Saturday, January 22, 2011

Trận đánh cứu phi trường Phù Cát Ng Mạnh Tường thăng đại tá muộn màng

Trận đánh cứu phi trường Phù Cát Ng Mạnh Tường thăng đại tá muộn màng

Sau trận Đề Gi, tiềm năng quân sự của Sư đoàn 3 Sao vàng bị hao hụt trầm trọng, các hoạt động quân sự của địch hầu như suy giảm hẳn. Hai Liên đoàn 4 và 6 Biệt Động tăng cường chế ngự địch tại hai Quận Hoài Nhơn và Tam Quan. Hoài Ân và một phần quận Phù Mỹ do trung đoàn 41 đảm trách. Tình hình an ninh tương đối ổn định. Quốc lộ 1 và 19 thông suốt, do các lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân đảm trách.

Bọn Cộng sản gửi văn thư tố giác đích danh Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là luôn luôn nống lấn, vi phạm Hiệp định đình chiến. Nực cười là lời tố giác nầy lại đứng trước một thực tế mà viên Trưởng đoàn Kiểm soát đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù Cát đã phải thừa nhận là chính cộng sản đã vi phạm.

Thêm vào đó, các vị đại sứ của các quốc gia đã đích thân đến thăm căn cứ Đề Gi ngay sau khi quân lực ta tái chiếm, đã là những nhân chứng đáng tin cậy nhất. Do đó, văn thư tố giác Trung tá Nguyễn Mạnh Tường rơi vào khoảng không.

Trong suốt thời gian từ tháng 1/1973 cho đến tháng 4/1974 các ấp an ninh từ loại “V” được dần dần nâng lên loại A càng lúc càng nhiều, khu vực vùng đai an ninh thị xã Qui Nhơn mỗi lúc một mở rộng thêm, dù rằng địch cố gắng giành giật nhưng hầu như hoàn toàn thất bại.

Cũng thời gian này, tuy rằng tình hình quân sự tương đối lắng dịu, lại chính là giai đoạn vất vả nhất đối với Trung tá Tường. Ông thường xuyên có mặt ở khắp nơi, vừa luyện quân, vừa tổ chức, phối trí lại tất cả lực lượng dưới quyền. Một trong những đơn vị mà ông đã bỏ công sức để thành lập, huấn luyện đó là Liên đội Trinh sát của Tiểu khu. Ông đi đến từng các Trung đội ĐPQ và Nghĩa quân, tìm hiểu và lựa chọn đến từng binh sỹ. Ông tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống, tâm tư và tình cảm của tất cả các chiến binh, lựa chọn các cấp chỉ huy dũng lược để bổ nhiệm vào các chức chỉ huy từ Tiểu đội trưởng trở lên.

Trung úy Khuynh được bổ nhiệm làm Liên đội trưởng Liên đội Trinh sát Tiểu khu, với quân số khoảng 2 đại đội. Sự lao tâm khổ trí của ông đã được đền bù trong trận đánh giải vây căn cứ 60 KQ/Chiến thuật của Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, trú đóng tại Phi trường Phù Cát.

Phi trường Phù Cát là một phi trường quân sự lớn, do Không lực Hoa kỳ xây dựng vào những năm 1966-1967. Căn cứ nằm giữa ranh ba quận An Nhơn – Bình Khê và Phù Cát, kéo dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, chạy dài từ núi Vân Sơn, cạnh dòng sông Côn, lên đến tận Núi Một, kế cận cầu Phù Ly thuộc quận Phù Cát. Phi trường Phù Cát rộng lớn, hơn cả phi trường Phú Hiệp (Phú Yên).

Tất cả các loại phi cơ phản lực có thể lên xuống một cách dễ dàng. Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, Đại tá không quân Nguyễn Hồng Tuyền tiếp nhận phi trường và trở thành chỉ huy trưởng căn cứ 60/KQ/CT. Từ căn cứ này xuất phát tất cả mọi loại phi vụ yểm trợ đắc lực nhu cầu chiến trường trong một vùng hoạt động rộng lớn.

