Sunday, November 17, 2013

Tác phẩm Hành Trình Biển Đông của Ngụy Vũ

Ngụy Vũ – dấu ấn trên vùng đất “mới”...
16/11/2013
Nguyễn - Dương
Cali Today News – Nhà truyền thông Ngụy Vũ mà người Việt ở Cali từng quen tên, và từng gọi anh là Larry King của Little Sài Gòn đã rời khỏi “thủ đô tỵ nạn Việt Nam” ở Bolsa hơn một năm nay, để “tái định cư” tại một vùng đất “mới” – thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Anh rời một “thủ đô” nhỏ để đến một thủ đô lớn nhất thế giới. Trong cái nhìn ấy, chúng tôi xin chúc mừng anh.
Tôi ghé qua văn phòng làm việc của anh, đài Nationwide Viet Radio (NVR) ở Hoa Thịnh Đốn và nhìn thấy hộp danh thiếp trên bàn. Tôi lấy một tấm và đọc dòng chữ: “Ngụy Vũ, Phó Giám Đốc”! Tôi càng mừng hơn, vì “thằng em” của mình không chỉ về thủ đô mà bây giờ còn có thêm chức tước nữa chứ!
Tôi rời văn phòng của đài NVR và bước ra xe đang đậu trong khu thương xá Eden, thương xá của người tỵ nạn tại Hoa Thịnh Đốn, với một niềm vui, bởi “cậu em” đã được tung cánh chim tìm về vùng tổ ấm, dù trời đất ở Washington DC chiều nay lạnh dưới 30 độ..., dưới độ đông đá.
Tôi ngồi trên máy bay bay từ San Francisco về Hoa Thịnh Đốn để làm việc và thăm Ngụy Vũ, nhưng lòng hơi lo lắng. Bỏ đi một nơi mà Ngụy Vũ từng sống trên 2 thập niên, với bao người thân, với bao quen biết, để về vùng đất lạ, thì Ngụy Vũ sẽ sống ra sao, nhất là tuổi tác bây giờ đã vượt qua “ngũ tuần”? Những câu hỏi như thế quay tròn trong đầu như chiếc chong chóng đang quay không ngừng nghỉ ở cánh máy bay.
Ngụy Vũ là “thằng bạn già” nhưng vì nhỏ tuổi hơn tôi, nên tôi vẫn quen gọi là “em”, một chữ “em – anh” định nghĩa phần nào tình cảm mà chúng tôi dành cho nhau trong nhiều năm qua, từ lúc “lên voi” cho đến khi “xuống... chó”.
Tôi rời khu thương xá Eden trong cơn lạnh buốt da khi màn đêm vừa buông xuống, với ánh đèn hiu hắt, vàng vọt của một thành phố miền đông bắc lạnh lẽo, để đến nhà hàng Harvest Moon gần đó, một nơi ấm cúng hơn, để dự buổi văn nghệ và dạ vũ “Hành Trình Thuyền Nhân” của Ngụy Vũ.
Đường sá ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn khá độc đáo: Không đông đúc, thậm chí còn vắng vào chiều tối cuối tuần, và đầy cây cối. Nó không ồn ào, đông đúc, chen chúc như ở San Francisco, San Jose, New York hay Los Angeles,...
Những con đường thủ đô ngập bóng cây, nhưng dường như gió thu đang nhuộm vàng màu lá, khiến cho chúng tôi có cảm giác rất êm ả, nhẹ nhàng, thư thái, và ung dung khôn tả. Một cảm giác râát “thiền” khi đi qua những con đường như thế.
Bỗng dưng, tôi cảm thấy gần gũi hơn với thành phố này, và thậm chí có một cảm tình đặc biệt dành cho nó, dù chỉ vừa mới đến và phải vội vã ra đi...Tôi biết, tôi nợ nơi đây một lần trở lại, ít nhất cũng là một lần!
Cả một nhà hàng lớn chật cả khách tham dự!
