Thursday, April 25, 2013

Lúc Sàigòn thất thủ


Lúc Sàigòn thất thủ

 Trích từ Ngô Đ Tựu's email bài:

Hồi Ký “Dang Dở” của cựu Đ/tá Dương Hiếu Nghĩa ...

Sau ngày quốc hận 30/4/1975, có một số anh chị em Quân Dân Cán Chánh và gia đình, tuy may mắn được di tản ra nước ngoài, nhưng không có dịp "may" ở lại để chứng kiến tận mắt những hành động ngu xuẩn, tàn ác đến man rợ của của những người cộng sản Việt Nam từ miền Bắc vào, tự xưng là để "giải phóng cho đồng bào ruột thịt đói rách ở Miền Nam "; của những người cùng uống nước sông Cửu Long nhưng tự hào được cộng sản Bắc Việt cho "tạm mang dép râu, đội nón cối" (mà không biết!).

Tôi ở lại để chứng kiến những con "cọp 30", những người Miền Nam hống hách được cộng sản cho mang băng đỏ trên tay áo, thuộc hệ thống nằm vùng, và nhất thời làm tay sai cho cộng sản!!! Có thể nói đây là một trang sử bi thảm nhất của người dân Miền Nam Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Những đồng bào nào được may mắn rời khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4/1975, và những em cháu thuộc những gia đình nầy (tính đến nay cũng từ 21 tuổi trở lên, kể cả những con em của tất cả người Việt Nam được chào đời trên các nước phương Tây tự do) không bao giờ hình dung được cái ngày lịch sử đen tối nầy, vì cộng sản Việt Nam đã cố tình sửa lịch sử ngay từ đầu chiến dịch tiến chiếm Miền Nam để giành lấy cho đảng cái chánh nghĩa "giải phóng dân tộc".

Cho đến giờ nầy dù chúng tôi có nói lên những sự việc thật sự đã xảy ra từ trước và sau ngày 30/4/75, thì bà con nào đã rời khỏi đất nước trước ngày lịch sử đó cũng không ai muốn tin và chịu tin đó là sự thật. Một phần vì có người còn cho chúng tôi thuộc thành phần chống cộng, thù ghét cộng sản nên chỉ nhằm tuyên truyền chống cộng; một phần vì bà con không ai ngờ là "cùng là người Việt Nam với nhau ai lại có tâm địa vô nhân đạo, phi đạo đức và phi dân tộc đến như thế được.

Do đó những gì chúng tôi kể lại đây không hẳn là những trang "hồi ký" của riêng cá nhân mình mà thật sự là những gì đã xảy ra tại Saigon và những vùng phụ cận trong những ngày trước và sau 30/4/1975, kể lại trung thực những sự việc mà chính bản thân chúng tôi vừa là một nạn nhân, vừa là nhân chứng, những sự việc mà chính mắt chúng tôi đã thấy, chính tai chúng tôi đã nghe..., để tạm gọi là "luận cổ" (nói về chuyện xưa).

Để những anh em bạn già sống tha phương cầu thực chúng ta có đầy đủ yếu tố mà trao đổi nhận định, và để các thế hệ con cháu chúng mình có thêm sự hiểu biết chính xác hơn về bản chất, về con người, về đường lối chủ trương và chánh sách của người cộng sản Việt Nam,mà "suy kim" (suy biết được cái hiện tại). Tức là để thấy được việc làm của người cộng sản trong hiện tại và trong tương lai.
Người dân Miền Nam chúng ta gọi ngày 30/4 là "ngày quốc hận" vì Nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta bị xóa tên khỏi bản đồ của Thế Giới nói chung, và củaThế Giới Tự Do nói riêng, từ ngày 30/4/1975. Bởi vì cộng sản Bắc Việt đã xé bỏ Hiệp Định Ba Lê 1973 mà chúng đã vừa long trọng ký kết, vừa xua quân công khai tiến chiếm Miền Nam Việt Nam.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngày mất nước, khách quan có, chủ quan có, xa, gần đều có. Chúng tôi không muốn bàn thêm ở đây, vì trong gần 30 năm qua đã có rất nhiều sách báo, hồi ký, Việt có, Mỹ có, Pháp có, tất cả đều có phân tách rất rõ ràng rồi.

Chúng tôi chỉ muốn ghi lại một vài mẩu chuyện thật, vui buồn lẫn lộn của bản thân, có liên quan đến ngày quốc hận nầy, để gọi là đóng góp thêm một ít tài liệu vào trang lịch sử đau thương của Đất Nước.
Ngày 1 tháng 2 năm 1973

Tôi và một nhóm anh em sĩ quan cấp tướng tá thuộc Khóa 5 Cao Đẳng Quốc Phòng được thuyên chuyển về Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương vừa được thành lập theo điều khoản của Hiệp Định Ngừng Bắn Ba Lê, được ký kết giữa 4 Bên ngày 27 tháng giêng 1973 tại Ba Lê.

Từ hơn một tháng qua, anh em học viên Cao Đẳng Quốc Phòng chúng tôi được lệnh chia nhau từng toán, sửa lại từng điều khoản một, trong bản thảo của cái gọi là Hiệp Định Ngừng Bắn sắp được 4 Bên ký kết ở Ba Lê (Pháp). Vì qua nghiên cứu, Chánh Phủ không thấy có một câu nào, một đoạn văn nào trong bất cứ điều khoản nào mà không có lợi hoàn toàn cho phía Bắc Việt, ngược lại chỉ có hại hoàn toàn cho Miền Nam Việt Nam mà thôi.

Cũng qua nghiên cứu anh em học viên chúng tôi đều thấy là: toàn bộ bản văn tiếng Việt của Hiệp Định nầy rõ ràng là tác phẩm của cộng sản Bắc Việt được Lê đức Thọ trao cho Kissinger dịch ra tiếng Anh, một bản dịch "thật sát nghĩa" từ ý lẫn lời văn của tác giả Miền Bắc.
Đúng vào ngày 27 tháng giêng 1973 sau khi ký kết Hiệp Định cả Chánh Phủ và chúng tôi đều hết sức thất vọng vì không thấy được một dấu vết sửa chữa nhỏ nào cuối cùng được thực hiện trước khi các Bên ký kết.
Tôi muốn ghi lại chi tiết nầy để chúng ta cùng thấy được là nước VNCH của chúng ta đã bị Đồng Minh của mình phản bội, bán đứng cho cộng sản Bắc Việt ngay từ khi họ dàn xếp được Hội Nghị Paris (có cả MTGPMN là một trong 4 Bên ở Bàn Hội Nghị) một ít lâu sau Tết Mậu Thân 1968, để rút chân ra khỏi cuộc chiến với một danh từ thật kêu là "Việt Nam Hóa Chiến Tranh".

Ngày 28 tháng 4/1975: 8 giờ sáng,

Đại tá Ngyễn Hồng Đài từ tư dinh của Đại tướng Dương văn Minh điện thoại trực tiếp cho tôi nhờ đưa một phái đoàn đại diện cho Tổng Thống đến gặp phái đoàn cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng (MTGPMN) ở trại Davis.

Phái đoàn gồm có Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng Thống, Luật sư Vũ Văn Mẫu Thủ Tướng và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền Tham mưu trưỏng QLVNCH từ ngày 28 tháng 4/75. (Một bộ hạ thân tín của tướng Dương Văn Minh ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân từ 1955, sau nầy mới được biết là đã làm tay sai cho CS từ đầu thập niên 70 và từ đó đã trở thành một Việt Cộng nằm vùng rất đắc lực của Bắc Việt).

Khối Ngoại Vụ chúng tôi cho biết là CSBV và Việt Cộng không tiếp phái đoàn, nhưng đại tá Đài cho tôi biết là "ông già nhấn mạnh là tôi nên cố gắng, vì cuộc gặp mặt nầy rất quan trọng". Tôi đành phải đích thân gọi vào trại Davis, gặp đại tá Sĩ để điều đình và cuối cùng phái đoàn của Tổng Thống Minh "được đồng ý cho vào trại Davis gọi là để viếng thăm hai phái đoàn cộng sản Bắc Việt và CPLTMN" (nguyên văn lời đại tá Sĩ trực tiếp nói với tôi qua điện thoại).

Tôi biết đưọc anh Nguyễn Văn Sĩ trước học ở trường Collège Cần Thơ, có biệt danh là "Sĩ Kiến, Theo bản trận liệt mà chúng ta biết được thì anh Sĩ là Tư Lệnh sư đoàn 7 bộ binh của MTGPMN. Chúng tôi hai đứa gặp nhau và nhìn lại nhau ở cương vị đối nghịch nhau tại bàn hội nghị Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên ở Tân sơn Nhất.

Nhờ đó mỗi khi gặp bế tắc trong bất cứ vấn đề gì ở bàn Hội Nghị, nhất là về trao trả tù binh thì anh Sĩ lại được tướng Tràn văn Trà cho làm đại diện cho Cộng sản để "mật đàm với đại tá Nghĩa" nhằm tìm ra giải pháp. Đến năm 1989, sau khi ra khỏi trại tù cải tạo, nhân một dịp đi xuống Cần Thơ, tôi lại được gặp anh Sĩ vài lần ở ngay sân quần vợt Cần Thơ, và đươc biết là anh đã rời khỏi quân ngũ từ 1977, vì lý do đảng tịch, và là người Miền Nam nên anh phải "đi một xuồng" với tướng Trà).

Phái đoàn của Luật sư Huyền vào trại Davis lúc 9 giở 30 và rời khỏi trại hồi 10 giờ hơn. Tôi tò mò muốn biết kết quả của cuộc gặp gỡ nầy, nhưng đại tá Đài không cho biết vì anh không được biết hay vì anh không muốn tiết lộ, hay vì một lý do nào khác? Qua đại tá Sĩ thì tôi cũng không được biết gì hơn ngoài câu "như đã thỏa thuận với anh hồi nãy", tức phải được hiểu ngầm là "chỉ có viếng thăm xã giao mà không có bàn đến các vấn đề gì khác"

Tò mò hơn, qua điện thoại với trung tá chánh văn phòngTrương Minh Đẩu, tôi được biết là Ông Dương Văn Minh đã "mò" lên tận vùng Long Khánh (không rõ chính xác ở đâu) với liên lạc viên Dương Văn Nhật để gặp Lê đức Thọ từ mấy ngày trước, qua đường dây liên lạc đặc biệt nào đó mà anh không biết. (Dương Văn Nhật là em ruột của tướng Minh, tập kết ra Bắc năm 1954, về Nam với quân hàm trung tá của MTGPMN, vào ở ngay Dinh Hoa Lan tại đường Trần quý Cáp với gia đình tướng Minh từ lâu, dĩ nhiên trong nhiệm vụ sĩ quan liên lạc của cộng sản.)

Vẫn theo lời anh Đẩu thì sau khi phái đoàn của ông Nguyễn Văn Huyền về đến Dinh Hoa Lan, ông Minh họp Hội đồng Chánh Phủ và cho biết là MTGPMN đã bác bỏ đề nghị của ông nhằm tìm một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam. Vì vậy ông đã quyết định là "chỉ còn một cách duy nhất là "đầu hàng vô điều kiện" mà thôi.

Ngày 28 tháng 4/1975 : 4 giờ chiều:
Tôi muốn nhắc lại ở đây một đoạn đàm thoại ngắn giữa tôi và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ qua điện thoại mà ông gọi tôi lúc 4 giờ chiều ngày hôm nay từ tư dinh của ông ngay trong căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất.
- Anh còn ở đây chưa đi đâu sao anh Nghĩa?
- Thưa thiếu tướng chưa, vì tôi còn trách nhiệm phải lo cho gia đình các anh em quân nhân của Ban Liên Hợp đi cho xong rồi tôi mới đi. Dự trù chiều mai 29 thưa thiếu tướng.
- Gia đình anh đi chưa?
- Thưa thiếu tướng đã đi xong đêm 26 vừa rồi. Còn thiếu tướng sao giờ nầy còn ở đây?
- Tôi và gia đình đang sắp sửa đi đây, Anh Tiên (chuẩn tướng Phan Phụng Tiên) cho phi cơ đưa chúng tôi đi nhưng anh Tiên thì còn ở lại, đi sau.
Nói đến đây ông hơi ngập ngừng chừng một phút rồi mới nói tiếp:
- Phải đi chớ ở lại đây sao được anh Nghĩa? Tôi vừa mới từ nhà ông Minh về đây. Theo lời ông Minh nói với tôi lúc nãy thì chúng ta coi như đã, mất hết rồi không còn quyền gì nữa hết, anh Nghĩa, kể cả quyền làm chánh trị!..., Ông Minh đã nói thẳng cho tôi như thế. Lúc này thì mình còn ở lại đây để làm gì nữa anh Nghĩa?


