Saturday, January 22, 2011

Trận Đề Gi Ng Mạnh Tường làm tan tác sư đoàn 3 Sao Vàng Việt Cộng

Trận Đề Gi Ng Mạnh Tường làm tan tác sư  đoàn 3 Sao Vàng Việt Cộng

Cứ điểm Đề Gi là một mõm đất, là một cửa biển giáp ranh giữa hai Quận Phù Mỹ và Phù Cát. Nơi này là căn cứ Hải quân quan trọng đặt dưới quyền chỉ huy của Hải quân Thiếu tá Cát. Về phía bắc, qua một lạch nước rộng, thông từ biển vào Đầm Nước Ngọt là Đài Kiểm báo được xây dựng trên một đỉnh núi lẻ. Phía tây của căn cứ là Quốc lộ 1, nối liền với căn cứ từ cầu Phù Ly là tỉnh lộ dài 21km chạy song song với một dòng sông nhỏ, đổ vào Đầm Nước Ngọt, kẹp giữa sườn phía Bắc dẫy núi Bà (còn gọi là Hòn chung). Đề Gi là một cửa khẩu chiến lược với Đài Kiểm báo được trang bị tối tân, có thể kiểm soát cả một vùng biển Đông bao la. Từ cửa khẩu này tiếp nối với căn cứ địa 226 nằm giữa vùng núi non, tiếp giáp 3 Quận Phù Mỹ, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh, mở xuống một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam thuộc các quận Bình Khê, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước.

Từ khi cửa khẩu Sa Huỳnh bị Sư đoàn 2 tái chiếm, cắt đứt mọi khả năng vận chuyển lương thực và vũ khí của địch từ biển đông tiếp vận cho nội địa, Sư đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng vì lệnh từ Hà Nội và Quân khu 5 CS, bằng mọi cách phải chiếm được ít nhất một cửa khẩu để dùng làm địa bàn sau khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực. Trong khi mọi nỗ lực của Sư đoàn 3 Sao vàng và lực lượng địa phương của chúng hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ nống lấn mở rộng vùng kiểm soát, không những thế, cón bị các lực lượng ĐPQ&NQ đẩy vào thế bị động, luôn luôn bị săn đuổi. Cuối cùng Chu Huy Mân phải chấp nhận kế hoạch Tổng lực do viên Thiếu tá CS là Võ văn Ứng đệ trình.

Chu Huy Mân bổ nhiệm Ứng làm Lữ đoàn trưởng thực hiện kế hoạch (mà Ứng đã đệ trình với sự cam kết chiến thắng), Lữ đoàn bao gồm 7 Tiểu đoàn thiện chiến của Sư đoàn 3 Sao vàng gồm:
5 Tiểu đoàn Bộ chiến
1 Tiểu đoàn Đặc công
1 Tiểu đoàn Pháo
Lực lượng tổng lực của Huyện đội Phù Cát


Với một nghiêm lệnh là bằng mọi giá phải chiếm cho bằng được căn cứ Đề Gi, bất kể Hiệp định đình chiến đã có hiệu lực. Cuộc chiến bùng nổ vào rạng sáng ngày 27/1/1973. Đài Kiểm báo do lực lượng của Duyên đoàn 21 Hải quân trấn giữ, bất thần bị Tiểu đoàn Đặc công địch tràn ngập. Núi Gềnh là một mõm núi thuộc dãy Núi Bà nhìn xuống căn cứ Hải quân, trước đây do một đơn vị của Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn trú đóng, đã âm thầm rút đi, không thông báo, bỏ trống, không bàn giao lại cho lực lượng Việt Nam, bị Huyện đội cộng sản Phù Cát chiếm giữ.

Lúc 8 giờ sáng ngày 27/1/73, phút đầu tiên của Hiệp định đình chiến có hiệu lực, căn cứ Đề Gi bị tấn công bằng tất cả sức mạnh của Lữ đoàn cộng sản. Hỏa lực địch từ Núi Gềnh, từ Đài Kiểm báo với hàng ngàn trái đạn rót vào căn cứ.

Căn cứ được phòng thủ bởi lực lượng Hải quân đồn trú, quân số chỉ bằng 1/10 lực lượng địch, anh dũng đánh trả và đẩy lui nhiều đợt xung kích, gây nhiều tổn thất về nhân mạng cho địch. Gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng phòng thủ, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng.