Tấm bảng hiệu điện tử Nhà hàng Harvest Moon hiện ra sáng chói trong bóng đêm, chúng tôi theo anh Viên bước vào bên trong, một không khí thật ấm cúng.
Tôi đến nhà hàng vào lúc 7:15 tối, trước giờ khai mạc 45 phút, nhưng bên trong đã đầy chật người ngồi. 500 vé đã được bán sạch, và Ngụy Vũ đã đành phải từ chối biết bao người, ngay cả những nhân vật rất tên tuổi và đầy ân tình trong cộng đồng đến từ khắp mọi nơi những nơi khác, thậm chí từ các nước khác như học giả Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản.
Ngụy Vũ cho biết là ban tổ chức thật vất vã để sắp xếp chỗ ngồi cho khách, và phải tế nhị trong câu trả lời để những anh chị em không dự được khỏi phải buồn. Tôi cảm thấy có chút may mắn được tham dự đêm nay.

Tất cả khách tham dự đều nghiêm trang chào cờ.
Thời buổi này mà có số khách tham dự như thế thì thật ra là một bất ngờ. Ở Cali đông người, để có con số khán giả đông như thế cũng đã khó rồi, huống hồ ở Hoa Thịnh Đốn ít người Việt hơn. Và càng bất ngờ hơn, khi những chiếc vé đó được bán với giá $35 hay $50 mỗi vé và đã được bán hết một tuần trước ngày tổ chức.
Có thể Ngụy Vũ được “lộc” trời cho mỗi khi tổ chức. Tôi nhớ trước đây gần cả chục năm, tại Hội trường nhật báo Người Việt ở Nam Cali, anh tổ chức Lễ Trao Giải Thưởng Sáng Tác cho cuộc thi viết về Thuyền Nhân, mà tôi đã chứng kiến, số người tham dự ngồi đứng chật khắp cả bên trong lẫn bên ngoài hội trường.
Cũng có thể đề tài Thuyền Nhân vẫn là một đề tài có sức hút kỳ lạ đối với cộng đồng người Việt tỵ nạn, bởi hầu hết chúng ta là thuyền nhân. Chỉ cần nói đến hai chữ này, thuyền nhân, ký ức và kỷ niệm từ sâu thẳm, xa xôi ùn ùn chạy về, và nối liền giữa quá khứ và hiện tại, nối lại mọi người với nhau. Thuyền nhân là một mẫu số chung của người tỵ nạn.
Ký giả Mặc Lâm giới thiệu sách của Ngụy Vũ.
Người nhân viên chạy bàn không dấu sự ngạc nhiên khi nói rằng ở đây cuối tuần nào cũng có tiệc tùng, họp mặt, và ca nhạc, nhưng đêm nay thật kỳ lạ, tất cả mọi người đều đến sớm, sớm hơn vài chục phút...
Người ta thường hay nói đùa:
“Không ăn đậu, không phải người Mễ,
Không đi trễ, không phải Việt Nam”...
Cái cố tật đi trễ bỗng dưng bị mất trong tối nay. Ông Nguyễn Văn Khanh – Giám đốc đài Á Châu Tự Do, ban Việt ngữ, là MC tối nay – đã khai mạc đúng giờ. Đúng giờ, một điều lẽ ra là điều bình thường, nhưng sự đúng giờ tối nay trở thành một hiện tượng lạ đáng ghi nhận.
MC Nguyễn Văn Khanh.
Một điều lạ khác nữa khiến nhiều người ngạc nhiên là sự hiện diện của nhiều khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở thủ đô HTĐ, đặc biệt là rất đông giới trẻ, cùng trí thức trẻ trong cộng đồng.
Nhạc sĩ Nam Lộc lạc giữa rừng “hoa” của người hâm mộ.