Vào một buổi sáng ngày Chủ nhật, tháng 5 năm 1974, Đại tá Hoàng Đình Thọ, Tỉnh trưởng kiêm TKT/TKBĐ đi họp tại SaiGòn, Tr/Tá Tường xử lý thường vụ chức vụ tiểu khu trưởng trong lúc Đại tá Thọ vắng mặt.

Trời còn rất sớm, Thượng Sĩ Nguyễn Đình Đốc, một hạ sỹ quan đầy tài năng và kinh nghiệm (hiện Th/Sĩ Đốc đang cư ngụ tại Canoga Park, Nam California) của phòng 2/Tiểu khu trình cho Tr/tá Tường một bản điện văn của địch đã được giải mã, nội dung vỏn vẹn gồm 10 chữ “Quân Át Chủ Bài đã vào vị trí tập kết”.

Nội dung ấy nói lên rằng SĐ 3 Sao Vàng của quân khu 5 sắp khai diễn một cuộc tấn công có tầm mức rất quan trọng, tuy nhiên không rõ được mục tiêu mà chúng đã lựa chọn.

Là người chỉ huy luôn luôn nắm vững mọi tình hình lực lượng bạn, với một hệ thống tình báo riêng, ông còn biết rõ địch tình, lực lượng và những thói quen, cùng tích nết của các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ông theo dõi những chuyển dịch của lực lượng địch một cách cập nhật, với sự thận trọng và khách quan, đồng thời loại bỏ từng mục tiêu cùng khả năng chuyển quân của chúng.

Cuối cùng ông đã khẳng quyết rằng: Mục tiêu của con ” Át chủ bài này chính là căn cứ 60 Không Quân chiến thuật. Lập tức ông điện thoại cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, chỉ huy trưởng căn cứ, cũng may Đại tá Tuyền còn tại nhà (căn cứ 60), và ông cho biết là có một chuyện cực kỳ quan trọng cần thảo luận với Đại tá Tuyền và yêu cầu Đại tá Tuyền ở nhà chờ ông, mà vì tính chất quan trọng của vấn đề ông không thể nói trên điện thoại được.

 Đại tá Tuyền đã khẩn cấp đưa trực thăng đón Trung tá Tường ngay tức khắc. Để giữ bí mật, chỉ có hai người duy nhất trong cuộc họp mật này. Trung tá Tường cho Đại tá Tuyền biết chỉ trong đêm nay Cộng quân sẽ tấn công căn cứ 60/KQ CT. Lực lượng địch “Con át chủ bài” chắc chắn phải là một lực lượng cực kỳ hùng hậu.

Phòng ngự căn cứ gồm các lực lượng yểm cứ và quân nhân cơ hữu của không quân, ngoài ra từ trước, căn cứ được tăng cường tiểu đoàn 263 ĐPQ do Thiếu tá Phạm Hữu Kỳ làm Tiểu đoàn trưởng với quân số chừng 600 binh sĩ. Tuy nhiên, căn cứ quá rộng, lực lượng phòng thủ phải phân tán quá mỏng. Đường phi đạo nằm dọc theo chiều Bắc Đông Bắc và Nam Tây Nam, do đó căn cứ cũng phải trải dài theo chiều dài phi đạo.

Sườn phía đông của căn cứ là khu dân cư dầy đặc của 3 quận An Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước, địch không có khả năng che dấu và di chuyển vũ khí nặng, do đó chắc chắn mũi tiến công của cộng sản từ sườn phía Tây của căn cứ, khu vực thưa thốt dân cư, xa xa ở phía Tây là dẫy Núi Vĩnh Thạnh, trùng điệp tiếp giáp với các mật khu của địch, cánh đồng phía Bắc quận Bình Khê, từ Gò Đề trở lên là khu đất cằn cỗi, do nước lũ từ triền dẫy Vĩnh Thạnh đổ xuống, năm từng năm xoi mòn làm thành những con lươn sỏi đá khô cằn, những con lươn này, là một địa thế lý tưởng cho cuộc chuyển quân, ém kín và tiếp cận mục tiêu của địch từ dẫy núi Vĩnh Thạnh chạy sang phía Đông, tiếp giáng Phi Trường Phù Cát.

