Saturday, January 22, 2011

Chiến trường Bình Định và mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường

Chiến trường Bình Định và mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường

Chiến sử của QLVNCH là một chiến sử oanh liệt với biết bao những chiến công lẫy lừng, hiển hách đã từng được quốc tế ca ngợi là một trong những quân lực thiện chiến hàng đầu trên thế giới, và cũng là một quân lực đầy đắng cay, xót xa, tủi nhục, u hờn và bị bức tử đớn đau nhất. Quân Lực VNCH đã chiến đấu anh dũng với những chiến công lừng danh được đương thời và mãi mãi sau này nhắc đến. QLVNCH đã có những tướng lãnh, những cấp chỉ huy tài ba và mưu lược, can trường và đức độ, liêm khiết, được vinh danh. Có những bậc anh hùng vị quốc tuẫn tiết được phụng thờ hương khói trong lòng dân tộc, và những đơn vị thiện chiến sáng ngời trong quân sử. Những địa danh ,những trận đánh khốc liệt vang dội một thời mà cho đến tận hôm nay, và mãi mãi về sau, vẫn còn âm hưởng.

Thế nhưng, ngậm ngùi thay, còn biết bao nhiêu các chiến sỹ vô danh, đã chiến đấu từng khiến quân thù bạt vía, đã âm thầm hy sinh xương máu để bảo vệ Tự do cho Đất nước, và cả những cấp chỉ huy mưu lược và can trường đã bị lãng quên, bị nhận chìm trong bóng tối của thời gian.

Sự bất công vô tình gần như hồn nhiên theo dòng thời gian ấy giống như lòng phụ bạc, có phải chăng chỉ vì họ là những chiến binh được xếp vào hàng thứ yếu so với các lực lượng tổng trừ bị, những sư đoàn Bộ Binh…? Các lực lượng ĐPQ + NQ diện địa, vốn dĩ được trang bị và yểm trợ cũng vào hàng thứ yếu, họ được coi là những đơn vị phụ chiến, nhưng thực tế chính họ lại là những đơn vị nòng cốt và thiết yếu của chiến trường, ngày đêm trực diện với kẻ thù, không một phút giây thảnh thơi được về dưỡng quân nơi hậu cứ phố thị sau những trận đánh như những đơn vị tổng trừ bị đàn anh, được khao thưởng, được chào mừng nồng hậu…

Tội nghiệp thay, chính họ chứ không ai khác, đã phải ngày đêm căng sức giữ vững từng tấc đất mà quên lãng thân mình, thậm chí họ đã từ chối mọi tưởng thưởng, những phần thưởng tinh thần. Một thí dụ điển hình như trường hợp một trung đội trưởng Nghĩa Quân, kiêm nhiệm Xã Trưởng Xã Mỹ Hiệp quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, đã từ chối danh vị chiến binh Anh Hùng vào năm 1973 – Anh đã từ chối phần thưởng được du ngoạn Đài Loan, người Nghĩa Quân ấy năn nỉ với Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường để xin được ở lại giữ thôn ấp. Anh nói:
- “Xin Đại tá cho em được ở lại. Em mà bỏ đi lúc này, xã Mỹ Hiệp sẽ nguy mất!” Phải nói thêm là bọn Du Kích Xã Mỹ Hiệp nổi tiếng là lỳ lợm và hung bạo, “Nhà Thờ Đá” “Dốc Bà Dần” là những địa danh không xa lạ gì với nhân dân Tỉnh Bình Định, lại do chính sự hung bạo lỳ lợm và của xã đội Du Kích Xã Mỹ Hiệp tạo thành.

Một trong những miền đất bị bỏ quên chính là chiến trường Bình Định và những chiến sỹ của miền đất “Tây Sơn, ÁoVải Cờ Đào “. Và bài viết này xin được coi như lời tạ lỗi muộn màng của một người lính chiến ở chiến trường Bình Định còn sống sót, đang viết những dòng này.