Qua lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Khanh, chúng tôi thấy rất nhiều tên tuổi lớn vùng Virginia – Washington DC – Maryland như: Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân – bào huynh bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông bà Lê Thành Ân – cựu tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ông Lý Thái Hùng – Chủ tịch đảng Việt Tân, ông Nam Lộc – nhạc sĩ, MC, giám đốc USCC Los Angeles, bà Khúc Minh Thơ, Họa sĩ Vũ Hối, tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh và phu quân là tiến sĩ Nguyễn Viết Kim, ông Đoàn Hữu Định – Chủ tịch Cộng Đồng, ông Nguyễn Hữu Trí – Cựu biên tập viên đài VOA, ông Tạ Cự Hải – Chủ tịch Lực Lượng Cựu Chiến Sĩ, ông Lê Hiếu Em của Hội Quảng Đà, nhiếp ảnh gia Nhất Hùng, ông Dương Xuân Tuyển, ông Đinh Hùng Cường, ông Nguyễn Mậu Trinh, ông Nguyễn Kim Hùng,...
Ngụy Vũ ký tặng sách cho chị Tú Anh.
Những tên tuổi nghe rất quen thuộc trong cộng đồng khắp nơi. Báo chí và truyền thông cũng hiện diện khá đông. Các anh chị em đài RFA (Á Châu Tự Do) tham dự đông đảo gồm Nguyễn Văn Khanh, Mặc Lâm, Thanh Trúc, Thanh Quang, anh Hòa,... Ngoài ra, có anh Đào Trường Phúc của Phố Nhỏ, Đậu Thanh Vân của SBTN, Nguyễn Xuân Nam của nhật báo Cali Today từ San Jose, California… Còn biết bao tên tuổi có mặt hôm ấy mà chúng tôi không thể nào ghi nhận hết.
Ngụy Vũ và người hâm mộ
Những sự hiện diện nổi nang đó của những tên tuổi chắc đã làm cho Ngụy Vũ rất vui, nhưng đêm hôm đó, khi ngồi bên chung rượu nửa đêm sau tàn tiệc, Ngụy Vũ nhắc đến những con người “không tên tuổi” với đôi dòng lệ chảy, như vợ chồng “ông câm”, chị Tú Anh,... 
Vợ chồng ông câm (không nói được) có bao giờ đi dự buổi ra mắt sách của ai bao giờ, dù nhà văn đó có đoạt giải Nobel Văn Chương đi nữa. Còn chị Tú Anh, người phụ nữ duyên dáng ngày nào trên truyền hình Sài Gòn trước 1975, trong chương trình Đố Vui Để Học, thì nghẹn ngào trong dòng lệ... “tất cả các em tôi đã chết, đã chết trên biển...”
Chị đã quá lớn tuổi, đi đứng khó khăn, nhưng đã bước ra đường trong một đêm Thu buốt giá để được tham dự đêm nay, đêm thuyền nhân, để nhớ đến mấy đứa em của mình, để cùng người tỵ nạn thắp lên ngọn nến nguyện cầu...
Nguyễn Xuân Nam, ông Lê Thành Ân, và ông bà giám đốc đài NVR
Điệp khúc của Nam Lộc ‘Tự do ơi tự do, tôi trả bằng nước mắt, tự do hỡi tự do, anh trao bằng máu xương. Tự do ơi tự do, em đổi bằng thân xác…...” do ca sĩ Thanh Hà hát đêm nay sao có sức rung động lạ lùng, dường như có tiếng oan hồn khóc than trong tiếng nhạc.
Tôi ngồi nghe Thanh Hà và Lệ Thu thay nhau trình diễn những ca khúc nói về di tản, thuyền nhân, vượt biển mà lòng thắt lại nghẹn ngào. Cánh cửa ký ức như đã vỡ tung, và kỷ niệm dâng tràn. Quá khứ và nỗi đau của nửa triệu người Việt Nam chết trên biển trong hành trình tìm tự do đã làm trái tim tôi thắt lại.