Sườn phía Tây có hai ngọn đồi cao, một ở phía Bắc Tây Bắc nằm bên trong vòng đai phòng thủ là ngọn đồi 69, do một trung đội thuộc Tiểu đoàn 263 ĐPQ trấn ngự. Một ngọn đồi khác nằm hướng chính Tây mang tên Đồi 151 nằm cách căn cứ chừng 1 km do 1 Trung đội Nghĩa Quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng.

Muốn tấn công một mục tiêu rộng lớn và quan trọng như căn cứ 60/KQ/CT Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ứớc tính lực lượng địch phải từ cấp trung đoàn trở lên, được tăng cường lực lượng phòng không, pháo binh, hỏa tiễn nhằm khống chế các phi cơ của căn cứ, không cho cất cánh, đồng thời phá hủy tất cả những kho đạn và những mục tiêu trọng yếu, mà chắc chắn chúng đã có được sơ đồ chi tiết do bọn nội tuyến cung cấp.

 Đại tá Chỉ huy trưởng căn cứ ra lệnh cắm trại 100% đồng thời mọi kế hoạch phòng thủ được âm thầm tiến hành sẵn sàng chờ địch. Đứng trước tình hình nghiêm trọng ấy, trong tay Trung tá Tường không còn bất cứ một lực lượng trừ bị nào ngoài Liên đội Trinh sát Tiểu khu của Trung úy Khuynh với quân số khoảng 250 binh sĩ. Phòng ngự không để cho địch tràn ngập căn cứ là thiết yếu, nhưng phản công tiêu diệt địch lại là một vấn đề quan trọng hơn.

Giữa lúc ấy, một đoàn xe chở một Tiểu đoàn Biệt động quân về thụ huấn tại TTHL/Lam Sơn, đang di chuyển ngang qua Tỉnh Bình Định,Trung tá Tường, sau rất nhiều khó khăn trong buổi sáng Chủ nhật ấy, mới xin phép được Thiếu tướng Phan Trọng Chinh, để được sử dụng Tiểu đoàn BĐQ này để tăng cường phòng thủ cho phi trường, tuy nhiên không được sử dụng Tiểu đoàn làm lực lượng tấn công, giải tỏa.

Biết chắc chắn là với lực lượng còn lại, không đủ khả năng tấn công trực diện địch mà phải sử dụng kỳ binh tốc chiến, tốc thắng, âm thầm đánh vào sườn địch vào giữa lúc bất ngờ nhất, Trung tá Tường đã xin lệnh Quân đoàn được phép xử dụng Chi đoàn Thiết giáp đang trú đóng tại An Khê để bảo vệ trục lộ cho các đoàn xe tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku. Tuy nhiên Trung tướng Toàn, Tư lệnh QĐ2 đã đi họp tại Sàigòn, Ch/tướng Cẩm, Tư lệnh phó không có mặt, Sĩ Quan trực TTHQ cho hay không biết Ch/tướng Cẩm ở đâu trong ngày chủ nhật hôm ấy.

Trước tình trạng cấp bách, Trung tá Tường xử dụng trực thăng do Đại tá Tuyền biệt phái, đáp xuống An Khê, gặp Trung úy Mỹ, Chi đoàn trưởng Chi đoàn Thiết giáp, giả lệnh của Quân đoàn, đặt chi đoàn dưới quyền điều động của ông, đồng thời ông cũng ra lệnh đình hoãn tạm thời các đoàn công voa tiếp tế lên Cao nguyên cho đến khi có lệnh mới. Chi đoàn thiết giáp được lệnh đổ đèo An Khê xuống Bình Khê chờ lệnh.

Ông trình bày kế hoạch tấn công, nhiệm vụ của Chi đoàn và Liên đội thám sát Tiểu khu, có trách nhiệm tấn công sườn phía Nam của địch, tuyến xuất phát từ phía Bắc bờ sông Côn khi có lệnh.

