Monday, March 16, 2015

Trung Tướng Đồng Văn Khuyên

Trung Tướng Đồng Văn Khuyên

Giao Chỉ, San Jose

Người nuôi quân

Chiến tranh Việt Nam thực sự khốc liệt nhất trong 10 năm cuối cùng từ 1965 đến 1975. Trong suốt thời gian khói lửa trên toàn thể miềnNam, mọi quyết định hành quân quan trọng nằm trong tay các tư lệnh quân đoàn kiêm tư lệnh Vùng theo chỉ thị trực tiếp từ tổng thống.

Chức vụ tổng tham mưu trưởng bộ TTM và tổng trưởng quốc phòng đã bị lu mờ vì những lý do chính trị. Tuy nhiên bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu vẫn nỗ lực làm tròn bổn phận về quản trị hành chánh, tài chánh, huấn luyện, tiếp vận, chiến tranh chính trị và nhân lực. Không có các chức quyền khả năng điều hợp tại hậu phương, tiền tuyến không thể đứng vững.

Suốt 10 năm chinh chiến,  đã có trên 10 vị trung tướng tư lệnh quân đoàn thay nhau chỉ huy các Vùng chiến thuật. Các vị tư lệnh nổi danh một thời, tên tuổi lừng lẫy trên các chiến trường và trên những trang báo Sài Gòn. Nhưng rất ít người biết đến một vị trung tướng, trong suốt 10 năm đóng vài trò hết sức quan trọng trong công tác nuôi đạo quân một triệu lính. Đó là trung tướng Đồng Văn Khuyên.

Ông là người giới quân sự Mỹ tin tưởng nhất, tôn trọng nhất và Ngũ giác đài Hoa Kỳ đã có lúc gián tiếp cho rằng không ai thay thế được. Khi thảo luận về các chức vụ tại tổng tham mưu, trung tướng Trần Văn Đôn, vị bộ trưởng quốc phòng cuối cùng cũng nói rằng việc này phải giao cho ông.

Vào những ngày cuối, đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng ra đi đã để lại giấy ủy nhiệm chức vụ cho ông. Tướng Nguyễn Cao Kỳ, sáng 29 tháng tư, sau khi bay một vòng trên không phận Sài Gòn, đáp xuống bộ tổng tham mưu ghé vào hỏi thăm, vị trung tướng còn ngồi lại cho biết tình hình tuyệt vọng. Ông Kỳ bỏ ý định bay xuống miền Tây. Trực thăng của ông bay thẳng ra biển Đông.

Vị trung tướng cuối cùng của VNCH mà người Mỹ đợi chờ dục dã hãy mau ra đi nhưng vẫn còn ngồi lại mà trong lòng như lửa đốt. Ông lên xe chạy qua văn phòng tùy viên Mỹ trong Tân sơn Nhất. Rồi ông lại trở về. Hai giờ chiều 29 ông đi một vòng bộ tổng tham mưu rồi lại qua bên Tân sơn nhất. Ông ở đó để được Hoa Kỳ bốc đi vào buổi tối. Đó là trung tướng Đồng Văn Khuyên, vị Nội Tướng của QLVNCH. Người trách nhiệm nuôi một triệu lính trong 10 năm cuối của miền Nam. Và bài này tôi viết cho ông.

Gia đình tiếp vận

Trong gia đình, để ca ngợi người vợ hiền quán xuyến, thiên hạ gọi bà là nội tướng. Khi đề cập đến vị trung tướng tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, nếu gọi ông là nội tướng ắt có sự hiểu lầm, sẽ chê bai đây là chức vụ tầm thường trong bếp.

Không. Ủy Ban Path Finder của chúng tôi gồm các sĩ quan Mỹ Việt chuyên về biên khảo và phân tích đã có 1 thời đồng ý rằng các trung tướng tư lệnh vùng trước sau cả chục ông nhưng con người chỉ huy toàn bộ guồng máy tiếp vận suốt 10 năm chinh chiến chỉ có một trung tướng duy nhất là Đồng Văn Khuyên sinh năm 1925 tại Gò Công.

Đại tá Thịnh từ Was. DC mới điện thoại cho tôi nói là ông xếp 86 tuổi của chúng tôi đã nhập viện. Tinh thần không còn minh mẫn, thể chất đã quá yếu. Chẳng biết ra đi lúc nào. Thuộc cấp gần với ông Khuyên còn lại cũng chả được mấy người. Anh thì 3 chân 4 cẳng, anh thì xe lăn. Anh thì lặn kỹ khắp bốn phương trời. Nào biết chăng còn bao nhiêu hơi sức để về thắp nén hương cho người chỉ huy gốc nông dân miền Hậu Giang.

