết quả: không nghẹt đến độ phải can thiệp. Tiếp tục thuốc như ở San Diego.

Đầu năm 2011 tôi dọn về Norwalk, cũng thuộc quận Los Angeles. Bác sĩ tim là Sudhaker Nayak – như tôi đã giới thiệu.

Sau 2 Treadmill và Echo tests vào tháng 6/2011 và tháng 12/2011 ông cho biết có hai điều quan tâm: (1) van dưới bên phải (tricuspid valve) nhận máu từ các tĩnh mạch về để chuẩn bị bơm vào phổi có thể bị hở, và (2) các coronary arteries có dấu hiệu bị nghẹt.

Ông đề nghị thông tim Cardiac Catheterization còn gọi là Angiography & Angioplasty). Nghe “thông tim” tôi giựt  mình. Tôi vốn bảo thủ không thích bất cứ thử nghiệm nào đưa kềm, kéo, dây nhợ vào trong cơ thể.

Y khoa Hoa Kỳ tiến bộ nhất thế  giới, nhưng nếu cứu sống được nhiều người thì sự sai lầm y khoa cũng làm chết nhiều bệnh nhân nhất trên thế giới.

Bác sĩ Nayak giải thích thông tim là thọc một ống mềm rỗng ruột vào kẽ háng (groin) theo động mạch chính đưa dần vào tim đến tận các coronary arteries.

Ống sẽ bơm vào tim một chất thuốc nhuộm (dye) tia X có thể chụp được giúp ông ta thấy được tận mắt máu chảy vào và ra qua các “van” như  thế nào và quan trọng nhất là các mạch tim nghẹt đến cỡ nào.

Ông nói thông tim khác với Nuclear Treadmill test ở chỗ, nuclear test chỉ thấy mạch tim nghẹt hay không chứ không làm gì lúc đó và chỉ biết tình trạng hoạt động của các van một cách tương đối thôi.

Trái lại thông tim cho biết các van kín hay hở một cách rõ ràng hơn và nếu thấy mạch tim bị nghẹt có thể đặt vào mạch tim một khâu kim loại (stent) giống như cái khâu dùng để đẩy kim của các bà khi díp vá bằng tay để làm thông mạch tim (tức là từ angiography chuyển qua angioplasty).

Tôi ngại không muốn thông tim, và gọi hỏi ý kiến bác sĩ Patell. Ông Patell xem kết quả của test tháng 12/2011 ông đồng ý với bác sĩ Nayak cần thông tim.

Ông thuyết phục tôi rằng “không chịu thông tim ông sẽ sống trong lo âu không biết sẽ bị heart attack (nhồi máu cơ tim) lúc nào. Thông tim để biết chắc mạch tim không bị nghẹt hoặc nếu nghẹt thì được thông ngay thì tránh được sự lo lắng.”

Bác sĩ Nayak cho hẹn ngày 30/1/2012 thông tim. Phương Tâm, trưởng nữ chở tôi đến bệnh viện tim của Whittier Community Hospital vào buổi sáng. Bà y tá Ruth làm mọi thủ tục chuẩn bị thông thường. 

Gắn IV … cho nước thuốc vào để chuẩn bị sức và bù 12 giờ qua không được phép  ăn uống gì. Nằm dài trên giường bệnh nhân, tôi phải trả lời một  trăm thứ câu hỏi và ký một loạt giấy tờ chịu tất cả trách nhiệm tránh mọi liên đới cho bệnh viện và bác sĩ (trừ trường hợp sai lầm y khoa – mal practices).

Bà Ruth hỏi tôi: “ông có sợ không?” Thật tình tôi nói: “không”. Bà cười rồi cho tôi một viên Valium và  một viên Benadryl khá bự. Bà nói: “để ông cảm thấy thoải mái”.

Tôi mơ màng thấy một ông y tá to con đẩy giường tôi đi qua mấy dãy hành lang vào một phòng máy móc ngỗn ngang, trên đầu tôi là một ngọn đèn pha. ….. . Thế rồi…

Tôi mở choàng mắt, có cảm giác như vừa chợp mắt qua một giấc ngủ ngắn. Không thấy ngọn đèn pha trên đầu. Người ta đã đẩy tôi về phòng cũ. Đồng hồ trên tường chỉ . Tôi nhớ lần cuối đồng hồ chỉ .

Tôi không thấy mệt và chỉ cảm thấy cấn cấn bởi một miếng băng dày bên kẽ háng phải (right groin). Tôi không biết chắc bác sĩ đã  làm gì chưa. Từ sáng bà nurse Ruth bảo bác sĩ Nayak là một “good doctor”, và sẽ là người thông tim cho tôi, thì từ sáng đến giờ này tôi chẳng thấy bóng dáng ông đâu cả.

Bà Ruth vào, tôi hỏi “đã thông tim chưa?” Bà nói: “xong cả rồi, con gái ông sẽ trở lại và bác sĩ Nayak sẽ vào thăm ông”. Tôi hỏi: “Bác sĩ có bỏ khâu kim loại (stents) và mạch tim tôi không?”, bà nói “bác sĩ sẽ nói cho ông biết”

Hơn 2 giờ sau bác sĩ Nayak vào thăm cho biết các mạch tim chính không bị nghẹt, chỉ có một mạch nhỏ nghẹt 30%, và không cần cái stents nào cả.

Tin không vui là ông xác nhận cái tricuspid valve đưa máu đen về tim để được bơm vào phổi bị hở nhiều và ông sẽ giới thiệu một bác sĩ chuyên môn về “van tim” để xem cần làm gì.

Tôi vui mừng biết cơ thể mẹ cha cho vẫn còn y nguyên không có vật lạ trong người.

Mười giờ tối, bà Ruth cho Phương Tâm chở tôi về sau khi dặn dò những gì cần thiết: đừng làm động tác thể thao mạnh, đừng khom mình trong 10 ngày, đừng lái xe 2 ngày và không thuốc men gì thêm, ngoài việc tiếp tục uống các thuốc đang uống.

Ngày hôm sau gỡ nhẹ bang ra, tắm bình thường . Gọi 911 nếu thấy bắp chân đổi màu, nhiệt độ lên cao  trên 101o F , đau nơi vùng tim, nhịp tim đập bất thường.

Tôi gặp bác sĩ Nayak lại ngày 6/2.  Ông chia vui đã thông tim tốt đẹp, không đặt stents, không biến chứng. Tôi cám ơn bác sĩ Nayak, bà Ruth, Phương Tâm và sự lo lắng của mấy đứa con tôi cũng như của vài bạn thân ở phương xa. Cám ơn độc giả đã chịu khó chia sẻ kinh nghiệm thông tim của tôi.

Trần Bình Nam
7 Feb. 2012



 

No comments:

Post a Comment