Kế hoạch của ông là, Liên đội Thám sát tùng thiết đánh thốc từ phía Nam lên với sức mạnh hỏa lực tối đa, với vận tốc tối đa, không được dừng lại để thu nhặt chiến lợi phẩm mà phải chia cắt nát mặt trận của địch. Trong khi ấy, ông sẽ dùng Tiểu đoàn BĐQ giả làm lực lượng tấn công trực diện, với tất cả hỏa lực và những vũ khí cộng đồng để thu hút địch.

Trung tá Tường đáp xuống bờ bắc sông Côn, cách Đền thờ Đức Quang Trung khoảng 50m, dẫn Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh cùng ông vào điện thờ làm lễ dâng hương, xin anh linh thần dũng của người Anh hùng năm xưa, đã chớp nhoáng đánh tan 20 vạn quân Thanh vào đầu Xuân năm Kỷ-dậu 1789, phù trợ cho các chiến binh hậu duệ của Ngài.

Sau đó ông cùng Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh lên trực thăng đi thám sát địa thế, bởi vì địa hình khu vực Bắc Bình Khê, Tây Phù Cát, An Nhơn có nhiều bất lợi cho cuộc tấn công chớp nhoáng bằng thiết giáp, do đó người chỉ huy phải nắm vững địa hình một cách chặt chẽ.

Sử dụng 1 Chi đoàn Thiết giáp với một Liên đội làm mũi nhọn, làm chủ lực tấn công một địch thủ mà quân số và hỏa lực gấp 10 lần là một điều ít ai dám làm, thậm chí không dám nghĩ tới. Thế nhưng trong chiến sử cổ kim và đông tây đã từng xảy ra với các danh tướng đã từng chiến thắng trong mỗi hoàn cảnh với những yếu tố bất ngờ, thần tốc …

Đêm chủ nhật hôm ấy, các chiến binh căn cứ Không Quân/Chiến Thuật trong tư thế sẵn sàng chờ địch. Và quả nhiên, cộng quân mở đầu cuộc tấn công bằng hàng ngàn trái đạn đủ loại.

Tiểu đoàn Trinh sát Sao vàng ồ ạt tấn công cao điểm 151 do Trung đội Nghĩa quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng. Đồi 151 bị địch tràn ngập và chiếm ngự, chúng dùng điểm cao nầy để chế ngự phi trường. Riêng ngọn đồi 69 nằm trong vòng đai phòng thủ Bắc Tây Bắc phi trường do một trung đội của Tiểu đoàn 263 tử thủ, đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch.

Trung đoàn 2 Sao Vàng, Trung đoàn được gọi là “con át chủ bài” nghĩ rằng với yếu tố bất ngờ và với hỏa lực ưu thế, chúng sẽ dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự và tràn ngập căn cứ một cách dễ dàng. Nhưng chúng không thể ngờ, các chiến sĩ của căn cứ đã chờ đợi chúng và bằng tất cả sức chiến đấu mãnh liệt, từng đợt tấn công của cộng quân đã bị đẫy lui.

Trong lúc ấy, tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn BĐQ được trang bị bằng những vũ khí hạng nặng, khai hỏa ào ạt, được ngụy trang như những chiến xa, lôi kéo hỏa lực địch, chúng nghĩ rằng những chiến xa của ta bắt đầu xung kích… Giữa lúc địch tấn công vào căn cứ, cũng là lúc Chi đoàn thiết giáp chuyển các chiến binh của Liên đội Thám sát Tiểu khu bắt đầu vượt tuyến xuất phát, âm thầm xuất kích đánh vào sườn trái của địch.