Chị Tú Anh xúc động khi kể lại tất cả các em đều chết biển
Trên một nửa khách tham dự là tuổi trẻ. Theo nhạc sĩ Nam Lộc, đó là một hiện tượng lạ khác. Các em đến, các em không chỉ tham dự mà còn chia xẻ tác phẩm Hành Trình Thuyền Nhân với nhau và với quý anh chị của thế hệ đi trước.
Em Hoàng Duy Linh, mới 20 tuổi, đã lên sân khấu nhận định về tác phẩm. Em nói thật hay, và càng hay hơn khi em chia xẻ cảm nghĩ của em về tác phẩm bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, nhưng nhiều bạn trẻ đã quên.
Hoàng Duy Linh đã làm nhiều người cảm mến và xúc động! Lâu lắm, tôi mới thấy một chiếc cầu giữa những thế hệ thật dễ thương, không bị gãy, không gượng gạo, không phải là những vật trang sức để dàn cảnh.
Hai tiết mục làm tôi lưu ý nhất trong đêm Hành Trình Thuyền Nhân là phần nói về tác phẩm của Mặc Lâm và phần trình diễn của Nam Lộc.
Mặc Lâm là cây bút của đài Á Châu Tự Do. Trong một không khí tiệc tùng, ca nhạc ồn ào trong một nhà hàng, nhưng anh có sức thu hút lạ lùng: Anh giữ được sự chú ý lắng nghe và im lặng của 500 người thực khách trong vòng khoảng gần 30 phút.
Khó ai làm được điều đó, nhất là trong bối cảnh tiệc tùng trong nhà hàng và đối tượng nghe anh có tuổi thật cách biệt, từ 20 đến 80 tuổi. Anh đã giữ lại được thời gian và không gian để từ đó chiếc ghe vượt biên kinh hoàng từ 3 thập niên trước đây trở về ngự trị trong nhà hàng đêm đó.
Còn Nam Lộc? Trong lúc anh không ngớt lời ngợi ca Nguyễn Văn Khanh trong vai trò MC, thì chúng tôi cho rằng anh đã “steal the show” ca nhạc. Anh không phải là ca sĩ, nhưng anh đã trình diễn các ca khúc trong dòng nhạc lưu vong một cách xuất thần, và rung động, nên trên tay anh oằn xuống với hàng chục cánh hoa hồng từ khán giả.
Nhiều khán giả đủ mọi lứa tuổi đến chụp hình kỷ niệm với anh. Có một cặp vợ chồng trẻ bế đứa con đến “giao” cho anh, anh hơi chút ngỡ ngàng khi bế đứa bé, thì cặp vợ chồng ấy nói: “Tụi em muốn cháu sau này được giống như bác Nam Lộc.” Nghe như thế, mọi người đứng quanh đều cười ồ!
Rồi cuối cùng, tất cả đều kết thúc, có cuộc vui nào lại không có kết thúc, mọi người ra về. Harvest Moon đóng cửa vào lúc nửa đêm. Ngụy Vũ, Nam Lộc, anh Viên và Nguyễn Xuân Nam lang thang đi tìm Phở, nhưng không nơi nào mở cửa, đành ăn mì nửa đêm ở tiệm Miu Kee Noodle.
Ngụy Vũ ngồi ăn với đôi mắt u buồn, dầu rằng một đêm diễn ra quá thành công ngoài dự liệu, vì dường như còn đâu đó tiếng kêu cứu trên biển đông.
Anh đang mơ tưởng đến những Đêm Hành Trình Thuyền Nhân sắp tới ở Philadelphia, San Jose hay ở Seattle,...
Rất đông người đến bàn tiếp tân để mua một bộ hai cuốn của Ngụy Vũ: Bộ tiếng Việt mang tựa đề Hành Trình Thuyền Nhân và bộ tiếng Mỹ mang tựa đề The Vietnamese Boat People.