Chiến trường Bình Định – không phải mãi sau này – mà ngay từ thờ kháng chiến chống Pháp, đã luôn luôn là một chiến trường sôi động. Những địa danh An Khê, Hoài Ân, An Lão . . . mãi mãi là dấu ấn kinh hoàng cho những binh đoàn viễn chinh Pháp, một phần vì địa thế chiến lược của vùng đất này, một phần khác là lòng người. Thời kháng Pháp, quân đội viễn chinh Pháp, dù đã nhiều phen dồn mọi nỗ lực, vẫn không chế ngự và kiểm soát được, và cũng chính vì thế, một số không nhỏ những người yêu nước đã bị cộng sản Hà Nội lừa gạt bởi chiêu bài Dân Tộc trá hình, đã chiến đấu dũng mãnh trong hàng ngũ của họ.

Sau Hiệp định Genève, một số tập kết ra Bắc, một số lớn ở lại âm thầm tạo dựng cơ sở. Dân chúng Bình Định, với truyền thống yêu nước của vùng đất Quang – Trung, đã bị tuyên truyền bịp bợm về ngọn cờ Dân Tộc trá hình, nên một số lớn dân chúng Bình Định hướng về Hà Nội. Thế nhưng, nét đăc thù của người dân Bình Định là phân minh, Quốc, Cộng rạch ròi, chính sự phân định ấy đã đưa đến thảm trạng tương tranh khốc liệt. Biết rõ điều này, Quân khu 5 của Cộng quân luôn coi chiến trường Bình Định là chiến trường chủ yếu mang tính quyết định, nên họ dồn mọi nỗ lực, tuyên truyền, vận động để đẩy rộng thêm sự chém giết tương tàn, gây hận thù chồng chất.

Chiến trường Bình Định luôn có mặt những đơn vị cộng sản thiện chiến nhất của Quân khu 5. Khi Chu Huy Mân nắm quyền Tư Lệnh, y điều động Sư đoàn 3 Sao vàng “anh hùng”, với những Tiểu đoàn quyết tử, Tiểu đoàn 405 trinh sát đặc công được trao tặng cờ đỏ, với Trung đoàn Địa phương và các huyện đội tinh nhuệ được đặt dưới quyền điều động của những cán bộ cuồng tín và tàn bạo bậc nhất, chưa kể đến vào những năm 1965, được tăng cường thêm Trung đoàn Địa phương Phú Yên dưới sự chỉ huy của ‘Tướng độc nhủ Nguyễn thị Lành, được mệnh danh là Nữ hung thần bất tử.”

Chiến trường Bình Định bùng lên mãnh liệt vào những tháng đầu năm 1965, giữa lúc mà cuộc diện chính trị VNCH đa ng nổi trôi trong sự bất ổn, những trận đánh ác liệt diễn ra khắp nơi trải dài từ Phù Ly đến tận Bồng sơn với các mặt trận Phù Ly, Đại Thuận, Phù Mỹ, Đèo Nhông, Diêm Tiêu, Vạn Bảo, Phù Cũ . . . đã mở màn dường như cùng một lúc.

Chẳng phải bỗng dưng mà tháng 9/1965 sư đoàn Anh Cả Đỏ (SĐ1 Không kỵ ), rồi lần lượt sư đoàn 101, lữ đoàn 173rd Dù đều là những đơn vị thiện chiến nhất của Hoa Kỳ đã phải thay nhau có mặt tại Bình Định , chế ngự An Khê và mật khu Kon Hanùng. Chẳng phải khi không mà sư đoàn Mãnh Hổ bậc nhất của quân đội Đại Hàn được giao sứ mạng trải dài bảo vệ quốc lộ 19, nhưng vẫn không chu toàn việc bảo vệ trọn vẹn sinh lộ này.

Tỉnh Bình Định là tỉnh được coi là rộng nhất trong toàn quốc với diện tích khoảng 10.000km vuông, chiều dài từ đèo Cù Mông đến đèo Bình Đê là 120km, chiều ngang từ Mũi Phương Mai đến biên giới tỉnh Pleiku là 90 km, với 3/4 là núi rừng trùng điệp, với các mật khu Kon Hanùng phía Bắc quận An Túc, giáp ranh tỉnh Kontum và Quảng Ngải.