Trong bóng đêm mịt mùng, mãi mê vì bị lôi kéo, hòng ngăn chặn thiết giáp đánh ra từ căn cứ (do BĐQ ngụy trang), cả Trung đoàn 2 Sao Vàng và các đơn vị tăng cường dồn hết mọi hỏa lực về phia trước. Chúng không ngờ bên sườn trái, tử thần đang từng phút kề cận. Cho đến khi toàn bộ hỏa lực của Chi đội thiết giáp và Liên đội Trinh sát tấn công ào ào như sấm dậy, như sét đánh không kịp bưng tai, nổi kinh hoàng tràn ngập trận tuyến địch, địch không kịp quay súng, từng lớp bị đốn ngã…

Giữa đêm đen, khi đã phát hiện ra lực lượng tập kích sườn trái, từng lưới đạn vẫn ào ào đổ xuống, lớp chết , lớp bị thương, địch bỏ súng tháo chạy, lớp này cuốn theo lớp khác bị bắn hạ. Toàn thể Trung đoàn 2 Sao Vàng “anh hùng” thoắt chốc tan tác, cuống cuồng tháo thân… Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng trấn trên đồi 151 không hề hay biết, cho đến lúc một đại đội của liên đội Trinh sát tiểu khu do Tr/úy Khuynh chỉ huy, đánh thốc lên từ sau lưng bằng lựu đạn, tên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sao Vàng bị đốn ngã ngay từ phút đầu tiên, cả tiểu đoàn buông súng lao xuống sườn đồi tháo chạy, bất kể phương hướng, chúng kinh hoàng bởi sự đột kích hết sức bất ngờ, tử thần đã từ phía sau ập đến…

Xác địch ngỗn ngang trên đồi cao, cùng một số thi thể của các chiến sĩ nghĩa quân đã hy sinh lúc khởi đầu chiến trận. Cuộc tháo chạy kinh hoàng, bỏ lại đủ loại vũ khí trên đường tiến quân của ta. Ngược lại, như một sự linh thiêng mầu nhiệm, lực lượng tấn công của ta hoàn toàn vô sự.

Trung úy Khuynh gỡ chiếc “xà cột”trên vai xác tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng. Mọi ý đồ của địch được ghi chép trong tài liệu bắt được cho thấy trận đánh này chỉ là bước khởi đầu cho một trận tấn công toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định. Ý đồ của chúng bị bẻ gẫy, bị đập tan ngay từ bước khởi đầu. Cùng lúc, những tên còn sống sót của Trung đoàn 2 Sư Đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng tháo chạy.

Chi khu Phù Cát tổ chức cuộc hành quân trực thăng vận khẩn cấp với 2 Trung đội Nghĩa Quân đổ xuống mục tiêu đã được dự trù, tịch thu được 1 khẩu súng “bắn hỏa tiển” loại mới với những trái đạn khổng lồ còn lăn lóc (đây là một loại vũ khí mới nhất của Trung Cộng, súng dùng để bắn hỏa tiễn với máy nhắm hiện đại.

Máy nhắm này phía Hoa Kỳ đã xin mượn để nghiên cứu, vì đây là loại súng bắn hỏa tiễn tối tân nhất của Trung cộng, bị tịch thu ở chiến trường miền Nam, với mức độ chính xác gấp nhiều lần so với dàn phóng hỏa tiễn có từ trước). Ngoài ra còn tịch thu được:

- 1 súng cối 120 ly
- 4 đại bác 82 ly
- 1 đại bác 122 ly


Số lượng vũ khí cộng đồng, cá nhân và xác địch quân bỏ lại trên chiến địa không đếm xuể, hầu như toàn bộ lực lượng địch tham chiến bị tiêu diệt gần hết. Một điều kỳ diệu là thiệt hại của lực lượng bạn không đáng kể, ngoại trừ trung đội Nghĩa quân của chi khu Bình Khê trú đóng trên đồi 151 đã hy sinh lúc khởi đầu trận đánh.

Sau chiến thắng, Chuẩn tướng Cẩm, Tư lệnh phó Quân đoàn 2, đề nghị Tướng Toàn phạt Trung tá Nguyễn Mạnh Tường 30 ngày trọng cấm với lý do đã điều động và xử dụng chi đoàn Thiết giáp khi chưa được “ông-tướng-rong-chơi” này cho phép(!!!), trong khi 2 Trung tá Không quân thuộc căn cứ 60/KQ/CT được vinh thăng Đại tá tại mặt trận, một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ được thăng cấp rất hạn chế…

Điều bất công ấy đã khiến cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền và toàn thể Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh sĩ tham chiến kinh ngạc và phẫn nộ. Ngay cả đến Trung tướng Tư lệnh Không Quân Nguyễn văn Minh cũng tức giận.