Nói tới đây ông sụt sùi và tôi nghe có tiếng khóc nghẹn ngào của ông qua điện thoại. Tôi nghĩ có lẽ ông vừa bực tức ông Minh vừa bực tức vì một đời ngang dọc của ông coi như bị trói cả hai tay trong lãnh vực quân sự lẫn chánh trị.. . . và xúc động thấy mình sắp phải rời khỏi quê hương. Không thấy tôi nói gì nữa ông nói tiếp:
- Vậy tôi đi hôm nay nghe, anh cũng nên đi luôn đi, coi chừng đi không kịp nữa đó. Anh Tiên chắc cũng đi sau tôi. Còn sắp xếp cho anh em Không quân nữa, chắc phải đưa tất cả phi cơ đi cho hết. Thôi anh ở lại đi sau nghe, chúc anh may mắn
- Xin chúc thiếu tướng và gia đình thượng lộ bình an.
- Cám ơn anh.
Một lúc sau đó anh Phan Nhật Nam về gặp tôi ở Ban Liên Hợp xác nhận là gia đình ông Kỳ vừa bay ra Hạm đội 7 bằng trực thăng và anh cũng nhân đó hỏi tôi đã nói gì với ông Kỳ làm cho ông khóc vậy? Tôi đáp : Có lẽ ông cảm động trước khi rời khòi quê hương, và bực tức vì lời nói của ông Minh Dương chớ tôi thì không có nói gì cả. ?
Từ sáng sớm hôm nay, căn cứ Không Quân Biên Hòa được lệnh dời hết về Tân Sơn Nhất tất cả phi cơ các loại, từ phi cơ chiến đấu, vận tải đến trực thăng các loại, tất cả nhân viên phi hành và không phi hành đều lục tục kéo nhau về hết ở đây cho đến gần 7 giờ chiều mà vẫn chưa hết.

Người nào có gia đình hay thân nhân ờ vùng Sài Gòn Chợ Lớn Gia định thì được phép về nhà nhưng toàn bộ vũ khí cá nhân đều phải gởi lại hết ờ Tân Sơn Nhất. Như thế là cả Vùng 3 và Biệt Khu Thủ Đô chỉ còn có mỗi căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất mà thôi.

Ngày 28 tháng 4/1975: 6 giờ chiều

Chúng tôi vào D.A.O. đưa một toán 200 người thuộc gia đình sĩ quan và hạ sĩ quan /Ban Liên Hợp Quân sự ra phi cơ trong chương trình di tản (toán thứ 8).

Chờ cho phi cơ cất cánh xong (9 giờ) chúng tôi mới trở về lại Ban Liên Hợp, vẫn phải trực như mọi người và mọi đơn vị.

Ngày 28 tháng 4/1975: 10 giờ đêm:

Từ 10 giờ đêm, Bắc Việt bắt đầu pháo kích và bắn hỏa tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay ban chiều vào khoảng 7 giờ, họ đã cho một loạt tác xạ điều chỉnh vào khu vực sân bay rồi : tất cả 5,6 quả và 2 hỏa tiễn đều rơi vào khu dân cư ở xóm Trương minh Giảng và Lăng Cha Cà ở bên ngoài khu vực sân bay.

Nhưng từ 10 giờ đêm trở đi thì tất cả đạn pháo nặng nhẹ từ 130 ly đến bích kích pháo 82 ly và hỏa tiễn đều rơi vào các đường bay, các ụ chứa phi cơ và các kho bom đạn cũng như Bộ chỉ huy các Không đoàn, Riêng Ban Liên Hợp chúng tôi cũng được hưởng mấy trái hỏa tiễn và đạn pháo 130 ly làm cho 3 dãy nhà bị cháy và gây tử thương vài binh sĩ, làm bị thương một số khác.

Chúng tôi và đại tá Ba ra ngoài đường thoát nước lộ thiên bằng xi măng trước văn phòng nằm tránh đạn. Chiếc xe của tôi đậu cách chỗ nằm của chúng tôi chừng 15 thước bị một mảnh đạn và bốc cháy mà chúng tôi không dám chữa. Từ đó, Bắc Việt pháo kích từng chập từng chập cách nhau chừng 15 phút, đủ loại, không ngừng cho đến sáng hôm sau. Hầu như không có phi cơ quan sát hay tiềm kích nào cất cánh lên được suốt đêm nay, và cũng không nghe thấy có tiếng súng phản pháo nào.

Riêng trại Davis của hai phái đoàn cộng sản, cách văn phòng chúng tôi chừng 100 thước, thì không bị một quả đạn nào, tất nhiên đây là vị trí của tiền sát viên Bắc Việt giúp điều chỉnh tác xạ suốt đêm nay thật chính xác, vì trong 2 năm ở đây họ đã nắm rõ từng vị trí trong sân bay nầy rồi!

Ngày 29 tháng 4: 9 giờ sáng:

Chúng tôi qua Phòng họp của Ban Liên Hợp Quân sự không bị trúng đạn pháo, từ đó mới xử dụng được đường dây điện thoại để báo cáo đi các nơi về thiệt hại vật chất và nhân mạng đêm qua..

Đến 9 giờ sáng thì có một chiếc trực thăng Mỹ (sơn toàn trắng) đáp xuống ngay trước phòng họp để bốc chúng tôi đi. Nhưng không hiểu sao tôi lại không chịu đi. Và tôi cho trực thăng nầy di tản 6 sĩ quan của toán thanh tra ngừng bắn, người Nam Dương.

Tôi vẫn còn nhớ ơn đại tá Abbas, Phó trưởng đoàn và trưởng phòng Tình Báo của phái đoàn Nam Dương nầy đã 2 lần đích thân kín đáo trao cho tôi bản đồ trận liệt ghi rõ tiến trình xâm nhập vào Miền Nam của đầy đủ 16 sư đoàn chánh quy bộ binh Bắc Việt và các sư đoàn thiết giáp và sư đoàn pháo binh nặng, vừa được cập nhật vào đầu tháng giêng năm 1975.

Tôi đích thân mang tay lên trình cho Tổng Thống Thiệu ngày 4 tháng 1, với lời giải thích miệng rất đầy đủ theo đúng tin tức tình báo mà phái đoàn Nam Dương đã sưu tầm rất chính xác và rất đầy đù, (nhưng sau đó tôi đã không thi hành lệnh của Tổng Thống, chỉ vì ông bảo tôi phải mang sang cho Trung tướng Đặng văn Quang.

Lần thứ hai ngày 1 tháng 3, với chú thích về mục tiêu tiến chiếm dự trù của cộng sản là Ban Mê Thuột. Đây là tin tức hết sức chính xác về mục tiêu và thời điểm tấn công của Bắc Việt: tiến chiếm Ban Mê Thuột vào tháng 3/75.

Tôi cũng đã mang tay bản đồ và tin tức nầy đến trình cho Tổng Thống Thiệu, nhưng lần nầy thì ông bảo tôi mang sang cho Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng. Tôi đã y lệnh thi hành. Dĩ nhiên tôi không biết với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân đội và Tổng Tham Mưu Trưởng hai ông đã có quyết định kịp thời về một "đường lối hành động" nào hay không ...

Ngày 29 tháng 4: 10 giờ sáng:

Tôi liên lạc với Đại tá Nguyệt, Hải Quân, để đưa một số sĩ quan và quân nhân các cấp, khoảng 30 người xuống tàu, di tản theo Hải Quân. Trong số nầy có các Đại tá Chuân, đại tá Đóa,v.v. thuộc Khối Nghị Hội / Ban Liên Hợp.

Số anh em sĩ quan và nhân viên còn lại của Ban Liên Hợp, chúng tôi dự trù cũng sẽ xuống luôn bến Bạch Đằng khoảng 12 giờ trưa sau khi thu xếp việc tản thương xong cho một số anh em quân nhân và nữ trợ tá xã hội tử thương và bị thương đêm qua.

Ngày 29 tháng 4: 11 giờ 30 sáng:

Chúng tôi nghe thấy có tiếng súng liên thanh từ dưới đất bắn lên các phi cơ đang cố gắng cất cánh khỏi phi trường. Anh em cho biết là chiếc xe jeep mui trần có gắn liên thanh 12 ly 7 của đại úy Quân Cảnh / Phi trường đang nằm ngay giữa các phi đạo bắn lên bất cứ loại phi cơ và trực thăng nào muốn cất cánh rời khòi phi trường.

Sau ngày 30/4, đích thân tôi gặp đại úy Quân Cảnh nầy, mang súng lục đang đứng gác ngay tòa nhà Quốc Hội ở đường Tự Do. Thì ra đây là một tên cộng sản nằm vùng đã nhận lệnh của cộng sản từ trại Davis trong công tác ngăn chận không cho phi cơ cất cánh từ khuya ngày 29 tháng 4.

Chúng tôi lên xe đi xuống Hải Quân để kịp lên tàu với đại tá Nguyệt. Nhưng lúc vừa đi ngang qua Bộ Tổng Tham Mưu (đúng 12 giờ trưa) thì không biết tại sao thình lình tôi lái xe Jeep của tôi rẽ trái đi vào cổng Tổng Tham Mưu. Hai xe jeep và 2 xe 4/4 trong đoàn xe của tôi dĩ nhiên phải vào luôn cổng theo xe của tôi.

Đến ngay Bộ Chỉ Huy Pháo Binh, chúng tôi ngừng xe lại và tôi vào ngay Hội trường của Bộ Chỉ Huy nầy tìm chỗ nằm xuống đánh một giấc ngon lành không còn biết ất giáp trời trăng gì nữa, có lẽ vì quá mệt mỏi.

Tất cả anh em sĩ quan theo tôi từ Tân Sơn Nhất (trong số nầy có đại tá Nguyễn ngọc Nhận, đại tá Lộc, pháo binh thuộc Ban Liên Hợp quân sự Cần Thơ, trung tá Chữ Nam Anh, trung tá Hoàng chánh văn phòng v.v.) đều theo tôi vào hết trong hội trường vắng trống nầy.
Đến 4 giờ chiều, thình lình tôi thức dậy và đinh ninh mình đang ngủ dưới tàu của Hải Quân nên lên tiếng hỏi:
- Tàu của chúng ta đã chạy đến đâu rồi? đã ra khòi sông Lòng Tão chưa?
- Chạy đến Hội trường của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh trong Tổng Tham Mưu rồi! Trung tá Hoàng vừa cười mai mỉa vừa trả lời.
- Tôi bàng hoàng đứng ngay dậy quan sát thì rõ ràng thấy mình đang ở giữa Bộ Tổng Tham Mưu. Bèn ra lệnh:
- Anh em lên xe ngay đi để xuống Bến Bạch Đằng chắc còn kịp vì đại tá Nguyệt chắc chắn còn đợi tôi.
- Không kịp nữa rồi ông ơi, Bộ Tổng Tham Mưu đã khóa cổng và có lệnh không cho ai ra vô gì nữa hết, chúng tôi đã thử mấy lần muốn ra rồi mà không được.
- Vậy là chết rồi! anh thử liên lạc với ông Nguyệt thử coi? ở số nầy nè!
- Trung tá Hoàng cố gọi chừng 15 phút mà không nghe ai trả lời.. . .

Thế là số mạng bắt ta phải ở lại đây rồi! Tôi chán nản nghĩ thầm như vậy khi sực nhớ lại không biết vì lý do gì mà mình tự nhiên lại rẽ vào cổng Bộ Tổng Tham Mưu lúc 12 giờ trưa nay thay vì cứ phải chạy thẳng xuống Bến Bạch Đằng để xuống tàu. Về sau nầy tôi mới được biết là đại tá Nguyệt chỉ vì chờ tôi không chịu nhổ neo tách bến nên phải bị anh em binh sĩ Hải Quân khiêng xuống tàu và rời bến lúc 2 giờ trưa.
Ngày 29 tháng 4: 7 giờ chiều
Trung tướng Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham mưu trưởng, cho người xuống gọi cá nhân tôi và đại tá Nhận lên văn phòng của ông để nhận việc. Lúc đó tôi mới biết được là ở Bộ Tổng Tham Mưu hiện giờ không cón Tham mưu Trưởng, không còn một số trưởng phòng quan trọng nào nữa như P1, P2, P3 và P4. Tất cả đều đã tìm phương tiện di tản hết rồi, chỉ còn sĩ quan xử lý thường vụ mà thôi. Không cần suy nghĩ tôi cũng đã thấy được tình hình chung như thế nào rồi.