Mật khu An Lão , mật khu Vân Canh, mật khu Vĩnh Thạnh, căn cứ địa 226 nằm giữa ba quận đông Vĩnh Thạnh, tây Phù Mỹ và Nam Hoài Ân, mật khu mà chúng gọi là khu tam giác sắt vùng núi non Mỹ Thọ của Quận Phù Mỹ, là nơi mà chúng ém quân và xuất phát những cuộc tấn công ác liệt nhất.

 Dân số được kiểm kê vào tháng 1/1973 là 996.673 người (đây là con số không được trọn vẹn) được chia làm 14 quận: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù cát, Tuy Phước, Tam Quan, Vân Canh, Nhơn Bình, và Nhơn Định. (Sau này Vĩnh Thạnh, Tam Quan, Vân Canh được đổi thành Nha Phái Viên Hành Chánh, riêng An Lão, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt Suối đôi, Đồi Thánh Giá vào năm 1964, An Lão đã không còn kiểm soát được.)

Tính cuối năm 1972 Lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân trực thuộc TK/Bình Định gồm hai BCH Liên đoàn 271 và 272, 18 Tiểu đoàn ĐPQ, 12 Đại đôi biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân ( chưa kể đến quân số thuộc Xây Dựng Nông Thôn và Nhân Dân Tự Vệ).

Để tăng viện cho tình hình chiến trường, Sư đoàn 22/BB có 4 Trung đoàn : 40, 41, 42, 47, thì thường xuyên 2 Trung đoàn 40 và 41 phải trấn ngự tại Bính Định. Quân đoàn 2 chỉ còn lại 4 Trung đoàn của Sư đoàn 23 và 2 Trung đoàn của SĐ/22/BB chia đều cho các tỉnh còn lại của Quân khu.

 Ngoài ra, trong giai đoạn sôi động nhất, Liên đoàn 6 và Liên đoàn 4/BĐQ được tăng cường trấn ngự 3 quận bắc Bình Định. Với một lực lượng lớn như thế, vẫn không đủ để dàn trải, để ổn định.

Vị Tỉnh trưởng dân sự cuối cùng là Ông Bùi Thúc Duyên, đã chuyển tiếp cho các sỹ quan của Quân lực từ cuối năm 1963 : Đại tá Trần Văn Tươi , Đại tá Nguyễn Thanh Sằng , Thiếu tá Trần Đình Vọng, Thiếu tá Thịnh, Trung tá Lê Trung Tường , Trung tá Trần Đình Vọng { lần thứ 2 }, Đại tá Nguyễn Mộng Hùng , Trung tá Phan Minh Thọ, Đại tá Nguyễn Duy Bách, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Đại tá Hoàng Đình Thọ và vị Tỉnh trưởng kiêm TK/Trưởng cuối cùng là Đại tá Trần Đình Vỵ.

Đ/Tá Nguyễn Văn Chức, một sỹ quan cao cấp của ngành Công binh chuyên nghiệp nhận chức Tỉmh trưởng kiêm TK/Trưởng vào giữa năm 1971, với Tiểu khu phó là Đại tá Hà Mai Việt (Binh chủng Thiết giáp), Tham mưu trưởng là Trung tá Nguyễn Văn Cừ của Quân cụ. Đây là giai đoạn mà các sỹ quan cột trụ không từng là sỹ quan tác chiến lại phải gánh nhận áp lực nặng nề nhất trên chiến trường Bình Định.

Giữa lúc tình hình sôi động ấy, các chức vụ then chốt vốn là do các sỹ quan đã từng phục vụ tại Tiểu khu Bình Định trên dưới 10 năm, trưởng thành qua những kinh nghiệm chiến trường, biết rành rẽ về hiễm địa và nhân sự… lại bị cho là cấp bậc quá thấp (Thiếu tá), không đủ khả năng chỉ huy và lãnh đạo, nên Đại tá Chức đã xin Bộ TTM bổ nhiệm về Bình Định 50 Trung tá để thay thế các sỹ quan đương nhiệm.