Qua máy, Thiếu tá Cát lên án hành vi vi phạm Hiệp định đình chiến của chúng, Tên Lữ-đoàn trưởng, Thiếu-tá CS Võ văn Ứng lý luận là theo giờ Hà Nội, lúc này chưa phải đúng giờ đình chiến. Đồng thời y chặt đầu một Nghĩa quân mà chúng bắt được, bỏ cái xác không đầu của người lính tội nghiệp lên xe lam, chở xác người Nghĩa quân đến cổng căn cứ Hải quân, với những lời đe dọa ” Hàng thì sống, chống chặt đầu, quyết không bỏ sót!”

Hành động bạo tàn này đã không làm cho những chiến sỹ trú phòng sợ hãi, ngược lại, càng khiến tăng thêm ý chí quyết chiến đấu trở thành sắt thép hơn, càng quật nát từng đợt tấn công liều chết của địch.

Đạn pháo của địch từ hai cao điểm dội xuống như mưa, trực thăng không thể đáp xuống được, cùng lúc, hỏa lực địch từ núi Gềnh và Đài Kiểm báo khống chế toàn vùng biển.

Cuộc tấn công vi phạm Hiệp Định đình chiến của Việt cộng được thông báo cho UB/QT Kiểm soát Đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù-cát, và yêu cầu UB/KS/ĐC ký vào biên bản.

Trước hành vi bạo ngược của những người Cộng sản anh em, viên trưởng đoàn Ba Lan không thể chối cãi, đành phải ký tên vào biên bản (sau này viên trưởng đoàn Ba Lan bị cách chức!!).

Giữa lúc cộng sản dồn mọi nỗ lực nống lấn, chiếm đất, giành dân trước và cả sau giờ đình chiến, các đơn vị diện địa, lực lượng trú phòng tỉnh Bình Địng nói riêng và trên toàn quốc nói chung, đã phải dàn trải khắp nơi, ngăn chặn không cho Cộng quân thực hiện mưu đồ của chúng. Chúng đã gặp phải sức chiến đấu quyết liệt của các chiến sỹ ĐPQ &NQ, không những đã không thực hiện được ý định, mà còn bị thiệt hại nặng nề trên khắp các mặt trận.

Ngay cả những trục lộ giao thông quan trọng : Quốc-lộ 1, từ đèo Cù Mông đến Bình Đê, Quốc lộ 19 từ Bà Di lên đến đèo Măng Giang, các chiến sỹ ĐPQ&NQ diện địa đã bảo vệ an ninh lưu thông một cách tuyệt đối không ngờ .

Đứng trước tình hình ấy, Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH đã khẩn cấp không vận Liên đoàn 7/BĐQ của Trung tá Bùi văn Huấn từ Quân khu 1 vào tăng cường, với chỉ thị xử dụng như một lực lượng trừ bị, không được xử dụng làm nỗ lực tham chiến tiên phong.

Quân đoàn 2 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Phi trường Phù Cát để đối phó với tình hình, gồm có Tư lệnh Quân đoàn, Trung tướng Nguyễn văn Toàn, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB với Thiếu tướng Phan Đình Niệm, Tiểu khu trưởng TK/BĐ, Đại tá Hoàng Đình Thọ, TK phó Tiểu khu Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, LĐT/BĐQ Trung tá Bùi văn Huấn, Phụ tá Quân trấn trưởng Qui Nhơn, Trung tá Nguyễn văn Thanh, Quận trưởng Phù Cát Trung tá Đoàn văn Bái, Trung tá Khổng Trọng Huy. . .

Cuộc họp để hoạch định kế hoạch hành quân giải tỏa và lựa chọn người chỉ huy cho cuộc hành quân. Giữa lúc ấy, công điện hỏa tốc từ Phủ Tổng thống gởi đến. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã chỉ thị trao quyền chỉ huy tuyệt đối cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường và đòi hỏi phải tránh tối đa thiệt hại cho dân chúng trong vùng hành quân.