Trung tướng Minh ra thăm căn cứ K/Q Chiến thuật, cho tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng. Tướng Minh đã ca ngợi và giới thiệu Trung tá Tường với thuộc cấp như vị “ân nhân” của binh chủng Không quân, lệnh cho binh chủng luôn ghi nhớ công sức của người đã cứu nguy và mang lại chiến thắng cho binh chủng, và sẽ luôn phải ưu tiên thỏa mãn cho Tr/tá Tường những nhu cầu công cũng như tư.

Đại tá Tuyền từ đó đã dồn mọi ưu tiên không yểm cho Trung tá Tường trong các yêu cầu tại chiến trường. Cũng vì thế, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB đã kiện về Bộ Tổng tham mưu về sự ưu tiên nầy. Bộ Tổng tham mưu đã phái một Đại tá ra điều tra sự kiện thưa gởi ấy.

Đại tá Tuyền đã trả lời một cách minh bạch:
- “Điều ấy dễ hiểu, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã giúp chúng tôi một cách tận lực trong lúc nguy nan, cấp cứu và giải thoát cho những phi đoàn của chúng tôi lúc bị bắn hạ một cách mau chóng. Trong khi ấy, Sư đoàn đã không làm gì trước những yêu cầu như thế. Do đó, chúng tôi phải tận lực yểm trợ cho Trung tá Tường là điều đương nhiên!”

Người chỉ huy và mang lại chiến thắng trong trận Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, bị đối xử như thế, đã khiến Trung tướng Minh bất bình và không thể im lặng, do đó, trong một cuộc họp các tướng lãnh tại Sài gòn, có mặt Đại tướng Trần thiện Khiêm, đương kim Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Minh đã nêu lên thắc mắc này.

Đại tướmg Khiêm đã hỏi Đại tướng Cao văn Viên về sự kiện ấy, ông Viên trình bày là “đã hết cấp số!”. Đại tướng Khiêm lệnh mang hồ sơ của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường cho ông đích thân cứu xét, và ngay tức khắc Thủ tướng Đại tướng Trần Thiện Khiêm đã ký nghị định thăng cấp Đại tá thực thụ cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ngay sau cuộc họp. Đó là vào khoảng tháng 8/1974.

Sau khi được thăng Đại tá, một tưởng thưởng muộn màng, Đại tá Tường được thuyên chuyển về làm Phụ tá Hành quân cho tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5BB. Kể từ ngày ấy, tôi không gặp lại Đại tá Tường, mãi cho đến cuối năm 1977 mới gặp lại ông tại Hoàng Liên Sơn trong một lần đi vác nứa.

Tôi đã đứng nghiêm kính cẩn chào ông bằng lễ nghi quân cách với những dòng nước mắt nghẹn ngào. Ông vẫn bình thản như ngày xưa, vẫn đôi mắt và nụ cười thuở trước. Dường như sự đày đọa trong tù ngục không ảnh hưởng gì đến ông. Người chiến binh già ấy đã từng làm cho tôi kính trọng thuở nào, càng làm cho tôi kính yêu hơn nữa trong cung cách thản nhiên chịu đựng sự nhục mạ, sự đọa đày hèn hạ trong chốn lao tù.

Bẳng đi bảy năm sau đó, 1984, tôi được gặp lại ông tại Z30A Xuân Lộc, ông sống âm thầm trong cuộc sống đày ải như một bậc chân tu. Ông dạy tôi về Thiền, về khí công, về cách điều tức “sâu-dài-êm-đềm-chậm”. Thì ra chính Thiền công đã khiến ông vượt qua được tất cả, kể cả mọi bệnh tật cũng không xâm nhập được vào cơ thể người chiến binh năm xưa.