Bộ TTM chấp thuận và thuyên chuyển 30 sỹ quan cấp bậc Trung tá về Tiểu khu Bình Định, gồm đủ mọi thành phần. Bộ TTM gởi ra 16 vị ,và BTL/QĐ2 gởi xuống 14 vị để đáp ứng yêu cầu của Đ/tá Chức. Đại đa số các vị sỹ quan trung, cao cấp này khi được tăng cường cho Binh Định đều có vẻ ngao ngán với tâm trạng đi đày trong các chức vụ không tương xứng.

Người duy nhất, nhận nhiệm vụ bằng cả tấm lòng, bằng cả trí tuệ và sự nhiệt thành, đó là Trung tá Nguyễn Mạnh Tường. Ông rời chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân Quân đoàn 2 về làm Tham mưu phó Hành quân Tiếp vận dưới trướng Tham mưu Trưởng Nguyễn Văn Cừ, vị Trung tá Quân cụ, gọi máy PRC25 liên lạc hành quân như gọi điện thoại… May mắn thay, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã đến, đáo nhiệm một chức vụ quá khiêm tốn với tài năng và một bộ óc quân sự tuyệt vời, cộng với lòng nhiệt thành và một trái tim trong sáng.

Chính vị Trung tá năng động này đã làm nên chiến thắng oanh liệt, cứu nguy cho sự tan nát của Bình Định mỗi lúc một gần kề, khi mà Sư đoàn 3 Sao vàng đã chiếm một cách trọn vẹn 3 quận bắc Bình Định là Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân.

Thiếu tá Hồng Bảo Hiền, Quận trưởng Hoài Nhơn tử trận, lực lượng trú phòng của 3 quận rút chạy bằng đường biển vì sức mạnh tổng lực của địch. Tinh thần binh sĩ hoang mang, thành phố Qui Nhơn trống vắng, 70% dân chúng tháo chạy về Nam.

Cùng lúc ấy, trận chiến bùng nổ khắp nơi, các Trung đoàn thuộc SĐ/22 từ Đệ Đức (Phù Mỹ) bị điều động tăng cường mặt trận Tân Cảnh, tư lệnh SĐ/22 BB Đại Tá Đạt cùng một số sỹ quan tham mưu bị bắt, tình thế cực kỳ bối rối, thành Phố Qui Nhơn bị pháo kích. Bộ chỉ huy tiểu khu hầu như không có một kế hoạch khả dĩ nào đủ để ứng phó với tình hình mỗi lúc một trở thành nghiêm trọng.

Trung tâm hành quân (TTHQ) Tiểu Khu Bình Định do công binh Hoa Kỳ xây dựng kiên cố như một pháo đài nằm chìm trong lòng đất, đầy đủ mọi tiện nghi, dư khả năng chịu đựng được những cuộc pháo kích của địch kể cả không tập, được bảo vệ cẩn mật, vậy mà bị nội tuyến của địch xâm nhập đánh xập. Thiếu Tá Thái Xuân Lư, và 2 sĩ quan (1 Đại Hàn – 1 Mỹ) tử thương, Đại úy Bùi Trọng Thủy bị thương nặng. Trung Tâm Hành Quân hoàn toàn bị phá hủy.

Trước đây,Trung tâm trưởng TTHQ do trưởng phòng 3 kiêm nhiệm, gồm 1 sĩ quan không trợ kiêm sĩ quan phụ tá , 3 sĩ quan QSV/L 19 và 3 ca trực, mỗi ca trực gồm 1sq+1hsq +1bs. Từ khi TTHQ được xây dựng qui mô, do nhu cầu chiến trừơng, 3 toán cố vấn Mỹ gồm 1 thiếu tá + 3 đại úy +3 hsq + 3 bs chia làm 3 ca trực song song với các toán trực VN, ngoài ra, TTHQ còn được tăng cường 1 toán ALO/FAC cuả không quân, 1 sq hải quân và một hệ thống truyền tin tinh xảo với các toán âm thoại viên dầy kinh nghiệm.