(Sau này được biết là Nhân dân Quận Phù Mỹ và Phù Cát qua đại diện dân cử, đã đệ đơn yêu cầu xin Tổng thống Thiệu trao trách nhiệm hành quân cho Tr/tá Tường vì lý do: Cuộc hành quân Đại Bàng 800, dân chúng bị tổn thất nặng nề, và sau này lực lượng Đại Hàn hành quân khu vực này, sự tổn thất của dân chúng còn bị nặng nề hơn nữa. Riêng Tr/tá Tường, từ khi về Bình Định, với rất nhiều cuộc hành quân, với nhiều cuộc đụng độ với Cộng sản, nhân dân chưa hề bị tổn hại về sinh mạng lẫn của cải…)

Chính vì sự tin tưởng của dân chúng Bình Định, các cuộc hành quân trước đây đều lấy danh hiệu Toàn Thắng. Danh hiệu các cuộc hành quân giải tỏa Đề Gi của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là An Dân. Với tư cách Tư lệnh hành quân, Trung tá Tường xin phép Trung tướng Tư lệnh QĐ2 được bảo vệ tuyệt mật mọi kế hoạch. (Mãi sau này, mọi ý niệm điều quân, Tr/tá Tường luôn luôn bảo vệ một cách tuyệt mật, ngay cả Trung tâm HQ cũng phải giữ im lặng vô tuyến đến tận lúc chiến thắng.)

Việc bảo mật ấy đã thành công trong một chiến thắng lớn khác: Hạ sát tên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 405 Anh hùng, bắt toàn bộ cấp chỉ huy của Tiểu đoàn này, tịch thu rất nhiều vũ khí trong trận đột kích vào sào huyệt của chúng tại ranh giới Bình Định và Phú Yên, bẻ gẫy mũi dùi chúng đang tiến hành tấn công kho xăng và kho đạn của quân khu II tại Đèo Son Bình Định.

Cuộc hành quân này, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đặc biệt giữ kín, ngay cả Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) cũng không hề biết, không một ai hay, thậm chí lực lượng tham dự là các Nghĩa Quân viên được lựa chọn cho cuộc đột kích cũng chỉ được biết vào phút chót. Cho đến khi đích thân Trung Tá Tường lên máy vào lúc 3 giờ sáng, lệnh cho TTHQ gọi ANQD và Quân Cảnh ra phi trường tiếp nhận tù binh và các chiến lợi phẩm.

Ngay cả đến trận phản công giải tỏa Phi trường Phù Cát vào tháng 5/1974 với mưu toan của cộng quân tiêu diệt căn cứ 60 Không quân, cũng bị Trung Tá Tường dùng kỳ binh bất ngờ đánh cho “Sấm sét không kịp bưng tai” khiến Trung Đoàn 2 của sư Đoàn 3 Sao Vàng tan tác.)

Lời yêu cầu được hoàn toàn chấp thuận, và lực lượng được đặt dưới quyền của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường gồm:

LD/7BDQ. QKI làm lực lượng trừ bị
2 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 4 1/SĐ 22/BB
1 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 421/SĐ 22/BB
1 Chi Đoàn thiết quận vận M.113
1 Tiểu Đoàn pháo binh
1 Đại Đội Tr/sát
1 Pháo Đội 115 ly.
1 Tiểu Đoàn/ ĐPQ/ Tuyên Đức.


So sánh Tương quan, giữa ta và địch, ta 3, địch 5, tức 3/5. Một cuộc hành quân tấn công giải tỏa với quân số tham chiến yếu hẳn hơn địch, trong lúc địch đã sẵn sàng chờ đợi một mặt trận đã được họ bố trí và lựa chọn trước, quả là điều không mấy sáng sủa. Mà thời gian lệnh ấn định là trong 7 ngày phải thanh toán xong chiến trường.
Trong lúc mọi người đều cho rằng cuộc hành quân khó lòng đạt được thành quả tốt đẹp thì Tr/tá Tường lại tin tưởng sẽ chiến thắng. Với lối đánh bất ngờ, yếu tố bảo mật phải được áp dụng triệt để. Ông xin với Th/tướng Phan Đình Niệm, Tư lệmh SĐ22BB để xin được xử dụng Đại đội trinh sát thuộc SĐ để tốc chiếm Núi Gềnh, và một đại đội thuộc LĐ/7BĐQ chiếm lại Đài Kiểm báo là hai cao điểm do 1 Huyện đội Phù Cát và 1 đơn vị đặc công của SĐ 3 Sao vàng quyết tử chiếm giữ.