Đại tá Nhận được trung tướng Vĩnh Lộc ép nhận chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi vẫn không chịu nhận bất cứ một nhiệm vụ nào, ít nhất trong hiện tại, vì đã dự định nội nhật ngày mai là phải rời khòi Bộ Tổng Tham Mưu để tìm phương tiện di tản.

Ngày 29 tháng 4: 8 giờ 30 tối:

Các trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ồ ạt đáp xuống D.A. O. (Phòng Tùy viên Quân Lực Mỹ) ở ngay phía sau lưng tòa nhà chánh của Bộ Tổng Tham Mưu để bốc người Mỹ theo đúng tiến trình hành quân di tản của Hoa Kỳ. Không có một tiếng súng nhỏ lớn hay hỏa tiễn phòng không nào của Bắc Việt từ dưới đất bắn lên, điều nầy cho thấy rõ là giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt đã có một mật ước nào đó rồi cho thời gian và lộ trình di tản của Hoa Kỳ.

Có tiếng loa kêu gọi từ các trực thăng lúc họ bay ngang qua không phận Bộ Tổng Tham Mưu: Ai muốn được di tản thì cứ qua bãi đáp trực thăng bên D.A.O. ngay phía sau Bộ TTM.

Có một số sĩ quan và nhân viên của Ban Liên Hợp (đang ở đây với tôi) đã nghe rõ tiếng loa kêu gọi từ trực thăng và đã vượt rào kẽm gai của Bộ Tổng Tham Mưu đến bãi bốc trực thăng bên D.A.O. (khoản 40 thước đường) trong số đó có Đại tá Lộc, trung tá Hoàng và một số sĩ quan cấp úy khác. Riêng tôi thì không thích "chui rào" như họ, (có lẽ vì tự ái cá nhân hay vì số mạng không biết )

Ngày 30 tháng 4: 6 giờ sáng:

Do đó, sáng ra kiểm điểm lại thì chỉ còn có tôi với trung tá Chử Nam Anh và một số chừng 10 binh sĩ mà thôi. Những người khác thì đã được trực thăng Mỹ di tản đêm qua rồi. Cùng tôi lên xe sẵn sàng ra cổng Bộ Tổng Tham Mưu.

Nhân lúc xe của trung tướng Vĩnh Lộc và đại tá Nhận ra cổng, chúng tôi tháp tùng theo xe nầy luôn, vì nếu không thì sẽ bị chận lại không ra khỏi đây được nữa theo tiêu lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu.

Ra khỏi Bộ Tổng Tham Mưu là chúng tôi chia tay nhau, tạm gọi là "đường ai nấy đi" vì tới giờ phút nầy chúng tôi hình như đã linh cảm được số phận của Miền Nam Việt Nam sẽ ra sao rồi!

Tôi lái xe về nhà người em họ ở Cư xá Đô Thành (Bàn Cờ) dự trù sẽ thay quần áo và nghỉ ngơi trước khi tìm được phương tiện di tản. Tình hình quân sự và chánh trị thì đã quá rõ ràng rồi, bây gờ chỉ còn xem con đường nào thuận tiện nhứt để thoát khỏi đây thôi.

Phương tiện nào đây? Tàu hay phi cơ? Bằng tàu thì hoặc phải xuống Bến Bạch Đằng và Nhà Bè, hoặc phải ra tận Vũng Tàu hay Gò Công? Bằng phi cơ thì chỉ có ra tòa đại sứ Mỹ…

Vậy ta phải đi một vòng xem sao rồi mới quuyết định được. Đang ngồi suy tính một mình thì thằng em họ kêu cho hay là có lệnh mới rồi.. Lệnh của Tổng Thống và của Tổng Tham Mưu trưởng ...

Ngày 30 tháng 4: 11 giờ trưa

Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố Miền Nam Việt Nam "đơn phương ngừng bắn vô điều kiện", một cách chơi chữ để nói lên một sự "đầu hàng Cộng sản Bắc Việt không có điều kiện (nhưng đó mới thực sự là điều kiện của Bắc Việt đã trao cho ông).

Và ngay sau đó tướng Nguyễn hữu Hạnh với tư cách là Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH lên tiếng trên đài truyền hình và đài phát thanh Sài Gòn, ra lệnh đơn phương ngừng bắn cho các đơn vị còn đang chiến đấu và kêu gọi quân nhân các cấp phải buông súng xuống!
Lắng tai nghe đi nghe lại những lời tuyên bố của hai tướng Minh và tướng Hạnh tôi vừa đau khổ vừa bùi ngùi nghe theo lời khuyên của em mình, trút bỏ bộ quân phục thân yêu của mình trong suốt gần 25 năm trong quân đội, xong mượn chiếc xe Honda của thằng em vội vàng phóng ra cửa. Tôi nghĩ bụng: Thôi thế là coi như xong hết rồi, không biết cái gì sẽ xảy ra sau chuyện đầu hàng quá nhục nhã nầy? Thương thuyết chăng? Chánh phủ Liên Hiệp chăng? Chắc chắn là không rồi.

Hàng ngàn chiếc xe xe tăng T.54 từ Bắc Việt vào đây tức là cộng sản Bắc Việt nhất quyết đã chọn giải pháp quân sự rồi thì làm gì còn có giải pháp chánh trị? Và đối với mộng bành trướng bá quyền của Cộng sản thì đâu có chuyện anh MTGPMN nhảy vào ngồi mát ăn bát vàng của họ được? Tôi vừa đi vừa suy nghĩ mông lung.. tự nhiên thấy mình trở lại gần Bộ Tổng Tham mưu lúc nào không hay. Nhân tiện tôi đi vòng qua hướng Lăng Cha Cả để theo đường Trương minh Giảng xuống Sài Gòn.

Lúc nầy đã quá 1 giờ trưa rồi. Đường xá vắng tanh, dân chúng rút hết vô nhà đóng kín cửa. ngoại trừ bọn hôi của còn đang lăng xăng lục lạo và khuân vác từng biệt thự do người Mỹ mướn ở, hay các nhà vô chủ, của những người dân quá sợ cộng sản đã bỏ đi hoặc di tản hay đang tìm đường di tản ra ngoại quốc.

Tuy không còn nghe tiếng đạn pháo hay rốc kết liên tục nhưng vẫn còn lác đác một vài tiếng súng cá nhân hay một vài tràng liên thanh đâu đó từ hướng trại Hoàng hoa Thám của anh em Dù.

Tôi còn nhớ lúc rời khỏi Ban Liên Hợp Quân sự ngày hôm qua, tôi còn chứng kiến được một số hành động anh dũng của anh em "Biệt kích 81 Dù" đã bắn hạ 13 chiến xa T.54 của Bắc Việt từ Lăng Cha Cả lên hướng Củ Chi khi các đơn vị Bắc Việt tấn công vào trại Hoàng Hoa Thám để tìm cách đột nhập ngang hông vào Tân Sơn Nhất.

Hôm nay xác những chiếc tăng T.54 vẫn còn ngổn ngang ở vùng nầy, và tiếng súng cá nhân vẫn còn lẻ tẻ mặc dầu đã có lệnh đơn phương ngừng bắn của QLVNCH từ 11 giờ sáng nay.

Đường Trương minh Giảng vắng tanh không một bóng người, không một chiếc xe nào chỉ thấy có một vài xác chết rải rác ngoài đường, gần cầu, hình như của bọn đặc công Bắc Việt.

Khắp các nẻo đường mà tôi đi qua, trong thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và cả Gia Định, tôi quá đau lòng mà thấy cảnh không biết bao nhiêu là súng ống đạn dược đủ loại, quân phục đủ màu đủ sắc của mọi binh chủng được vứt bỏ ngổn ngang từng đống hay bừa bãi, rải rác khắp các vỉa hè, các thùng rác, cống rãnh.. có lẽ đây là một cách vừa thi hành, vừa phản đối lệnh buông súng đầu hàng của tướng Minh và tướng Hạnh. . . .còn đang ra rả kêu gọi liên tục trên đài phát thanh.

Càng đau lòng hơn khi thỉnh thoảng tôi bắt gặp một số người chạy long nhông ngoài đường, hầu hết chỉ có một quần cụt trên người, có khi trần truồng như nhộng, chắc chắn họ là quân nhân, vì họ luôn miệng chửi thề tục tỉu vang trời, chửi cả bọn chiến thắng Bắc Việt lẫn người chủ bại đan tâm khóa tay Quân đội để đầu hàng cộng sản!

Bến Bạch Đằng và Nhà Bè vắng tàu nhưng không vắng người vì còn một số quá đông đang còn lóng nhóng chờ... tàu từ Tân Cảng xuống. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn không còn chiếc nào. Tôi vào Bình Đông (Chợ Lớn) để thử tìm đưởng bộ xuống Gò Công.

Nhưng cảnh sát dã chiến ở chốt đầu cầu đã được lệnh khóa cổng từ 6 giờ sáng nay không cho một ai qua khỏi cầu. Trở về Phú Lâm, tôi cũng bị chốt cảnh sát dã chiến ngăn chận, như thế có nghĩa là từ 6 giờ sáng nay đã có lệnh khóa hết mọi con đường ra khỏi Đô thành, khó mà dùng đường bộ được, và cũng có nghĩa là bọn cộng sản Bắc Việt đã bao vây chặt thủ đô nầy rồi.

Như thế là coi như tôi không còn khả năng và phương tiện nào thoát ra khỏi thủ đô Sài Gòn nữa bằng cả 3 đường bộ, đường thủy và đường bay. Thôi thì đành phải ngồi yên để chờ xem diễn tiến sắp tới tức là ngồi chờ xem Cộng sản Bắc Việt tiến vào thủ đô mà thôi!! Nghĩ thế tôi quay xe trở về Bàn Cờ.

Trên đường về, đột nhiên tôi nghe mấy tràng đại liên ròn rã ở hướng nhà thờ Sài Gòn. Quá tò mò tôi muốn đến xem nhưng gần đến nhà thờ thì nghe tiếng chiến xa chạy rầm rập ở hướng đại lộ Thống Nhất. Tôi biết là chuyên gì đã xảy ra rồi, nhưng quá đau lòng đến độ không thể nào dám chạy đến đó để xem, tôi vội chạy về Bàn Cờ ngay.

Ngày 30 tháng 4:  6 giờ chiều:

Tôi có ý định lên Hạnh thông Tây, vào thăm Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp của mình. Nhưng khi vừa qua khỏi sân Golf ở phía sau Tổng Tham mưu thì một cảnh tượng quá đau lòng làm tôi phải ngừng xe lại ngay.

Từng nhóm thương bệnh binh dìu nhau đi bộ từ cổng Tổng Y Viện Cộng Hòa. Hỏi ra tôi mới biết là từ 5 giờ chiều nay, một toán quân Bắc Việt đã vào tiếp thu Quân Y Viện mà họ liệt vào hàng "chiến lợi phẩm chiến tranh".

Người sĩ quan tiếp thu ra lệnh cho tất cả đều phải ra khỏi bệnh viện, và "ngay tức khắc" không được chậm trễ, không được mang theo bất cứ thứ gì kể cả xe cộ đủ loại, vì tất cả đều là của Mỹ Ngụy, không do cá nhân mua sắm, ngoại trừ quần áo đang mặc trên mình.
Tất cả mọi người, từ các bác sĩ quân y, các nam nữ y tá, trợ tá xã hội, lao công dân chính v.v. cho đến thương bịnh binh đủ loại, không cần biết tình trạng bệnh lý, đã được chữa trị hay chưa, vết thương đã mổ hay chưa? lành hay chưa lành? v.v.

Thật quá khủng khiếp cho những anh em thương binh vừa được chuyển từ mặt trận về, vừa được lên bàn mổ hay vừa được mổ mà chưa khâu xong vết mổ, còn đang nửa mê nửa tỉnh.. đều phải ôm vết thương lang thang xuất viện mà không biết phải đi về đâu? nhà ở đâu mà về? Gia đình có đâu mà về? đơn vị ở đâu mà về? Vì họ được tản thương về đây từ mặt trận.

Đây là một câu chuyện thê thảm nhất trong lịch sử chiến tranh quốc cộng, giữa Nam Bắc Việt Nam, giữa người Việt Nam với nhau. Ngay như trong cả 2 thế chiến, người ta cũng không có lối cư xử quá tàn bạo và nhẫn tâm vô nhân đạo như thế, huống là giữa những người Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng?