Tôi (kẻ viết bài này) đă làm việc tại TTHQ từ thời chuẩn úy Lê Văn Lộc làm trưởng phòng 3, thiếu úy Hứa làm SQ không trợ, ít lâu sau thiếu úy Hứa thuyên chuyển, tôi được bổ nhiệm thay thế với toán QSV/L19 gồm Tr/u Lía, Th/u Phú, Ch/u Sỹ, Ch/u Tuân. Những ngày ấy, đôi khi Tiểu Khu Trưởng còn là Th/Tá, tiểu khu phó có khi là Đ/úy ( Đ/u Nguyễn Bé ) và các TMT như Đ/u Thái Sanh Thâm, Đ/u Trần Ngọc Điền, Đ/u Đỗ Vũ, Đ/u Trịnh Tiếu. Theo ngày tháng, kinh nghiện mỗi ngày một dầy, cấp bậc theo ngày tháng bò lên từng nấc, chức vụ vẫn y nguyên…

Cuối năm 1971 Trung tá Nguyễn hữu Thông về làm Giám đốc TTHQ/TKBĐ, khoảng chừng 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Tr/đ42/SĐ 22BB, ( Đại tá Thông đã tự sát tại bãi biển Qui Nhơn ngày 31/3/75) khi Trung đoàn 42 từ An Túc rút về tử thủ ở chân đèo An Khê, tại đây, Trung đoàn 42 đã đánh bật sư đoàn F.10 Cộng sản không cho tràn xuống từ đèo An Khê, tiêu diệt 600 địch quân .

F.10(SĐ.10) phải bọc qua dẫy Nam Triều tràn xuống chiếm Qui Nhơn, Đại tá Thông kết hợp với Trung đoàn 41 của Đại tá Thiều kéo về giải tỏa thành phố, đánh bật F.10 và các lực lượng địa phương CS, và đã ở lại tử thủ Qui nhơn đến viên đạn cuối cùng.)

Nhắc lại, khi Đại tá Thông ra đi, tôi cũng xin thuyên chuyển về làm ĐĐT/ĐĐ/CTCT Bình Định, sang đầu năm 1972 vì tình hình chiến sự, tôi được gọi trở về lại Trung tâm Hành quân, phụ tá cho Thiếu tá Nguyễn Ngọc Xuân, trưởng phòng 3 kiêm Trung tâm Trưởng TTHQ. Công việc của TTHQ là theo dõi tình hình chiến sự, ghi nhận tất cả mọi hoạt động của các lực lượng trú phòng trong tỉnh, xin hỏa châu soi sáng, xin oanh kích khẩn cấp theo nhu cầu chiến trường, xin tản thương.

Chỉ riêng với lực lượng lãnh thổ, với 18 Tiểu đoàn địa phương, 12 Đại đội biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân, phải nắm vững 3 điểm đóng quân và phục kích cho mỗi trung đội. Như thế có nghĩa là TTHQ phải tiếp nhận báo cáo hàng đêm đã được mã hóa từ các đơn vị trực thuộc, giải mã và ghi chú trên bản đồ “Hoạt động Bạn” với tất cả các diễn tiến mọi cuộc hành quân trong toàn Tỉnh và những tổn thất địch, bạn.

Ghi nhận những phi vụ oanh kích khẩn cấp, và dự trù từng chi tiết cho buổi thuyết trình vào sáng sớm ngày hôm sau. Công việc này do sỹ quan trực nhật TTHQ đảm trách và SQ Phụ tá nhận nhiệm vụ thuyết trình phải nắm vững từng chi tiết và phải trả lời một cách chắc chắn mọi sự kiện trong 24 giờ sau. Thậm chí kết quả của những cuộc không tập do Không quân Hoa Kỳ hoặc VN thực hiện, phải ký tên và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mỗi phi vụ oanh kích.

Đó là một thời kỳ đầy sóng gió và phân liệt. Ba vị Thiếu tá Quận trưởng thất trận được điều động về làm 3 SQ trưởng toán trực TTHQ , và những sĩ quan cấp đại úy vốn là các sĩ quan đầy kinh nghiệm và thông suốt nhiệm vụ của mình bị đẩy xuống làm sỹ quan phụ tá trưởng toán. Duy nhất trong 3 vị Thiếu tá này, chỉ có một mình Thiếu tá Thái Xuân Lư và Đại úy Thủy là đảm nhận trách vụ một cách cố gắng và làm tròn, riêng hai vị Thiếu tá còn lại, thường xuyên vắng mặt với những lý do mơ hồ từ tư gia của Đại tá Hà Mai Việt, Tiểu khu phó, và tôi lại phải trực tiếp thay thế các Trưởng toán trực vắng mặt này!