Th/tướng Niệm đã thoái thác cho rằng Đại đội Trinh sát đang trong thời gian dưỡng quân, khó lòng có thể đảm nhận tốt được trách nhiệm. Thấy vị T/lệnh Sư Đoàn lo ngại sự tổn thất, Tr/tá Tường vui vẻ, nói rằng ông sẽ dùng 1 Đại-đội ĐPQ thay thế Đại đội trinh sát của sư đoàn để thi hành nhiệm vụ vinh dự này.

Không một ai, hay ít ra, trừ viên Tư lệnh Quân đoàn, Tr/tướng Nguyễn văn Toàn, vốn đã biết rõ khã năng điều quân và tài năng của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường, nguyên là Giám đốc Trung tâm Hành Quân/QĐ 2. Th/tướng Niệm tỏ rõ nghi ngờ về khả năng của ĐPQ.

Tr/tá Tường khẳng định rằng, một đoàn quân thiện chiến không nhất thiết phải là danh hiệu, mà do được huấn luyện như thế nào, tinh thần binh sỹ ra sao, và cũng còn tùy thuộc vào chính cấp chỉ huy của đơn vị ấy nữa. Ông chỉ xin riêng với Tr/tướng tư lệnh Quân đoàn cặp lon Đại úy để thăng cấp tại chỗ cho viên Trung úy Đại đội trưởng Đại đội Địa phương quân này, và Trung tướng Toàn chấp nhận yêu cầu ấy, nếu đạt được chiến thắng.

Ngay sau khi rời khỏi phòng họp, Tr/tá Tường đã đến Tiểu đoàn 209/ĐPQ do Đ/úy Nguyễn Bá Gạt làm Tiểu đoàn trưởng. Ông gặp riêng Tr/úy Phước, Đại đội trưởng Đ/đội 1/209 và ngỏ ý muốn xử dụng Đại đội này đánh chiếm Núi Gềnh bằng chiến thuật tốc chiến, chỉ xử dụng lựu đạn trong trận đánh, và ông hứa, nếu chiến thắng, ông sẽ tức khắc gắn lon Đại úy ngay tại mặt trận.

Tr/úy Phước cũng hứa rằng ông sẽ chiếm Núi Gềnh một cách dễ dàng, không quá 30 phút. (Tr/úy Phước kể rằng, từ thuở nhỏ, ông thường chăn trâu trong khu vực này nên mọi địa thế của Núi Gềnh ông biết rõ hơn ai hết, và lối tấn công bằng lựu đạn là hiệu quả nhất) Tr/tá Tường bàn thảo việc tiến công với người Sĩ Quan mà ông đã hiểu rõ và đã lựa chọn, duy nhất ông đòi hỏi Tr/úy Phước không được tiết lộ bí mật hành quân với bất cứ ai, ngay cả với những người thân cận nhất.

Ngày N1, trước nửa đêm, 1 Đại đội BĐQ được đổ xuống tấn công sấm sét vào Đài Kiểm báo, chưa đầy nửa tiếng, Đại đội Biệt Động Quân đã làm chủ tình hình, đánh bật lực lượng đặc công của SĐ 3 Sao Vàng ra khỏi mục tiêu, địch để lại nhiều vũ khí cá nhân và xác chết.

Ngày N lúc 5 giờ sáng, ĐĐ1/209 của trung úy Phước đã tiếp cận mặt trận, bất thần tung hàng trăm trái lựu đạn, chỉ 15 phút sau, Huyện đội Phù Cát lớp chết, lớp bị thương, lớp quăng vũ khí tháo chạy, cuộc chiến thắng của ĐĐ 1/209 trọn vẹn và chớp nhoáng đến nỗi không một ai có thể tin được. Về phía bạn, ĐĐ 1/209 chỉ duy nhất 1 binh sĩ bị thương nhẹ vì chính mảnh lựu đạn của mình.

Cùng thời gian ấy, Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 do đại úy Trí (Năm 1975 là Tr/ Tá) làm tiểu đoàn trưởng, đã từ chân phía Nam Núi Bà, vượt đỉnh núi, tràn xuống đánh như bão táp vào sau lưng địch. Cuộc tấn công bất ngờ đến nỗi tên tư lệnh Lữ  Đoàn địch quẳng cả “Xắc-cốt” với toàn bộ tài liệu tháo chạy, 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 cũng đồng loạt tràn ngập, địch không kịp phản ứng, bỏ chạy tháo thân.