Để giúp cho những người khốn khổ nầy, chúng tôi và một số dân chúng quanh chùa Vạn Hạnh (Phú Nhuận) kêu gọi được một số xe tư nhân, xe tắc xi, xích lô máy, xích lô đạp.. đưa giùm một số thương bịnh binh nặng, đang trong tình trạng giải phẫu dở dang.. đến các bệnh viện Đô Thành, Nguyễn văn Học, Chợ Rẫy, Grall và một số bệnh viện tư của người Hoa ở Chợ Lớn, kể cả 2 bệnh viện tư nhỏ của hai bác sĩ Nguyễn văn Tạo, Nguyễn duy Tài ở đường Pasteur.. để nhờ tạm chữa trị tiếp, chờ ngày cho họ về với gia đình..

Giờ nầy thật tình thời gian đã trôi qua quá lâu rồi, gần 30 năm rồi, thử hỏi dân chúng Miền Nam cũng như người Việt Nam ở hải ngoại nầy còn có mấy ai biết đến và nhớ đến một buổi chiều thê thảm nhất của anh em quân nhân chúng tôi, nhất là những anh em thương bịnh binh thuộc QLVNCH đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa đã bị xua đuổi thẳng tay một cách vô nhân đạo ra khỏi bàn mổ hay khỏi giường bịnh, do sự tiếp thu của Cục Quân Y của Quân Đội Nhân Dân BV? vào ngày 30 tháng 4 /1975 mà cộng sản gọi là ngày chiến thắng của họ trong chiến dịch xâm lăng Miền Nam Việt Nam có tên gọi là chiến dịch Hồ chí Minh!!!

Đêm nay về Bàn Cờ nghỉ tạm, tôi không có một chút hứng thú nào khi ngồi trước một bữa cơm ngon của gia đình, tôi cũng trằn trọc suốt đêm không ngủ được chỉ mong cho trời mau sáng để được xem tận mắt cảnh "đổi đời"! Ước gì cảnh đó phải hoàn toàn khác hẳn cảnh mà tôi đã đích thân chứng kiến chiều hôm qua ở Gò Vấp!
Ngày mồng 3 tháng 5/ 1975

Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ thư viện Quốc Gia. Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt gọi là bài trừ "Văn Hóa đồi trụy"

Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là "ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy" ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con "cọp 30"), tại Sài Gòn Chợ Lớn thì mỗi quận một tiểu ban, ở các tỉnh thì mỗi tỉnh một tiểu ban.

Văn hóa đồi trụy được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v... đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga).

Mục tiêu mà các "ông cọp 30" nhắm vào trước tiên là Thư viện quốc gia (national library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết.

Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và Encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành Công Pháp quốc tế, Khoa Học Kỹ Thuật, Hàng Không và cả khoa học Không Gian,v.v... mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của Đất Nước, trong phút chốc bị "cọp 30" xơi tái hết!

Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ Encyclopedia lên xem mà ứa nước mắt... nhưng không dám hỏi thêm vì bị ngay một "cọp 3O" khoảng 16 tuổi tới đuổi: "Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta Độc lập rồi thì Ta cần gì ba cái thứ nầy nữa!!" Quả tội nghiệp! Thật là tội nghiệp !!!

Về sau mãi cho đến 1992 lúc chúng tôi sắp rời khòi VN, thì thư viện quốc gia nầy vẫn còn được cộng sản dùng làm "mặt bằng" cho mướn làm tiệc cưới và tiệc "liên hoan" của cán bộ công nhân viên các cấp.

Mục tiêu kế tiếp của bọn "cọp 30" là Thư Viện Bộ Giáo Dục, các nhà sách ở khu chợ Bến Thành và dài dài vô đến Chợ Lớn... sau đó tiểu ban đi xét từng nhà khắp đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, ai sợ thì cứ tự mình đốt, bỏ... nếu xét gặp thì chắc chắn phải gặp khó khăn với mấy "ông cọp 30 trẻ" nầy.

Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại "nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai", cấm lưu hành, xé đốt, hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v.. cũng phải được duyệt xếp loại lại (Bà Thiếu tá Cách Mạng đào hát Kim Cương phụ trách phần nầy.
Nói tóm lại Bắc Việt chủ trương hủy bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của Mỹ Ngụy từ 75 trở về trước, để đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng, không cần biết có hợp với dân tộc Việt Nam hay không và cũng không cần lượng xét hậu quả sẽ như thế nào.

Vì Miền Bắc cố tiến lên để theo kịp đà phát triển của Miền Nam, họ làm mọi cách nhằm kéo lùi Miền Nam thụt lùi lại vài chục năm, sao cho trình độ văn minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển như nhau... nhằm đưa đất nước Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa đúng theo lệnh của các quan thầy Liên Xô và Trung Cộng.

Mãi cho đến cuối thập niên 80, lúc tôi ra khỏi trại tù cải tạo, lãnh đạo đảng Nguyễn Văn Linh nhờ chạy theo phong trào "đổi mới" của Liên Xô, mới chịu mở mắt ra và chừng đó mới thấy được là đảng cộng sản đã kéo cả đất nước và dân tộc Việt Nam đi lùi vào thời kỳ đồ đá... từ sau ngày cướp được chánh quyền mùa thu năm 1945 và nhất là để mất đi một cơ hội và một thời gian quá dài từ sau ngày nhuộm đỏ Miền Nam Việt Nam 30 tháng 4 1975.




Ngày 4 tháng 5

Tôi đến nhà của Ngô công Đức vì nghe tin anh ta mới từ bên Pháp trở về Sài Gòn qua ngã Lào, Hà Nội (mang theo chiếc xe đạp). Đến nhà anh mới được biết là người vợ của anh đã sang ngang không biết vì lý do gì, (có thể vì hành động phản chiến của anh.)

Đến đây tôi may mắn được gặp lại một người bạn thân, trung tá Nguyễn văn Binh, cựu quận trưởng quận Gò Vấp, (anh rễ của Ngô công Đức) may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng ngày 30/4, nhờ vậy tôi mới được biết thêm một vài chi tiết liên quan đến chuyện bộ đội Bắc Việt vào tiếp thu Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4. Tôi phải ghi lại gần như nguyên văn lời của ông bạn Nguyễn văn Binh của tôi như sau:

Sau khi chiến xa T.54 ủi sập một bên cổng chính của Dinh Độc Lập, (theo suy đoán của anh Binh thì đây là một hành động tượng trưng cho chiến thắng quân sự cuối cùng và quyết định của cộng sản Bắc Việt ) một số bộ đội tràn vào sân thượng hạ cờ VNCH xuống và treo cờ MTGPMN lên (chưa phải là cờ đỏ sao vàng của Bắc Việt)

Một sĩ quan Bắc Việt có bộ đội hộ tống ập vào đại sảnh, nơi mà Tổng Thống Dương Văn Minh đang có mặt cùng với những người cộng sự viên thân tín nhứt trong Chánh Phủ của ông. Thấy vị sĩ quan nầy đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, vì không biết cấp bậc của quân đội nhân dân Miền Bắc, nên ông Minh tưởng rằng mình đang đứng trước một tướng lãnh cao cấp.

- Thưa quan sáu, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông

Sĩ quan nầy dùng danh từ "mầy tao" xẵng giọng hách dịch và đanh đá lên tiếng:

- Mầy dám nói là trao quyền hả? Mầy chỉ là một kẻ cướp quyền và một bù nhìn. Mầy làm gì có "quyền" nào để giao cho tao? Chúng tao lấy được quyền đó bằng khẩu súng nầy đây. Ngoài ra tao xác nhận với mầy là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chánh trị của một đơn vị chiến xa. Kể từ bây giờ tao cấm mầy không được ngồi xuống!

Mặt tướng Minh co dúm lại. ông chợt hiểu là ông không gặp được những người của MTGPMN mà là những người cộng sản Bắc Việt, dù họ treo cờ Việt Cộng trên xe. Không phải là những người Miền Nam đã vào chiếm Dinh Tổng Thống, mà đang đứng trước mặt ông là những chiếc xe tăng, những sĩ quan và bộ đội Bắc Việt và họ đã đối đãi với ông không như bạn hay đồng bào, mà như một kẻ thù thất trận!

Tướng Minh cố gắng tự kềm chế và dịu dàng hơn ông nói tiếp:
- Chúng tôi đã có dự trù sẵn một bữa cơm để tiếp các ông. Có yến, súp măng cua...
Vị trung tá Bắc Việt ngăn ông lại và xẵng giọng:
- Bọn bây đang ở trong tình trạng bị bắt. Hãy giữ cái bếp tư sản của mầy lại đi. Chúng tao đã có cơm dã chiến của chúng tao, một nắm cơm nắm và một hộp thịt kho mặn.


Sau đó sĩ quan nầy ra lệnh nhốt tất cả các tổng trưởng hiện diện vào một gian phòng, sau khi đã cho lệnh khám xét rất cẩn thận và không khoan nhượng trước sự hiện diện các nhà báo ngoại quốc đang làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh lia lịa cảnh tượng lịch sử nầy.

Sau đó ông Minh bị "bộ đội" bao quanh chĩa súng vào người ông, và vị sĩ quan cao cấp vung khẩu súng lục to đẩy ông lên một chiếc xe Jeep và phóng đi dưới hàng loạt ánh đèn chớp của máy ảnh và máy quay phim của báo chí.

Ông được đưa đến đài phát thanh để ông phải lên tiếng kêu gọi lần chót với các binh sĩ còn đang tiếp tục chiến đấu. Vì chiến trận vẫn còn tiếp diễn gần như khắp nơi, ở ngoại ô, ở Chợ Lớn, chung quanh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, ở khu vực gần Tân Cảng, trước trung tâm truyền tin Phú Lâm,... Đến 13 giờ, tướng Minh được đưa trở về Dinh Tổng Thống và bị nhốt dưới tầng hầm". Cũng vẫn theo lời của anh bạn tôi:

Ông Nguyễn Văn Hảo đương kim Tổng trưởng Tài Chánh đã có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/75 với tướng Dương Văn Minh, cùng với nội các của ông Vũ Văn Mẫu và một số nhân sự phản chiến tự xưng là thành phần thứ ba (như Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Cứ, Võ Long Triều,v.v...).

Khi ông Minh được đưa trở về đến Dinh Độc Lập thì ông Hảo lên tiếng, nói một câu "bất hủ" với sĩ quan chỉ huy Bắc Việt rằng:

- Tôi còn ở đây chờ quí vị, để trao cho quí vị một món quà, đó là trên 20 tấn vàng.
Vị sĩ quan đó đáp ngay tức khắc:
-Đó không phải là quà mà là chiến lợi phẩm của chúng tao, tao phải tịch thu, mầy hãy trao ngay cho tao đi ...


Và ông Hão đã dẫn người nầy đến Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam ngay chiều ngày 30/4/1975, trao 3 chìa khóa hầm vàng cho đại diện Bắc Việt, để chỉ dẫn họ cách thức lấy 20 tấn vàng dằn kho của VNCH ở Ngân Hàng nầy. Sau đó ông Hảo vẫn bị đưa về nhốt chung với các vị Tổng trưởng khác.

Ở nhà của Ngô công Đức, tôi được chứng kiến một cảnh "ngu dốt" của một toán bộ đội Bắc Việt, nói lên tình trạng quá lạc hậu đáng thương hại của người dân Miền Bắc nói chung.Trong lúc tôi và anh Binh anh Đức ngồi ở phòng khách trò chuyện thì có một toán chừng 6 anh "bộ đội" ập vào nhà "khám xét". Người chỉ huy cầm trong tay cái điện thoại và hách dịch hỏi anh Đức:

- Cái "đài" nầy là của anh?
- Phải, của tôi
- Anh làm "chức vụ" gì lớn lắm của Mỹ Ngụy mà có cái "đài" nầy? anh dùng cái đài nầy để liên lạc với Mỹ Ngụy và với
CIA
phải không? Tôi phải bắt anh ngay về cơ quan để "làm việc", mặc áo vô đi rồi theo tôi ngay. (vì lúc đó anh Đức ở trần)
- Xin lỗi anh, tôi không đi đâu hết, cái nầy là cái điện thoại chớ không phải cái đài.
-  Đồ ngoan cố, cái nầy là cái điện đài, tôi được lệnh bắt anh, vì trong nhà anh có một cái điện đài mà không chịu đi khai báo.. . .