Sở dĩ tôi phải dài dòng như thế để trình bày lý do tại sao tôi có đủ điều kiện và tư cách viết về chiến trường Bình định, và các chiến công của các đơn vị diện địa Nghĩa quân và Địa Phương Quân một cách tương đối chính xác. Và quan trọng hơn, nguyên nhân tôi được may mắn và hãnh diện được đặt trực thuộc dưới quyền của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường sau này.

Trung tá Tường được thuyên chuyển về Bình Định nhận nhiệm vụ mới là Tham mưu phó Hành Quân Tiếp vận kiêm nhiệm Giám đốc TTHQ. Do bản tính năng động và một tinh thần phục vụ vô bờ bến, cộng với tài năng sáng chói đã làm lu mờ các cấp chỉ huy cao hơn, khiến ông bị đày ải: Phải thành lập tức khắc Bộ Chỉ Huy hành quân nhẹ và trú đóng trên đỉnh núi Bà Hỏa tuyệt đường lên xuống, do đó Tr/Tá Tường không có cơ hội điều hành TTHQ thường xuyên. Vậy mà sau khi TTHQ phát nổ, ông đã bị nghi ngờ, bị điều tra. . .

May mắn thay, ông đã thoát được lưỡi gươm sinh tử vì chỉ đã xuống TTHQ không quá một lần duy nhất, chỉ vì tại núi Bà Hỏa, ông đã quá bận rộn với trách nhiệm của mình, không chỉ riêng ông, tôi cũng bị nghi ngờ là tên Cộng sản nằm vùng khi Đại tá Đạt, Tư lệnh SĐ22 bị bắt ở mặt trận Tân Cảnh cùng với một số SQ của Bộ Chỉ huy Tiền phương.

Đại tá Chức vận động để được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến trường Bình Định, để muốn có được quyền uy điều động toàn bộ lực lượng theo ý mình, do đó Đại tá Chức thường xuyên có mặt ở Bộ Tư lệnh SĐ22 trú đóng ở Bà Di (cách Qui Nhơn khoảng 15 km đường chim bay, trên một ngọn đồi rộng) như tư thế của một Tư lệnh Sư đoàn đích thực.

Hôm đó, vào buổi chiều, Qui Nhơn bị pháo kích, gây cho 3 người dân bị thương, tôi đã phải liên lạc trực tiếp với Đại tá Chức đang có mặt tại TTHQ Sư đoàn. Sau khi tôi báo cáo mọi chi tiết, ông ra lệnh cho tôi qua điện thoại Hot Line của TTHQ/SĐ:

- “Gọi cho Thiếu tá Sáng, theo lệnh tôi, rút hai Trung đội Nghĩa quân tại núi Han và Vũng chua để phòng thủ thị xã!”

Bỏ hai vị trí này là để lại cao địa cho cộng sản pháo vào Qui Nhơn. Tôi nghe lệnh ông mà giật bắn người, e rằng mình nghe lầm. Tôi xin ông nhắc lại khẩu lệnh. Một lần nữa Đại tá Chức lập lại lệnh của ông rồi cúp máy. Tôi toát mồ hôi, điện thoại xin gặp Tr/tá Trí(Chí?) hỏi về lệnh cuộc điện đàm vừa rồi, Tr/tá Trí xác nhận là đã đứng cạnh Đ/Tá Chức và nghe rõ mệnh lệnh của Đ/T Chức.

Tôi xin Tr/tTrí ghi một cách chi tiết vào sổ trực TTHQ/SĐ, và tôi cũng ghi chi tiết một cách chính xác vào sổ trực TTHQ/TK, đồng thời tôi mời đích thân Th/Tá Sáng xuống TTHQ nhận lệnh, và cùng lúc, tôi yêu cầu Th/tá Sáng liên lạc lần nữa với Đại Tá Chức để xác nhận đầy đủ mọi chi tiết.