Một người phụ nữ mua 2 cuốn The Vietnamese Boat People và nói: “Tôi muốn tặng hai đứa con của tôi để nó đọc và hiểu được hành trình thuyền nhân mà chúng ta đã trải qua và để nó hiểu được cái giá mà chúng ta đã trả để đưa được các cháu đến nơi này hay để nó hiểu hơn về giá trị tự do và dân chủ, cũng như hiểu hơn về cơn ác mộng cộng sản.”
Bà cầm hai cuốn sách trên một cách trân trọng. Dường như bà chờ đợi bộ sách này trong mấy chục năm qua. Dường như bà muốn kể lại cho các đứa con và cháu của bà về thuyền nhân, về cuộc di tản gần 40 năm trước mà bà chưa đủ chữ để kể cho các cháu nghe bằng tiếng Mỹ. Bộ sách này như giúp bà làm cái việc mà bà muốn làm từ bao lâu nay...
Bà trân trọng hai cuốn sách như trân trọng chính kỷ niệm đau thương và xương máu của bà cũng như của nhiều người. Trong đôi mắt già nua, bà ngắm nhìn Ngụy Vũ đang ký tặng sách với lòng trìu mến. Riêng với tôi, cuốn The Vietnamese Boat People còn có một giá trị khác. 
Trong các tiệm sách lớn của Mỹ, trong các thư viện Hoa Kỳ, sách tiếng Mỹ cho giới trẻ Việt và cho người ngoại quốc muốn tìm hiểu văn hóa, xã hội, lịch sử, ẩm thực Việt,... còn quá ít, ít đến nỗi ngạc nhiên, dù rằng sách bằng Việt ngữ rất nhiều.
Điều này khiến tuổi trẻ mất “connection” với cộng đồng, với quê hương và lịch sử. Nhiều bạn trẻ đã mất cội rễ, cội nguồn (root) của chính mình. Và sự thiếu thốn này cũng khiến người ngoại quốc ít hiểu về chúng ta hơn. Cộng đồng mình ít nhiều bị mang tiếng là sống “khép kín”. Chúng ta ít có dịp “xuất cảng” văn hóa, lịch sử, văn minh của mình ra thế giới bằng sách vở tiếng Mỹ...
Cuốn sách của Ngụy Vũ, The Boat People, đáp ứng một phần cái nhu cầu ngày càng nhiều đó, thậm chí là nhu cầu bức thiết nữa là khác cho thế hệ thứ hai và sau đó. Cám ơn Ngụy Vũ và nỗ lực cả chục năm trời của anh để góp một phần để đáp ứng nhu cầu trên.
Trong 30 ngày qua, tôi có dịp tham dự 3 lần ra mắt sách bằng Anh ngữ: Cuốn Nationalist in the Vietnam War của ông Nguyễn Công Luận do Indiana University Press xuất bản, cuốn Behind The Smoke Curtain của luật sư Nguyễn Hoàng Duyên do Mindstir Media xuất bản. Và cuốn The Vietnamese Boat People của Ngụy Vũ!
Tôi cũng đang được mời tham dự buổi ra mắt cuốn Work and Life in Vietnam Today edited by Dr. Gerard Sasges vào ngày 20 tháng 11 tới... Những đầu sách tiếng Mỹ đang bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện nhiều hơn. Tôi muốn cám ơn tất cả các anh, vì những công trình này sẽ đưa chúng ta đi xa hơn, trong nhu cầu tìm hiểu của giới trẻ Việt tại Mỹ và của người ngoại quốc!
****
Tôi rời Hoa Thịnh Đốn bay về San Jose vào trưa hôm sau. Trên đường lái xe đưa tôi từ Thương Xá Eden ra phi trường, Ngụy Vũ tâm tình về 12 tháng qua tại vùng đất mới và những dự tính sau này. 45 phút ngồi nghe Ngụy Vũ trải lòng, tôi cảm thấy vui, bởi dường như Ngụy Vũ đã tìm thấy được sức sống ở vùng đất mới.

Nguyễn Dương



No comments:

Post a Comment