Tôi rời khỏi nhà anh Đức trưa hôm đó, lòng suy nghĩ miên man. Thật tội nghiệp cho cái anh chàng phản chiến Ngô công Đức nầy, giờ nầy chạm mặt với thực tế có lẽ anh mới sáng mắt thấy rõ trình độ của người dân Miền Bắc và mức độ giáo dục và ảnh hưởng tuyên truyền nhồi nhét của cộng sản là thế nào đối với dân chúng..!

Tội nghiệp cho cái anh bộ đội quá ngu dốt nầy, và cũng thật quá tội nghiệp cho người dân Miền Nam của mình trong những năm tháng sắp tới... có lẽ phài chịu sống đau khổ triền miên vì cái tình trạng ngu dốt của kẻ xăm lăng thống trị, đến từ Miền Bắc...

Ngày 5 tháng 5/75
Tôi quyết định đến nhà anh chị bác sĩ Nguyễn văn Tạo ở đường Pasteur để tạm trú và tạm lánh mặt chờ ngày 15 tháng 6 là ngày trình diện đi "học tập".

Ở đây có lẽ yên hơn là về Sadec (gia đình tôi) hay Cai Lậy (gia đình bên vợ tôi), dù sao ở ngay Sài Gòn chắc không bị những màn trả thù rùng rợn như ở tỉnh, như một số tin tức mà tôi được biết cho tới ngày hôm nay…

Như ở ngay tĩnh Vĩnh Long, các ông cai tổng Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Xôm, Nguyễn Văn Thêm đều bị họ kết án là "có tội với nhân dân" mà không thông qua một tòa án nào, và bị hành quyết ngay khi bị bắt, bằng vũ khí thô sơ như búa, mã tấu...

Riêng anh trung úy Dù Nguyễn văn Ngọc ở xã Long Hồ, dù đã chết từ hơn một năm trước, vẫn bị họ đào mả lên, đưa cả quan tài ra giữa chợ ở Ngã Tư Long Hồ để cho phá nát bằng cốt mìn.

Sáng nay tôi lên thăm một thiếu tá tuyên úy Phật Giáo, đang là trụ trì tại một ngôi chùa ở Hạnh Thông Tây, và là người có trách nhiệm lo mọi công tác hậu sự cho quân nhân các cấp không may bị tử thương, và hằng ngày lo chăm nom săn sóc nơi an nghỉ cuối cùng của anh em quân nhân chúng tôi là "nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây" nằm ở đối diện không xa với chùa nầy.

Đưa tôi vào chánh điện lạy Phật xong ông dẫn tôi lên phòng riêng và khi chỉ còn có hai chúng tôi thì ông nín không nổi nữa, bật lên khóc sướt mướt, ấp úng nói không thành lời. Sau một lúc khá lâu bình tâm trở lại ông mới nói rõ cho tôi nghe là không phải ông khóc vì chuyện "mất nước", nhưng khóc vì động lòng từ bi trước cảnh mồ mả trong nghĩa trang quân đội mà ông có trách nhiệm săn sóc đã bị cộng sản Bắc Việt dùng xe ủi đất san bằng hết ngay chiều ngày mồng 3 tháng 5 vừa qua.
Mặc cho sự van xin cầu khẩn của ông (trong bộ áo nâu sòng của một thượng tọa) họ vẫn san bằng hết từ nhà xác, nhà liệm xác, nhà nguyện cho đến ngôi mộ cuối cùng...... Ông vừa nói vừa tức tưởi khóc:

- Không hiểu sao họ quá tàn nhẫn như vậy? Họ nói là để lấy đất mà trồng trọt để nuôi nhân dân đang đói nghèo. Đất rộng như vầy, màu mỡ như vầy mà làm nghĩa địa thì phí của trời quá... độc ác với nhân dân quá!"

Thật tội nghiệp cho vị tuyên úy Phật Giáo nầy. Ông quá thật tình, nhìn sự việc qua lòng từ bi của một tu sĩ, nên không hiểu là hành động nầy phải xuất phát từ chủ trương và chánh sách của người cộng sản mà nhất là cộng sản Miền Bắc, đội quân tiền phong của Quốc tế Cộng sản Đệ Tam Nga Tầu.!

Dù họ là người Việt Nam nhưng tư tưởng, hành động và nhất là lương tâm của họ ngày hôm nay không còn thuộc về họ nữa. Họ phải theo đúng giáo điều Mác Lê, theo đúng lệnh của Staline, của Mao trạch Đông là những quan thầy trực tiếp điều khiển họ trong cuộc chiến tranh bành trướng về phương Nam nầy.

Ông bạn tuyên úy của tôi cũng chất phác như người dân Miền Nam đã từng cho những lời "tố cộng" của chánh quyền hay của Phòng Chiến Tranh Chánh trị là những chuyện "đặt điều" cốt để tuyên truyền tác động tinh thần của quân cán chính Miền Nam.

Bây giờ chỉ mới giáp mặt với một vài hành động của họ thôi, rồi đây có lẽ từ từ rồi họ sẽ thấy được bộ mặt thật của con người cộng sản nầy. Nhưng từ hôm nay cho đến đó người dân Miền Nam chúng ta chắc còn sẽ phải chịu nhiều cảnh thương đau cùng cực nữa... trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của họ.

Tôi mời ông thiếu tá tuyên úy bạn tôi cùng lên nghĩa trang Biên Hòa để xem thử là họ đã ủi nghĩa trang quân đội ở đây chưa? Theo tin ông đã nhận được thì hình như họ cũng đã thực hiện công tác nầy rồi, cũng vào ngày 3 tháng 5.

Có đi đến nơi chúng tôi mới thấy rõ được hiện trạng. Thật là thê thảm! Trước hết là tượng hình của một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến qua tượng đài "Thương Tiếc", một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật rất có giá trị đặt bên vệ đường ở mặt tiền của nghĩa trang quân đội đã bị cộng sản phá nát bằng cốt mìn, và ủi sạch không còn một chút dấu vết..Cả nghĩa trang rộng lớn cũng đã biến thành bình địa!
Trên đường về Hạnh Thông Tây cả hai chúng tôi yên lặng không trao đổi một lời nào, tôi tin chắc là cảm nghĩ của một người tu sĩ đương nhiên phải khác hẳn với cảm nghĩ của một chiến binh như tôi. Dù sao khi về đến chùa, trước khi giã từ, tôi cũng nói rõ cho Thầy tuyên úy bạn tôi thấy được cảm nghĩ của tôi:

Hành động quá ư tàn nhẫn đến dã man nầy thật không đúng là hành động của bất cứ người Việt nào nhất là ở Miền Nam Việt Nam. Từ ngàn xưa, đúng theo đạo lý và truyền thống của dân tộc Việt, người Việt Nam chúng ta ai cũng biết là "nghĩa tử là nghĩa tận" hay "chết là hết". Dù giữa cá nhân anh và tôi có thù hằn nhau cách mấy nhưng khi anh hay tôi có người đã nằm xuống rồi thì coi như mối thù đó được xóa bỏ vĩnh viễn, không ai còn muốn nhắc đến nữa.

Vậy ủi hết mồ mả của quân nhân các cấp thuộc QLVNCH có nghĩa là gì đây? Nếu không muốn nói trước hết là nhằm "trả thù cho quân đội và nhân dân Miền Bắc"? sau đó lại "xóa sạch được vết tích của QLVNCH, người đã chết xóa trước, người còn sống xóa sau? trong chủ trương sửa lại toàn bộ lịch sữ trong tương lai đối với các thế hệ trẻ sau 1975, một trang sử đấu tranh dai dẵng của Quân Dân Cán Chính Miền Nam đã hy sinh làm tiền đồn ngăn chận làn sóng xăm lăng cộng sản, trong suốt gần 30 năm từ 1945 mà họ cần phải xóa bỏ? Tôi nghĩ chỉ có như vậy họ mới đan tâm có những hành động phi nhân đạo nầy.

Và chắc chắn trên toàn bộ Miền Nam Việt Nam các nghĩa trang quân đội đều phải chịu chung một số phận. Dĩ nhiên rồi cũng phải đến số phận của chúng tôi... những chiến binh còn sống sót. Nhưng ngày nào còn có một chiến binh QLVNCH còn sống sót như cá nhân tôi thì ngày dó cộng sản Bắc Việt đừng hòng sửa được một trang sử nào!!!
Chúng tôi xin tạm chấm dứt mấy trang "Hồi Ký Dang Dở" ở đây, và xin thành tâm cầu nguyện cho nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam chúng ta sớm được vĩnh viễn thoát khỏi ách độc tài đảng trị của bọn cộng sản vô thần khát máu và tàn bạo nầy.

Dương Hiếu Nghĩa

Tuesday, April 23, 2013

Trồng cần sa để bán ở Mỹ


Trồng cần sa để bán ở Mỹ
 
Nếu bạn muốn trồng cần sa để bán một cách hợp pháp hoặc tự do hút sách chắc chắn phải dọn về ở tại Washington (Seattle) hoặc Denver (Colorado) có mầu xanh đậm. Riêng việc hút cần sa để phê cho đã thì dễ dàng hơn nhưng phải xin giấy phép của bác sĩ tại các tiểu bang có mầu xanh nhạt như trong bản đồ và văn kiện đính kèm (Weblink).
 
 
 
 

Monday, April 22, 2013

Nhạc Nguyễn Văn Đông

Nhạc Nguyễn Văn Đông

 
Tác giả Lê Hữu
copy từ Tôn L. Châu's email

Hôm ấy, tôi còn nhớ, một chiều hè năm 1969, chúng tôi ngồi ở một quán nước quen dọc bờ biển Nha Trang. Bên cạnh tôi là H., người bạn học cũ. Ðã lâu lắm chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày rời xa mái trường cũ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ. H. cho biết anh sắp sửa nhập ngũ, thì giờ rảnh rỗi như thế này sẽ chẳng còn được bao lâu nữa. Anh ta có người yêu ở thành phố biển này. Tôi thì vẫn lang thang trên sân trường đại học, tấm giấy chứng chỉ hoãn dịch trong tay vẫn còn hiệu lực...

 

Trên mặt bàn là những chai bia đã cạn và câu chuyện cũng đến lúc cạn đề tài. Chúng tôi ngồi im lặng, cùng phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển bao la trước mặt, chờ mặt trời lặn để ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển trong lúc tiếng nhạc bập bùng vọng ra từ một góc quầy.

Người đi giúp núi sông
hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề giành lấy quê hương...

 

"Bài gì vậy?" H. quay sang tôi, hỏi.

"‘Hàng hàng lớp lớp'," tôi trả lời.

"Tên gì lạ vậy?"

"Gọi tắt là vậy," tôi cười, "tên đầy đủ là ‘Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp'."

H. lặng thinh, có vẻ chăm chú lắng nghe. Lời ca tiếng nhạc khi réo rắt, khi trầm bổng...

 

Còn đây đêm cuối cùng
nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em...

 

"Giọng Hà Thanh phải không?" H. lại hỏi. "Còn giọng nam?"

"Hùng Cường."

"Thiệt sao?" giọng hỏi thoáng chút ngờ vực.

Tôi hiểu, anh bạn tôi đâu biết rằng, ngoài những bài "tủ" như "Vọng ngày xanh", "Ông lái đò", "Sơn nữ ca"..., ca sĩ Hùng Cường-một nghệ sĩ cải lương khá nổi tiếng thời ấy - với chất giọng ténor khoẻ khoắn, còn hát rất "tới" một ít bài tân nhạc khác nữa, đặc biệt là những bài của Nguyễn Văn Ðông.

Bài hát chúng tôi đang nghe là của Nguyễn Văn Ðông.

Anh bạn tôi đã nương theo câu hát ấy mà đi vào cuộc chiến. Anh đã nhập vào "hàng hàng lớp lớp" những đoàn người "nối tiếp câu thề giành lấy quê hương".

Mùa hè năm sau, tôi cũng "lên đường nhập ngũ tòng quân", nghĩa là chỉ sau anh bạn H. một năm. Bạn bè tôi kẻ trước người sau lục tục vào lính. Chiến cuộc ngày càng leo thang, càng trở nên khốc liệt...

H., anh bạn cùng ngồi với tôi buổi chiều ấy, cùng nghe với tôi bài nhạc ấy, cùng ngắm nhìn hoàng hôn trên bãi biển ấy, đã không còn nữa. Anh đã nằm sâu dưới lòng đất. H. đã hy sinh trong chiến trận ít năm sau đó, như biết bao người lính khác, như hơn một nửa bạn bè tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Chiến tranh như con quái vật khổng lổ đã nuốt chửng bao nhiêu bè bạn tôi, anh em tôi.