Cũng ngày N, Chi đoàn M.113 thiết quân vận cũng đổ bộ lên bãi biển cách phía Nam căn cứ vài Km, nhất loạt tấn công hoàn toàn lực lượng địch đang vây hãm căn cứ Đề Gi, gần như toàn bộ pháo binh của địch quẳng lại, chúng đạp lên xác đồng đội mà tháo thân.

Cuộc hành quân truy kích bắt đầu và chỉ đúng 5 ngày sau ngày N, cuộc hành quân đã hoàn toàn chiến thắng, không một tổn thất về phía đơn vị bạn. Cuộc hành quân An Dân 1/73 hoàn tất bao gồm cả nhiêm vụ và công tác An Dân, công tác An Dân 1 ĐĐ SVSQ/CTCT Đà Lạt đảm trách trong giai đoạn thực tập công tác Dân Sự Vụ trước khi mãn khóa khóa 3/SQ/CTCT với 5 ngày vừa chiến thắng, vừa ổn định cuộc sống của nhân dân vùng Phù Mỹ và Phù Cát, không một người dân nào bị thiệt hại về sinh mạng và tài sản, bảo đảm 100% toàn vẹn mệnh lệnh do Phủ Tổng Thống trao phó, xứng đáng với tấm lòng tin tưởng và ưu ái của nhân dân Bình Định ủy thác.

Và ngay hôm sau, Tổng Thống Thiệu mời tất cả các Đại Sứ của các nước đến thăm viếng Đề Gi mới được giải tỏa, với tất cả mọi chứng tích về cuộc vi phạm Hiệp Định Đình Chiến của Cộng Sản VN, và Tổng Thống đãi các đại sứ một bữa gỏi cá cơm nổi tiếng ở Đề Gi, miền đất nổi danh của các chiến sĩ âm thầm, các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa quân Bình Định…

(Khoảng tháng 6 năm 1973, viên Thiếu tá Võ văn Ứng bất chợt về hồi chánh. Theo lời khai của y, với trận Đề Gi thất bại, 3/4 lực lượng tham chiến thuộc Lữ đoàn CS bị loại khỏi vòng chiến, một số lớn tử thương, không kể bị thương và bị bắt. Sư đoàn 3 Sao vàng rúng động, Quân khu 5 CS ngẩn ngơ, Hà Nội tím ruột. Ứng bị giáng cách tuột xuống chuẩn úy. Khi về hồi chánh, y tha thiết xin được gặp người đã làm cho y thân bại danh liệt: Trung tá Nguyễn Mạnh Tường.

Võ văn Ứng quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, một sỹ quan nổi danh của SĐ3 Sao vàng, xuất thân từ hàng ngũ binh sỹ đi lên, chiến trận dạn dày. Trung tá Tường tiếp y với nụ cười ân cần, hiền hòa và bình dị. Y thật lòng thú nhận là y không thể ngờ được có ngày y bị bại trận một cách nhục nhã đến như thế.

Tuy nhiên y rất khâm phục về phương cách điều quân lạ lùng và chớp nhoáng mà y không hề nghĩ tới, duy có một điều y bất phục

- “Thưa ông, nếu tôi là ông, thì hai Tiểu-đoàn còn lại của tôi sẽ không thể nào chạy thoát, sẽ không còn một người nào sống sót, bằng cách xử dụng phi pháo và chặn đánh.”

Trung tá Tường vẫn nụ cười hiền hậu, đưa phóng đồ hành quân ra và nói:

- “Ông hãy xem đây, tôi đã dự tính hơn những điều ông nói, tuy nhiên, nếu tôi thực hiện điều đó, người dân vô tội sẽ tổn thất không nhỏ về nhân mạng và tài sản. Với tôi, dù nếu để tiêu diệt trọn hai tiểu đoàn tẩu thoát của các ông, đổi lại, chỉ một người dân phải chết oan uổng, tôi nhất quyết không làm!”
Ứng không ngờ là trong đời y, y đã gặp được một danh tài quân sự, mà lại càng không ngờ trong đời chiến trận sinh tử lại có một tấm lòng nhân ái đến như thế…
 

No comments:

Post a Comment