Sau đó tôi không biết Th/tá Sáng có trực tiếp xác nhận lệnh với Đ/tá Chức về lệnh lạc này hay không, nhưng ngay lập tức tối hôm đó, VC pháo kích vào Qui Nhơn như mưa bấc, vị trí đặt súng của địch chính là Núi Han và Vũng Chua, nơi mà hai Trung Đội Nghĩa Quân trú đóng vừa rút đi theo lệnh của Đại tá Chức. Tôi báo cáo cho Đ/Tá Chức, ông hỏi:

- “Vậy hai Trung Đội Nghĩa Quân ở núi Han và Vũng Chua hiện ở đâu?”
Tôi nhắc lại lệnh của ông vào lúc xế trưa cùng ngày, ông quát trong máy:
- “Tôi không hề ra lệnh cho anh, đó là Việt Cộng đã ra lệnh cho anh!”
Và cúp máy.

Không đầy 30 phút sau đó, Trung Tá Điều, Trưởng khu An Ninh Quân Đội đến gặp tôi, và hỏi về điều này, tôi phải trình bầy mọi chi tiết và đưa cho Trung Tá Điều sổ trực TTHQ. Trung Tá Điều phải khẩn cấp lên TTHQ Sư Đoàn so sánh, sau đó, Tr/tá Điều cho tôi biết là Đại Tá Chức xác nhận là đích thân đã ra lệnh ấy, nhưng công việc bận rộn nên quên mất (!)
Đến nay, 30 năm đã trôi qua, tôi luôn luôn ghi nhớ và cảm ơn Tr/Tá Điều. Tôi không hề có bất sự hiềm khích nào với Đ/T Chức, ngược lại, tôi luôn luôn quý trọng ông, không những thế, tôi còn rất cảm phục tài năng chuyên môn của ông thuộc binh chủng công binh. Sở dĩ tôi nhắc đến để độc giả thương cảm rằng Đ/T Chức đã không được xử dụng đúng tài năng của ông và Tr/t Nguyễn Mạnh Tường đã gặp quá nhiều trở ngại trong trách vụ về mọi mặt.

May mắn thay, không lâu sau đó, Đại tá Chức được bổ nhiệm làm Cục Trưởng cục Công Binh, và thăng cấp Chuẩn Tướng, cùng với đa số các sĩ quan cấp bậc Tr/tá do Ch/tướng Chức xin về cũng được “giải thoát”.

Tr/tá Tường được bổ nhiệm về làm TMT trường Đại học CCCT, nhưng ông đã xin được ở lại với chiến trường Bình Định đang cực kỳ sôi động. Đại tá Hoàng Đình Thọ đương kim Tỉnh trưởng Quảng Tín, được thuyên chuyển về nhận chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bình Định. Đại tá Thọ là một sĩ quan kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ đó, bộ mặt của Tiểu Khu đổi thay hẳn với thành phần dưới ông:

– Tiểu Khu Phó : Trung Tá Nguyễn Mạnh Tường
- Tham Mưa Trưởng : Tr/Tá Nguyễn Đức Trung Trưởng P1: Th/Tá Võ Đức Tín
- T P2: Th/tá Kiều Văn Sâm
- T P3: Th/tá Nguyễn Ngọc Xuân
- T P4: Th/tá Dư Văn Hạ
-TMP/ CTCT: Trung tá Nguyễn Lâm
- Tr/ Phòng Ttin: Thiếu tá Quỳ
Và TTHQ đã được trả lại những ngày ổn định cũ.

Sau những nỗ lực giải tỏa áp lực địch tại các quần phía Nam, tháng 7/1972, cuộc hàng quân tái chiến Bắc Bình Định với Sư Đoàn 22/BB làm nỗ lực chính đã đánh bật Cộng quân ra khỏi 3 quận phía Bắc, cùng lúc Sư Đoàn 2/BB thuộc quân khu với sự tham chiến của Biệt Động quân đã đánh bật Cộng Quân ra khỏi cửa khẩu Sa Huỳnh, tình hình chiến sự đã tương đối lắng dịu.

Thế nhưng, với cái nhìn của những nhà quân sự, thì đây là giai đoạn tĩnh lặng trược giông tố, địch đang phối trí và sửa soạn cho một chiến trường khốc liệt khác.