Ðã nhiều năm, nhiều năm trôi qua, hình ảnh một chiều nào biển xanh cát trắng và những câu hát của Nguyễn Văn Ðông giữa biển trời mênh mông vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, mặc cho những lớp sóng của thời gian như từng đợt sóng biển cứ "hàng hàng lớp lớp" xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ, rồi lại rút xuống trong con nước thủy triều của buổi hoàng hôn...

Người lính Nguyễn Văn Ðông

Anh bạn tôi khi còn sống đã thích bài nhạc ấy vì hai lẽ: thứ nhất, đấy là một bài nhạc lính khá hay, gợi nhiều cảm xúc; thứ hai, nội dung bài hát khá "hợp tình hợp cảnh" đối với anh ta vào lúc ấy.

Chỉ nghe cái tựa thôi, "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp", người ta cũng biết được rằng đấy là bài tình ca viết về lính, viết cho lính.

Người đi giúp núi sông, hàng hàng lớp lớp chưa về... Không chỉ là "chưa về", trong số "hàng hàng lớp lớp" những "người đi giúp núi sông" ấy, đã có biết bao người đi không về, không bao giờ về lại nữa. Trong số những người đi mãi không về ấy có anh bạn của tôi, người "yêu" câu hát ấy của Nguyễn Văn Ðông, trong lúc tôi và những người lính khác, những chiến hữu, những bè bạn của anh, đã may mắn hơn anh, đã sống sót trở về sau cuộc chiến; và hơn thế nữa, đã được định cư trên miền đất tự do này để nhớ về những đồng đội cũ đã hy sinh hay còn ở lại trong nước, kéo dài cuộc sống lây lất, âm thầm của những người lính già trong buổi hoàng hôn của đời người.

Trong số những người lính vẫn còn ở lại trong nước ấy có người lính Nguyễn Văn Ðông, tác giả "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp". Ông hiện sống ở
Saigon, và hầu như không còn viết nhạc nữa. Ðiều này không có gì lạ, đối với một nhạc sĩ vốn sở trường và khá nổi tiếng về những bài "nhạc lính". Không chỉ vì chiến tranh đã đi qua, tình trạng đất nước hiện nay chắc không phải là môi trường thuận lợi giúp ông tìm lại được nguồn cảm hứng để tiếp tục sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh trưởng tại
Saigon (nguyên quán thuộc tỉnh Tây Ninh). Ngay từ thời niên thiếu, năm 14 tuổi, ông đã có cơ hội học hỏi về âm nhạc từ các giáo sư người Pháp trong thời gian 5 năm theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Ðây cũng là nơi ông sáng tác ca khúc đầu tay, "Thiếu Sinh Quân Hành Khúc", năm 16 tuổi, được trường chính thức công nhận và sử dụng làm bài "đoàn ca" trong các sinh hoạt tập thể. Ông là thành viên của dàn quân nhạc gồm trên 40 "nhạc sĩ" thiếu niên, từng thi thố tài năng qua nhiều buổi hòa nhạc do một nhạc trưởng người Pháp điều khiển trong các lễ duyệt binh long trọng, đồng thời cũng là thành viên ban nhạc nhẹ của trường, sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandolin, guitare hawaïenne...

Ngoài sự nghiệp sáng tác, những nét chính về hoạt động âm nhạc có thể kể ra được của chàng nghệ sĩ "tay súng, tay đàn" Nguyễn Văn Ðông:

Từ năm 1958, là Trưởng Ðoàn Văn Nghệ Vì Dân
(với sự góp mặt của các nghệ sĩ và ca nhạc sĩ tên tuổi, như Kiều Hạnh, Kim Cương, Khánh Ngọc, Minh Diệu, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, Quách Đàm, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Thu Hồ, Hoài Linh, vũ sư Trịnh Toàn...).

Cũng từ năm 1958, là Trưởng Ban Nhạc Tiếng Thời Gian, đài phát thanh Saigon, quy tụ các ca nhạc sĩ quen thuộc thuở ấy như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Tâm Vấn, Minh Diệu, Hà Thanh, Anh Ngọc, Quách Đàm, Mạnh Phát, Thu Hồ, Trần Văn Trạch...
(Từ năm 1962, được tăng cường thêm các ca sĩ Thái Thanh, Thanh Thúy, Minh Tuyết, Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Vũ, Hùng Cường... và ban nhạc Y Vân).

Từ năm 1960 đến 1975, cùng người bạn là Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp ở Saigon, đứng ra thành lập các hãng dĩa và băng nhạc Continental và Sơn Ca
(được sự cộng tác của các nhạc sĩ tân và cổ nhạc Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Y Vân, Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm...), gửi đến giới yêu nhạc nhiều chương trình âm nhạc chọn lọc. Ðây cũng là trung tâm băng và dĩa nhạc đi tiên phong trong việc thực hiện một số album nhạc cho từng ca sĩ. Một số ca sĩ "thành danh" trong làng ca nhạc trước năm 1975 như Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Hà Thanh... nhờ vào sự hướng dẫn và giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Nghệ thuật của các hãng dĩa này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sử dụng các bút danh Vì Dân, Phượng Linh, Phương Hà... cho các thể loại và chủ đề nhạc khác nhau. Ít người được biết, ngoài những sáng tác về tân nhạc, ông còn viết nhạc nền cho trên 50 vở tuồng cải lương thuộc loại kinh điển ở miền Nam như "Mưa rừng", "San hậu", "Nửa đời hương phấn", "Sân khấu về khuya", "Tiếng hạc trong trăng"... và hàng trăm chương trình "tân cổ giao duyên", một hình thức "phối hợp nghệ thuật" giữa tân và cổ nhạc khá phổ biến trong đại chúng vào thời ấy, cũng với các bút danh trên.

Sau những "bước nhẹ tênh" ấy là cánh cửa mở rộng cho "chàng trai trẻ độc thân" Nguyễn Văn Ðông đặt những bước chân đầu tiên lên "đoạn đường chiến binh", để từ đó dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú, đầy sôi động và cũng đầy ý nghĩa trong những năm dài quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Chàng lính trẻ ấy từng phục vụ ở các đơn vị tác chiến, từng đóng quân tại các vị trí được xem là "điểm nóng" của các cuộc giao tranh như chiến khu Ðồng Tháp Mười, vùng Tam Giác Sắt..., từng tham dự những trận chiến ác liệt tại các địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái
(Tân Thành)..., từng được ân thưởng nhiều huy chương về các chiến tích, trong đó có "bảo quốc huân chương" là huân chương cao quý nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Hầu như khắp bốn vùng chiến thuật, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính Nguyễn Văn Ðông
(đúng như "Mấy dặm sơn khê", tên một bài nhạc khá nổi tiếng của ông). Ông đã cầm súng chiến đấu vì yêu quê hương này, vì yêu dân tộc này.

 

Ông đã yêu đời lính như yêu mảnh đất này, như yêu những đồng đội, như yêu người mình yêu... Hình ảnh người lính chiến thể hiện qua dòng nhạc của ông xem ra cũng không khác gì lắm với hình ảnh "người lính Nguyễn Văn Ðông", cũng "áo anh mùi thuốc súng", cũng "ngược xuôi theo đường mây", cũng "tóc tơi bời lộng gió bốn phương". (Ông không phục vụ ở Cục Tâm Lý Chiến như nhiều người vẫn lầm tưởng)...

 

Mặc dầu không hề "tơ vương khanh tướng" vì "người đi giúp nước nào màng danh chi", nhưng do lòng "tận trung báo quốc" qua các thành tích chiến đấu và phục vụ, ông cũng đã leo dần lên mãi những nấc thang binh nghiệp với chức vụ sau cùng là sĩ quan tham mưu cao cấp Bộ Tổng Tham Mưu. Có lẽ Ðại tá Trần Văn Trọng (nhạc sĩ Anh Việt, tác giả "Bến cũ", "Thơ ngây"...) và ông được kể là những người "lính" có cấp bậc cao nhất trong số các nhạc sĩ phục vụ trong quân ngũ.

Sau "ngày tàn chiến cuộc" năm 1975, như số phận của "hàng hàng lớp lớp" sĩ quan kẹt lại ở trong nước, ông đã phải lầm lũi đi vào những trại tập trung, những lò cải tạo (Suối Máu, Chí Hòa) để trả giá cho các thành tích trong quân ngũ và trong hoạt động âm nhạc.

Không rõ ông đã "học tập" được những gì, có điều là cơ thể ông đã "tiếp thu" đủ thứ mầm bệnh trong những năm "cải tạo" ấy khiến sức khỏe ông có lúc suy kiệt đến trầm trọng. Chứng phong thấp, căn bệnh quái ác, đã khiến các đốt xương ngón tay của ông sưng tấy lên, các ngón tay co quắp đến gần như không còn cử động được nữa.

"Anh xem này," ông nói với người bạn "tù cải tạo" ở cùng trại Suối Máu, giọng bùi ngùi. "Bàn tay tôi như thế này coi như ‘phế bỏ võ công' rồi, làm sao còn chơi đàn được nữa!"

Tay đã thế, chân lại càng tệ hơn, các khớp xương đầu gối biến dạng và đau nhức đến mức ông phải nằm điều trị nhiều năm trong các bệnh viện ở Saigon trước khi rời bỏ đôi nạng để đi đứng được bình thường trở lại.

 

Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn...

 

Như là câu hát trong bài "Về mái nhà xưa" của ông, sau đúng mười năm "học tập cải tạo" (ông được thả về đầu năm 1985), tác giả bài nhạc ấy đã về lại sau cuộc chiến, về lại sau những năm đọa đầy, về lại với một thân xác đầy tật bệnh, với một tâm hồn đầy thương tích.

 

Xa lạ trước cuộc sống mới, trước một xã hội có lắm đổi thay sau cuộc bể dâu, ông bày tỏ sự hối tiếc đã lãng phí những năm dài do không tìm lại được nguồn cảm hứng nào cho hoạt động âm nhạc cũng như không đóng góp được chút gì có ý nghĩa cho đời. Ðối với con người nghệ sĩ tài hoa, đầy sức sáng tạo, và có thói quen làm việc không ngưng nghỉ, không mệt mỏi như ông thì đấy quả là một sự "hối tiếc vô bờ" như ông nói.

"
Tại sao ông không xin định cư ở nước ngoài trong lúc có đủ điều kiện của người tù cải tạo?" Trả lời câu hỏi này, ông cho biết, "Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa' và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ ở cuối đời."

Vậy mà, nhờ "thần dược" hay nhờ... phép lạ, ông vẫn sống sót được đến ngày hôm nay. Vợ chồng ông có một cửa hàng tạp hóa nhỏ
(nơi gia đình ông cư ngụ), là nguồn thu nhập chính cho "kinh tế gia đình".

 

Tuy sức khoẻ có sa sút, tuy cuộc sống có chật vật, "người lính Nguyễn Văn Ðông" vẫn có lúc quên đi nỗi đau của riêng mình, vẫn có lúc để lòng mình nghiêng xuống những số phận rủi ro, những số kiếp hẩm hiu của bao người kém may mắn hơn mình.

 

Những bản tin tôi đọc được ở trong, ngoài nước nói về các công tác cứu trợ những mảnh đời rách nát, những kiếp người lầm than, vẫn nhắc đến bàn tay nhân ái, trái tim nhân hậu của người lính, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

Nhạc lính, nói sao đi nữa cũng từng là "nhạc thời trang" ở miền Nam Việt
Nam một thời nào. Loại nhạc thời trang "đặc biệt" này khá phổ biến và có tuổi thọ đo được bằng chiều dài của cuộc chiến tranh hai miền Nam-Bắc, nghĩa là kéo dài hơn bất cứ loại nhạc thời trang nào khác, có lúc trở thành cực thịnh, là thời kỳ cường độ cuộc chiến gia tăng đến mức khốc liệt nhất. Còn chiến tranh là còn nhạc lính.

Trong những năm dài chinh chiến ấy, có rất nhiều ca khúc khá hay viết về người lính và đời lính của một số tác giả ở trong và ngoài quân ngũ, ngợi ca tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả và thầm lặng của người lính chiến. "Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông" là một trong số ấy. Hơn thế nữa, nhạc lính của ông có những nét rất "riêng", mang sắc thái đặc biệt, được rất nhiều người yêu nhạc
(lính hoặc không phải lính) yêu thích.

Trong phạm vi nói về "nhạc lính" của Nguyễn Văn Ðông, những ca khúc quen thuộc của ông nhưng không kể là "nhạc lính" (
đôi lúc được ông ký dưới những tên khác) sẽ không đề cập trong bài này hoặc chỉ nói sơ qua.