Thỉnh thoảng ông mới được thăm nuôi, cuộc sống cực kỳ đạm bạc, thế mà ông vẫn chia xẻ những món quà khiêm tốn, ít ỏi cho những anh em đồng tù bất hạnh, không kể thân sơ, chỉ giữ lại cho mình những hủ tương mặn chát. Trong tù, tôi được nghe nhiều người nhắc đến ông trong thời gian ông về làm Phụ tá hành quân Sư đoàn 5, kể lại cuộc rút quân thần kỳ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, cùng những đức tính cao quý, không chỉ những sỹ quan thuộc Sư đoàn 5 mà còn rất nhiều người đã sống bên ông trong quãng đời tù đày.

Mãi đến năm 1992, tôi mới gặp lại ông tại Sài gòn. Ông sống một mình trong một con hẻm đường Công Lý. Ngày từng ngày, ông đi chữa bệnh cho những ai cần đến ông. Ông không nhận bất cứ thù lao nào từ những bệnh nhân được ông chữa khỏi. Những lúc rảnh rỗi, ông lên gác chuông chùa Vĩnh nghiêm đọc kinh Phật.

Năm 1993, tôi bị CSVN bắt lại với án tù 12 năm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, may mắn được Quốc tế can thiệp và được ra khỏi tù cuối năm 1998.
Đầu năm 1999, tôi sang Mỹ theo diện H.O được chiếu cố vì quá muộn màng. Và vui mừng xiết bao vì lại được gặp lại ông.

 Nhân lời yêu cầu của nhóm nhà văn quân đội chủ trương thực hiện tập “Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử”, tôi xin phép ông cho phép tôi được viết lại một cách khiêm tốn quãng thời gian ông đã tham dự và chỉ huy các trận đánh ở chiến trường gian khổ Bình Định, cùng những chiến thắng lẫy lừng của các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa Quân âm thầm mà ông chính là người đã, với tài trí và đức độ của mình, đưa đến những chiến thắng thần kỳ trong sự hạn chế và gìn giữ tối đa sinh mạng và tài sản của dân lành vô tội.

Ông đã từ chối rất nhiều lần với ý muốn thành khẩn của tôi, khi tôi muốn đưa một tài năng chỉ huy của quân lực vào Quân sử, với lý do là ông đã quên hết trong thế giới của Thiền đạo. Và cũng bởi vì, với kết cuộc thảm khốc của sinh mạng QLVNCH trong tháng Tư đen tối 1975, thì mọi chiến công đã trở thành tận cùng đau đớn, có nhắc lại chỉ thêm đắng cay, mà mỗi người trong chúng ta chỉ nên âm thầm trong sám hối bỡi những hành vi đã có, đóng góp một phần trong cuộc bại trận này. Theo ông, có 3 đại họa trong thiên hạ là:

1/ Công ít mà bỗng lộc nhiều
2/ Tài mọn mà địa vị cao
3/ Chí nhỏ mà mưu việc lớn.


Tôi hoàn toàn thẩm thấu được nổi đau lòng ấy, nhưng tôi thưa với ông là “VNCH của chúng ta bị bức tử vì nhiều mặt. Tuy nhiên, các chiến-sỹ QLVNCH đã chiến đấu vô cùng anh dũng, biết bao người đã nằm xuống, đã đổ máu xương cho một Việt Nam Tự do, và giờ nầy các chiến binh vô danh cả triệu người đang sống trong tối tăm, trong đọa đày tủi nhục, trong đau đớn ê chề…

Vậy thì hãy cất tiếng nói, HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ CHO CÁC CHIẾN BINH ÂM THẦM kia, trả lại cho lịch sử mai hậu về một VNCH và một QLVNCH đã có những đứa con xứng đáng trong bất khuất, anh dũng trong hy sinh, vinh hiển trong máu xương oan khuất. Việc nhắc đến, vinh danh những chiến binh đã chiến đấu, đã nằm xuống như dòng nước mát, như nén hương thơm cho Quê Hương Việt Nam thống khổ. Và sau cùng, vì những điều tôi vừa trình bày. Cuối cùng, ông đã đồng ý cho tôi viết những dòng trả lại vinh quang cho những người lính miền Nam.



No comments:

Post a Comment