Chính vì dự đoán như thế, Trung tướng TL/QĐ 2 Nguyễn Văn Toàn đã đặc biệt triệu tập Đại Tá Hoàng Đình Thọ Tỉnh trưởng kiêm TKT và Trung tá Nguyễn Mạnh Tường tiểu khu phó tại biệt thự Hương Cầm tại Qui Nhơn. Sau những quan ngại về những mưu đồ của địch trong tương lai, ông nói (Theo lời Trung tá Tường thuật lại sau này):

- “Quân Đoàn 2 với một vùng trách nhiệm quá rộng lớn, lại là một vùng với áp lực địch luôn luôn rất nặng, vậy mà dưới tay tôi, chỉ có 2 Sư Đoàn 22 và 23, gần 8 Trung Đoàn BB, riêng Bình Định đã cầm chân thường xuyên 2 Trung Đoàn, với 6 trung đoàn còn lại, phải đảm trách một lãnh thổ quá rộng, với áp lực địch càng lúc càng gia tăng, tôi xin hai anh giúp tôi, bằng mọi cách cố gắng dùng lực lượng ĐPQ và NQ thay thế phần trách nhiệm của hai “thằng” 40 và 41 { Trung đoàn 40 & 41) để tôi có thêm khả năng đối phó với tình hình sắp tới, mà tôi tiên đoán rằng, mỗi lúc một ác liệt. Tôi đề nghị anh Thọ giao trách nhiệm quân sự cho anh Tường, tôi đặt hết niềm tin vào các anh!”

Những tháng ngày kế tiếp sau đó, tôi chưa hề thấy Trung tá Tường có lấy một phút nghỉ ngơi, ngay cả khi phu nhân và các con của Trung tá từ Sài gòn ra Qui Nhơn thăm chồng, bà đã phải chờ đợi suốt cả tuần lễ vẫn chưa được gặp mặt chồng. Người chiến binh tận tụy ấy đã quên cả hạnh phúc cá nhân, quên cả chính thân mình. Ông ăn uống kham khổ cùng với binh sĩ của ông. Ông có mặt khắp nơi, từng đơn vị nhỏ nhất, săn sóc, an ủi, giải quyết những ưu tư của binh sĩ.

Ông theo dõi, kiểm tra, lựa chọn, tổ chức, huấn luyện những binh sĩ ĐPQ &NQ, lựa chọn trong số các đơn vị thuộc quyền các chiến binh mà kinh nghiệm cũng như lòng can trường cùng khả năng chiến đấu để thành lập những đơn vị xung kích và trinh sát bằng những khóa huấn luyện đặc biệt. Binh sĩ, qua lớp huấn luyện có thể đảm đương mọi nhiệm vụ đặc biệt được giao phó, kể cả các chiến thuật Diều hâu bằng Trực thăng vận.

Liên đội Trinh sát Tiểu khu với hai Đại đội bao gồm các chiến binh can trường và thiện chiến được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung úy Khuynh, một trong những sĩ quan ưu tú của quân lực. Liên đội trinh sát ấy đã làm nên những chiến công hiển hách, không phụ tấm lòng kỳ vọng của ông.

Nhờ thế, sau một thời gian ngắn, khí thế của lực lượng ĐPQ & NQ Bình Định đã vươn lên, không hề thua sút bất cứ đơn vị thiện chiến nào. Họ không những bảo vệ an toàn các trục lộ huyết mạch, ngăn chặn một cách hữu hiệu mọi ý đồ của địch, mà còn mỗi lúc mở rộng vùng kiểm soát. Đến cuối năm 1972, tình hình an ninh mỗi lúc một khả quan và tinh thần binh sĩ đã lên cao trông thấy, địch cùng lúc càng bị dồn vào thế co cụm. Tiếp theo đây là tường trình hai chiến thắng lẫy lừng của mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường:

- Trận giải tỏa Đề Gi làm tan tác sư  đoàn 3 Sao Vàng Việt Cộng.
-Trận đánh giải tỏa phi trường Phù Cát Trận lại thăng cấp đại tá muộn màng

No comments:

Post a Comment