Những năm trước ngày chiến tranh kết thúc, ngoài những bài "chiến đấu ca" trong quân đội và những bài hát cộng đồng, có vẻ những bài nhạc đề cao lý tưởng, chính nghĩa, tinh thần chiến đấu và hy sinh của người lính ngày càng ít đi
(trừ ít bài ngợi ca những tên tuổi cá biệt của người lính đã đền nợ nước, như "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" của Phạm Duy, "Anh không chết đâu anh", "Người ở lại Charlie" của Trần Thiện Thanh...).

 

Không còn nghe thấy nữa những bài nhạc một thời làm nức lòng chiến đấu của người lính vì nước quên mình:

Khi nước nhà phút ngả nghiêng,

em mơ người trai anh dũng,

mang thân thế hiến giang san,

chí quật cường hiên ngang...
("Chiến sĩ của lòng em", Trịnh Văn Ngân)

Em chúc cho chàng lập chiến công oai hùng,

vang vang lời chiến thắng,

muôn thu danh chàng lừng lẫy với núi sông...
("Chàng đi theo nước", Hiếu Nghĩa)

Anh đi mai về chiến thắng,

khi súng quân thù thôi vang trên non sông,

tươi thắm màu cờ vui reo trên kinh thành...
("Anh đi mai về", Hoàng Nguyên)

Anh đi xây chiến thắng,

dưới màu cờ quật cường, c

ho loài người hòa bình...
("Dặn dò", Thanh Châu)

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ,

là con của mẹ giữ quê hương...
("Tình quê hương", Ðan Thọ & thơ Phan Lạc Tuyên)

Không quên lời xưa đã ước thề,

dâng cả đời trai với sa trường...
("Anh đi chiến dịch", Phạm Ðình Chương)

 

Và ít bài nhạc khác như "Lá thư gửi mẹ" (Nguyễn Hiền & thơ Thái Thủy), "Bức tâm thư" (Lam Phương), "Trên bốn vùng chiến thuật" (Trúc Phương), "Biệt kinh kỳ" (Minh Kỳ & Hoài Linh), "Anh về thủ đô" (Y Vân), "Mười sáu trăng tròn" (Trần Thiện Thanh)...

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, trong lúc ấy, trước sau vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, vẫn ngợi ca người lính chiến, vẫn đề cao lý tưởng và chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam
(mà không phải... "tuyên truyền tâm lý chiến").

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông không có những "tô son điểm phấn" cho đời lính kiểu "anh tiền tuyến, em hậu phương", "người yêu của lính"...

 

Trong lời nhạc của ông không có những mộng mơ, lãng mạn kiểu "anh là lính đa tình" ("Tình lính", Y Vân), hay "ba-lô thay người tình yêu dấu..." ("Ai nói với em", Minh Kỳ & Huy Cường), hay "những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới..." ("Những đóm mắt hỏa châu", Hàn Châu), cũng không có những lời thở than hoặc cay đắng như "nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua, thiếu bóng đàn bà..." hoặc "đến với tôi, hãy đến với tôi, đừng yêu lính bằng lời..." ("Kẻ ở miền xa", Trúc Phương) vân vân... (Người viết chỉ nêu những khác biệt, không có ý bình phẩm).

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, như đời lính của ông, là cuộc chiến đấu gian khổ, là những lần xông pha trận mạc, là những cuộc hành quân không giống như là đi... picnic để "đem cánh hoa rừng về tặng em"
("Người yêu của lính", Trần Thiện Thanh), mà luôn kề cận những bất trắc, những hiểm nguy...

 

Ở một đôi bài Nguyễn Văn Ðông, giai điệu có lúc gần gụi với nét nhạc phóng khoáng, mênh mang của Lâm Tuyền (tác giả "Tiếng thời gian", "Khúc nhạc ly hương", "Hình ảnh một buổi chiều"...).

 

Lời nhạc Nguyễn Văn Ðông như có "khẩu khí" riêng, đôi lúc phảng phất cái khẩu khí đầy vẻ thi vị trong thơ Quang Dũng, Thâm Tâm hoặc trong... "Chinh phụ ngâm khúc", tạo nên sắc thái đặc biệt tiêu biểu cho dòng nhạc lính của ông.

 

Có thể nói, Nguyễn Văn Ðông là một trong những nhạc sĩ sử dụng sớm nhất những từ ngữ "đường mây", "sơn khê", "giang đầu", "khanh tướng", "sa trường", "biên thùy", "khu chiến", "tang bồng", "hội trùng dương"...

 

Những từ khá cổ điển nhưng qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thích ứng, lại đặc biệt có vẻ phù hợp với "lính tráng", làm dậy lên những cảm xúc rất "lính", khiến nhạc lính Nguyễn Văn Ðông có một "khí hậu" riêng, mang mang thi vị của hơi thơ cổ, nhuốm vẻ hùng tráng và lãng mạn như bức họa đẹp và buồn của một "thuở trời đất nổi cơn gió bụi". (2)

 

Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi theo đường mây...
(Mấy dặm sơn khê)

Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê...
(Mấy dặm sơn khê)

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?...
(Chiều mưa biên giới)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng...
(Chiều mưa biên giới)

Thương mầu áo gửi ra sa trường...
(Chiều mưa biên giới)

Chốn biên thùy này xuân tới chi?...
(Phiên gác đêm xuân)

Xưa từ khu chiến về thăm xóm...
(Sắc hoa màu nhớ)

Lòng này thách với tang bồng...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Hội trùng dương hát câu sum vầy...
(Hải ngoại thương ca)

 

Chữ "đường mây" chẳng hạn ("đường mây chân núi xa...", "ngược xuôi theo đường mây...") là từ rất cũ, từ thuở... "Chinh phụ ngâm khúc" (Sứ trời sớm giục đường mây), được đưa vào ca từ Nguyễn Văn Ðông, lại như có vẻ "mới" và nghe rất "lính".


Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trước năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho biết ông chịu ít nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp trong các sáng tác âm nhạc và nhắc đến tên vài bài nhạc cũ của những thập niên 40's, 50's như "J'attendrai", "Ma Normandie", "La Vie en Rose"...

· "Lòng này thách với tang bồng"...

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông là lính trận, là lính tác chiến, là những người lính "áo anh mùi thuốc súng", là những người lính vừa trở về từ chiến trường lửa đạn.
Hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác viết về lính, nhạc Nguyễn Văn Ðông làm nổi bật lý tưởng của người quân nhân cầm súng chiến đấu. Mặc "ai công hầu, ai khanh tướng", người đi vì lý tưởng đã vẽ lên những hình tượng đẹp, lãng mạn và đầy hào khí của những chàng Kinh Kha thời đại.

 

Người đi giúp núi sông
hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề
giành lấy quê hương...

Người đi giúp nước nào màng danh chi
cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
thì đường trần mưa bay gió cuốn
còn nhiều anh ơi...
(Chiều mưa biên giới)

 

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" (3) Những chàng trai đất Việt nặng một lời thề, mang tổ quốc trên vai, mang tình yêu nước trong tim, hàng hàng lớp lớp theo nhau lên đường. Từng đoàn người tiếp bước những đoàn người đi viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt.

 

Đời tôi quân nhân, chút tình gửi cho núi sông...
(Sắc hoa màu nhớ)

Nước non còn đó một tấc lòng
không mờ xóa cùng năm tháng...
(Mấy dặm sơn khê)

Đời dâng cho núi sông
dù ngàn nắng lửa mưa dầu
lòng người nhất quyết không đầu, giành lấy mai sau...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

 

Khi đời đã "dâng cho núi sông", khi lòng đã "nhất quyết không đầu", thì... "mẹ thà coi như chiếc lá bay" (4)

Đời lính thân con nề chi...
Mẹ hiền ơi chớ buồn vì con, nước non chưa tròn...
(Lá thư người lính chiến)

 

Chút tình riêng đành gác lại, vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi.

Đường đi biên giới xa...
lòng này thách với tang bồng
đừng sầu má ấy phai hồng, buồn lắm em ơi...

Hỡi người anh thương, chưa trọn thề ước
nhưng tình đất nước ôi lớn lao không đành lòng
dệt mối thắm riêng tư...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người...
(Chiều mưa biên giới)

 

"Chiều mưa biên giới"(1956), một trong những bài nhạc lính quen thuộc của Nguyễn Văn Ðông, là trường hợp khá đặc biệt, nổi tiếng do hai sự kiện: thứ nhất, nhờ sự trình diễn thành công của nghệ sĩ Trần Văn Trạch qua làn sóng phát thanh ở Paris, dẫn đến một hợp đồng thu thanh bài hát bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp với một hảng dĩa lớn cùa Pháp (là việc chưa từng có trong lịch sử tân nhạc Việt thời bấy giờ); thứ hai, nhờ quyết định... cấm phổ biến của Bộ Thông Tin thời ấy, lý do là lời nhạc không thích hợp.

Tại sao cấm phổ biến? Tại sao "lời nhạc không thích hợp"? Nghe lại "Chiều mưa biên giới", tôi không thấy có "vấn đề" gì đáng gọi là cấm kỵ. Có thể là những lời lẽ dưới đây chăng(?):

 

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?...
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay?...

 

Người lính chiến... mất phương hướng, không biết sẽ đi đâu, về đâu(?). Hoặc:

 

Kìa rừng chiều âm u rét mướt...
Một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai...
Cờ về chiều tung bay phất phới
gợi lòng này thương thương nhớ nhớ...
Người đi khu chiến thương người hậu phương...

 

Người lính chiến "nhìn trời hiu quạnh", lòng còn vương vấn chút tình... riêng(?).

Nếu không phải vì những lời nhạc kể trên, có thể là do giai điệu u uẩn, man mác của bài nhạc làm... nản lòng binh sĩ, làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội(?).

Dù với bất cứ lý do gì, những câu hát này thực sự chẳng thấm tháp vào đâu so với những bài bản "phản chiến" ít năm sau đó, phổ biến tràn lan một thời mà chẳng ai cấm nổi, chẳng hạn "tôi có người yêu chết trận Pleime..."

 

("Tình ca người mất trí", Trịnh Công Sơn), "quyết chối từ chém giết anh em..." ("Chính chúng ta phải nói", Trịnh Công Sơn), hoặc "anh trở về bại tướng cụt chân..." ("Kỷ vật cho em", Phạm Duy & Linh Phương), "ngày mai đi nhận xác chồng..., anh lên lon giữa hai hàng nến chong..." ("Tưởng như còn người yêu", Phạm Duy & Lê Thị Ý)...

"Chiều mưa biên giới" bị cấm phổ biến chỉ vì ra đời... sớm vài năm, trở thành một trong những bài nhạc đầu tiên được khoác cho tên gọi là "phản chiến".

"Chiều mưa biên giới" trở thành bài nhạc lính tiêu biểu của Nguyễn Văn Ðông, gắn liền với tên tuổi của ông, gắn liền với giọng hát Trần Văn Trạch, gắn liền với câu hát
"lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều..." vừa mang tính "triết lý" về đời lính, vừa đượm vẻ... "lãng mạn Nguyễn Văn Ðông".

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông

"Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
xếp bút nghiên theo việc đao cung"
(2)

 

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc luôn có những năm thái bình thịnh trị và những năm chinh chiến điêu linh. Khi vận nước ngả nghiêng, những chàng trai thời loạn đã hiến dâng tuổi trẻ, lên đường theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại sau lưng những mộng ước chưa tròn...

 

Hình tượng người lính chiến qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, ngoài lý tưởng, lòng yêu nước thương dân, tinh thần hy sinh và chiến đấu, vẫn không thiếu nét lãng mạn của "chí lớn chưa về bàn tay không, thì không bao giờ nói trở lại..." (4)

Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên...
(Mấy dặm sơn khê)

 

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa câu thơ cũ, "chàng từ đi vào nơi gió cát..." (2), câu thơ về những chàng trai, những người lính chiến ôm mộng hải hồ, bạn cùng sương gió. Trên khắp các nẻo đường đất nước, từ miền địa đầu giới tuyến đến những nơi đầu sóng ngọn gió, từ những tuyến đầu lửa đạn đến những tiền đồn heo hút xa xăm, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính.

 

Anh như ngàn gió
ham ngược xuôi theo đường mây
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương...
(Mấy dặm sơn khê)

 

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa huyền thoại "trăng treo đầu súng" trong một "phiên gác đêm xuân" giữa vùng hành quân đồi núi chập chùng.

 

Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi...
(Phiên Gác Đêm Xuân)

Đêm nằm gối súng, chung ánh trăng
cho người này gợi nhớ thương người kia...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

 

Câu hát gợi nhớ câu lục bát Nguyễn Du, "Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường..." Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông không chỉ ở những bản tình ca gợi nhớ những mùa xuân thanh bình một thuở, như là "chiều nay hoa xuân bay nhiều quá..." hay là "chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người..." (Nhớ một chiều xuân), mà còn ở trong những câu hát của một mùa chiến chinh.

 

Tình yêu, bên cạnh những nỗi bất trắc, vẫn nở hoa, như những đóa hồng vẫn nở bên những hầm hố và hàng rào kẽm gai. Vẫn có chút tình yêu làm quà tặng và lẽ sống cho những người lính cầm súng chiến đấu, vẫn có những ánh mắt, "nụ cười xinh tươi" trong câu chuyện tình thời chiến, câu chuyện tình "người hùng và giai nhân".

 

Còn đây giây phút này
còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi
còn trông ánh mắt, còn cầm tay nhau...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Tình yêu thường xen lẫn thân phận người lính xa nhà, xa người mình thương yêu. "Chàng thì đi cõi xa mưa gió / Thiếp lại về buồng cũ gối chăn" (2), một người đi, một người ở lại và những năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

 

Một người gối chiếc cô phòng
còn người góc núi ven rừng, chân mây đầu gió...
(Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

 

Con đường đấu tranh gian khổ còn dài, những chuyến về thăm, những lần về phép, người lính chiến dừng chân trong chốc lát, rồi lại lên đường, lại miệt mài đi khi quê hương còn tiếng súng, khi máu xương còn rơi...

 

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng...
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây...
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh...
(Mấy dặm sơn khê)

Tôi lại đi giữa trời sương gió
Mầu hoa thắm vẫn sống trong tôi...
(Sắc hoa mầu nhớ)

 

Người nghe đôi lúc bắt gặp đâu đó trong lời nhạc Nguyễn Văn Ðông những câu hát thật là đẹp.

Cầm tay nhau đi anh
tơ trời quá mong manh...
(Mấy dặm sơn khê)

 

"Tơ trời"?... Là sợi nắng lung linh hay sợi mưa phùn giăng mắc? Tơ trời mong manh hay những phút giây gần nhau cũng mong manh như những sợi... tơ trời?


Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông vẫn có những phút để hồn mình lắng xuống, để lòng mình bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo...

 

Chiều hành quân nay qua lối xưa
giữa một chiều gió mưa
xác hoa hồng mênh mông...

Nhìn mầu hoa vừa tan tác rơi
nhớ muôn vàn... nhớ ơi
hát trong mầu hoa nhớ...
(Sắc hoa mầu nhớ)

 

Cuộc đời lính chiến, nhờ vậy, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút. Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông không phải là "không có trái tim đắm say mộng mơ" ("Ai nói với em", nhạc Minh Kỳ & Huy Cường). Những ước mơ của người lính thật đơn sơ và "trắng như mây chiều".

 

Ước mong nhiều đời không (cho) bấy nhiêu
vì mơ ước trắng như mây chiều...
(Phiên gác đêm xuân)

 

"Mơ ước" gì vậy? Nếu không phải là nỗi ước mơ của những người đi đấu tranh để mang về mùa xuân mới cho quê hương.

 

Mong sao nước Việt đời đời
anh dũng oai hùng chen chân thế giới...

Người về đây giữa non sông này
hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước
Nam
đi vào mùa xuân mới sang
xa rồi ngày ấy ly tan...

(Hải ngoại thương ca)

 

Người lính già không bao giờ chết

"Hải ngoại thương ca" cũng là trường hợp đặc biệt khác, sau "Chiều mưa biên giới". Không rõ động lực nào, hoàn cảnh nào đã khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho ra đời ca khúc ấy. Trước và sau ông hầu như chưa có nhạc sĩ nào viết về đề tài tương tự.

 

Ðiều thú vị, các "cán bộ" văn hóa văn nghệ ở trong nước đã lầm tưởng "Hải ngoại thương ca" là "sáng tác mới" của Nguyễn Văn Ðông, đến lúc hiểu ra rằng đấy là bài nhạc cũ (1963), đã phải thốt lên, "Làm sao mà ở miền Nam ngày trước lại có bài nhạc hay đến như thế, lại phù hợp với hiện tình đất nước đến như thế!"

Cái "hay" trong lời ngợi khen ấy có thể hiểu là cái hay của nội dung bài nhạc được diễn dịch theo chiều hướng có lợi và phù hợp với chính sách kiều vận, với chủ trương "hòa hợp và hòa giải dân tộc" của "nhà nước ta" đối với "khúc ruột ngàn dặm" là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một "bộ phận" không thể tách rời của dân tộc.

 

Cái "hay" ấy là cái hay của những câu hát được xem là thể hiện "tâm tư tình cảm" của bà con "Việt kiều yêu nước" trong chuyến về thăm quê nhà:

 

Một mùa thương kết muôn hoa lòng
người về đây nối câu tâm đồng...

Tôi đi giữa trời bồi hồi
cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa...
Người về đây giữa non sông này
hội trùng dương hát câu sum vầy...

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các báo trong nước đưa tin "Hải ngoại thương ca" là một trong những bài đầu tiên được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nhanh chóng duyệt qua, trong số 18 ca khúc của Nguyễn Văn Ðông được phép lưu hành trong nước kể từ năm 2003.

 

(Trong số, có vài ca khúc quen thuộc, như "Nhớ một chiều xuân", "Về mái nhà xưa", "Thầm kín", "Khúc xuân ca", "Núi và gió", "Trái tim Việt Nam"... Tất nhiên là không có những bài... nhạc lính).

Trong lúc "Hải ngoại thương ca" được viết với nhạc điệu slow rock khá thịnh hành giữa thập niên 60's, thể hiện tình cảm phấn khởi như những bước chân đi tới, như niềm tin phơi phới vào một vận hội mới về trên quê hương, "Mấy dặm sơn khê" có tiết tấu chậm rãi hơn, tình cảm sâu lắng hơn, phác họa nét đẹp của người lính ngược xuôi trên khắp các nẻo đường đất nước.

 

"Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp" là bức tranh hoành tráng về đời lính được vẽ bằng những giai điệu, những khúc hát dạt dào tình nước, khi réo rắt, khi trầm bổng, khi lãng mạn như một khúc tình ca, khi hùng tráng như một khúc quân hành.

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông từng được thể hiện qua những giọng ca khác nhau, từ Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Khánh Ngọc, Lệ Thu... đến Trần Văn Trạch, Hùng Cường, Thanh Hùng, Duy Trác, Elvis Phương, Anh Khoa... và cả những ca sĩ "học trò" của ông.

 

"Chiều mưa biên giới" phù hợp với chất giọng "nam bộ" và làn hơi ấm áp của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, trong lúc "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp" lại phù hợp với chất giọng Huế mềm mại, ngọt ngào của Hà Thanh quyện với giọng ténor vang lộng của Hùng Cường (đến nay chưa có ca sĩ nào hát "hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề..." hay hơn Hùng Cường).

 

Người nghe "Mấy dặm sơn khê" qua giọng hát Thái Thanh và Hà Thanh đều nhận ra mỗi giọng có cái hay riêng, có nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hình tượng người lính chiến, khắc họa qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, như được "nâng" lên ở tầm mức cao hơn và đẹp hơn. Lý tưởng của những người trai anh dũng hiến thân vì tổ quốc như được tô đậm hơn; chính nghĩa của cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân miền
Nam như được soi sáng hơn.

 

Người đời, qua đó, thấy yêu mến và gần gũi hơn những người lính, thấy cảm kích và ngưỡng phục những hy sinh cao cả và thầm lặng của người chiến binh vì nước quên mình. Vậy thì không thể nào không cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã gieo vào lòng người những mối cảm xúc sâu đậm, những ấn tượng đẹp và sắc nét về người lính và đời lính.

Chiến tranh đã đi qua, những bài nhạc lính như thế ngày nay ít còn được nghe hát, thế nhưng dư âm lời ca tiếng nhạc của một mùa chinh chiến ấy và hình tượng hào hùng của người lính chiến quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đọng lại mãi trong tâm tưởng biết bao người, như câu nói bất hủ của một danh tướng Hoa Kỳ, Douglas MacArthur:
"Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ nhạt mờ đi thôi" (Old soldiers never die; they just fade away").


Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, "người lính già" Nguyễn Văn Ðông, ở độ tuổi 75, vẫn một niềm tin sắt son vào hồn thiêng sông núi, vẫn chưa mất niềm tin vào vận mệnh đất nước, vẫn còn nguyên vẹn trái tim chàng lính trẻ Nguyễn Văn Ðông-nặng trĩu tình quê tình nước-của những ngày đầu bước chân vào đời quân ngũ.

 

Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
kết trong lòng thế hệ
nghìn sau nối nghìn xưa..
.
(Mấy dặm sơn khê)

 

"Nghìn sau nối nghìn xưa", những thế hệ tiếp nối những thế hệ, những bàn chân tiếp bước những bàn chân, rộn ràng theo nhau lên đường đi xây lại những ước mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một ngày mai tươi sáng về trên quê hương Việt Nam mến yêu.

"Mai sau dù có bao giờ", nghe lại những khúc hát về người lính và đời lính, những khúc hát của một mùa nào ly loạn, hẳn người đời vẫn còn nhớ tới những người hùng tên tuổi hay những chiến sĩ vô danh, những người con yêu của tổ quốc, những người "nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây"
(2), những người đã hy sinh cả xương máu, đã hiến dâng cả tuổi trẻ, cả những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người cho tình yêu đất nước.

"Chinh chiến đã qua một thì"
(5), nhưng những bài hát về người lính anh dũng cầm súng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương, như những bài nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, mỗi lần nghe lại là mỗi lần nghe dậy lên một niềm kiêu hãnh, một nỗi tự hào về một thiên anh hùng ca của dân tộc.

Cám ơn anh, người lính già, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

Lê Hữu

(1) Trả lời phỏng vấn, Hoàng Lan Chi (đài “Việt
Nam hải ngoại”, WA. DC, 19/5/07)
(2) Chinh Phụ Ngâm Khúc, Ðặng Trần Côn/Ðoàn Thị Ðiểm
(3) Tây Tiến, thơ Quang Dũng
(4) Tống Biệt Hành, thơ Thâm Tâm
(5) Người Về, nhạc Phạm Duy

Nhạc Nguyễn Văn Đông hay, cuộc đời đầy thành quả đẹp và con người Nguyễn Văn Đông đáng phục, như anh Lê Hữu đã viết quá hay và đầy đủ, e không ai có thể viết hay hơn

Tôi cũng chỉ đồng ý với anh Lê Hữu mà thôi

Có một điều tôi nhận thấy là nhạc Nguyễn Văn Đông như sau:

Thường người mình hay phân loại, tôi tạm dùng nhạc "nhạc tiền chiến" và "nhạc phổ thông" (không có đúng nghĩa hoàn toàn nhưng tôi tránh dùng chữ *"nhạc sang""nhạc sến" vì không thấy xuôi ... tai)


Các ca sĩ hát nhạc tiền chiến như Anh Ngọc, Duy Trác, Trần Thái Hoà, Thái Thanh, Mai Hương, Ý Lan ... thường không hát được hay những bản nhạc phổ thông như Những Đồi Hoa Sim
(Dzũng Chinh-Hữu Loan)


Các ca sĩ hát nhạc phổ thông như Tuấn Vũ, Chế Linh, Hương Lan, Thanh Tuyền ... mà hát nhạc tiền chiến như Tiếng Chuông Chiều Thu
(Tô Vũ) thì ... không xong rồi

Nhạc Nguyễn Văn Đông cả hai giới ca sĩ hát đều hay. Thí dụ Sắc Hoa Mầu Nhớ, Duy Trác hay Tuấn Vũ hát đều hay.

Đó là chưa kể những nghệ sĩ hát nhạc đặc biệt như Hà Thanh
(chuyên hát nhạc Huế), Trần Văn Trạch (chuyên nhạc hài hước), Hùng Cường (chuyên hát cải lương) ... hát nhạc Nguyễn Văn Đông đều hay

 

Và do đó thính giả thích nghe nhạc tiền chiến hoặc các thính giả thích nghe nhạc phổ thông hoặc các thính giả thích các nhạc loại đặc biệt đều thích nghe nhạc Nguyễn Văn Đông và đều thấy là hay

Đó là một điểm son của NS Nguyễn Văn Đông, không thấy ai khác có, trong âm nhạc Việt Nam.