Tôi với ông sinh ra ở 2 miền đất nước. Người ta là công tử xứ Thăng Long ngàn năm văn vật, quê tôi ở chỗ Nam Định quê mùa. Các bác là anh chị từ Bạc Liêu qua Cần Thơ lên đến Saigon. Ông Khuyên là dân Gò Công tỉnh lẻ nằm ngoài lề con đường cái quan.

Mười năm đầu của trường đời trong quân ngũ, tôi còn lang thang đây đó. Mười năm sau của cuộc binh đao, tôi có duyên gặp ông, làm việc với ông, hiểu rõ cuộc đời, cá tính và hoàn cảnh của ông xếp. Bài viết cho ông mà giãi bầy cả cuộc đời mình, xin phân trần 1 lần cho cả toàn quân dù nay đã rã ngũ.. Trong suốt 21 năm ở lính, chúng tôi trải qua nhiều giai đoạn, biết  được bao nhiêu là các cấp chỉ huy. 

Bắt đầu là đại tá sau lên trung tướng Dương Văn Đức. Từ lúc ông hét ra lửa ở Sóc Trăng cho đến lúc thành người điên đứng đái ở đường phố Saigon. Có thời kỳ là xếp đại tá Y, thân phụ của cô ca sĩ đấu tranh Nguyệt Ánh. Ở miền Tây trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu thì gặp ông Dương Văn Minh. Đã từng rủ đại tá tư lệnh Nguyễn Hữu Có đi ciné xem phim Cầu Sông Kwai. Cùng đi chơi bời với tướng Nguyễn Văn Toàn ở ngã ba Vườn Chuối. Chuyện sai chuyện đúng, chuyện lớn chuyện nhỏ biết được khá nhiều.

Mới đây được anh Chu Xuân Viên nhắc lại khi viết báo Chính Luận cho Từ Chung tôi đã được Thế Uyên rủ rê đi họp nhóm Thái Độ tưởng dùng văn hóa mà nổi dậy làm cách mạng. Khi họp về bị an ninh quân đội bắt làm báo cáo. Tôi cóc báo cáo nhưng cũng thôi đi họp. Những bài báo trên Chính Luận chê trách các niên trưởng lại bị an ninh quân đội yêu cầu muốn tiếp tục viết báo phải làm đơn xin bộ Quốc Phòng. Chả dại gì mà xin, bèn thôi. Tất cả hồ sơ đến tay ông Khuyên đều được phê Xếp.

Những ân tình thông cảm như thế, làm sao quên được!
Khi ngành tiếp vận tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, xếp Khuyên cầm tay hồ sơ dành cho riêng mình tôi lên cấp đại tá đặc cách. Tướng Vỹ bộ trưởng quốc phòng thấy chưa có bằng chỉ huy tham mưu cao cấp bèn từ chối. Ông Khuyên yêu cầu tướng Vỹ cho nợ. Đeo lon rồi đi học sau.

Khi mất nước ông Khuyên được trực thăng Mỹ chở ra biển Đông đêm 29 tháng 4-75. Vài hôm sau tàu quân vận của chúng tôi được Mỹ vớt lên thương thuyền. Đại tá Giao Chỉ nhà ta áo trận lon vàng còn cả tùy viên và chiến hữu đứng nghênh ngang không giống ai, bèn bị Marine Mỹ tước súng vất xuống biển. Ngó đi ngó lại thấy đủ 20 ông tướng di tản kể cả ông Kỳ, ông Trưởng và ông Khuyên. Các vị niên trưởng đã thay quần áo dân sự ngồi yên lặng mỗi người một góc, mặt dài như chiều đông. Ông Khuyên gọi tôi ngồi xuống, lấy kéo cắt chỉ gỡ cặp lon đại tá mà ông gắn cho tôi mấy năm trước tại bộ Tổng Tham Mưu. Ân tình của cậu bé Nam Định đối với ông nhà quê Gò Công biết đời nào tôi quên!

Người yêu nước ở miền Nam

Thời kỳ hơp tác với Mỹ chỉ huy Ủy ban Pathfinder tôi có dịp xem bản sao hồ sơ các tướng lãnh miềnNam do Mỹ lưu trữ. Ông nào ông ấy đều có chuyện nhỏ to. Hồ sơ ông Khuyên sạch boong với những ghi chú hết sức đặc biệt. 

"Cốt cách nông dân, hết sức thanh liêm, cá nhân và gia đình không có nhu cầu. Nhà trong cư xá, không có nhà riêng, không có xe riêng. Thậm chí không có chương mục ngân hàng. Không lấy lính làm gia nhân. Lợi tức bổ túc: nuôi gà.
Ghi chú: Trung tướng không biết lái xe, không biết khiêu vũ, không uống rượu, không hút thuốc, không có bạn gái. Không liên hệ với cộng sản như tin đồn. Không có bạn bè thân thiết ăn nhậu...                
Khuyết điểm: Quá say mê làm việc. Hay nổi nóng bất ngờ. Đôi khi quá tình cảm bao che cho thuộc cấp. Khi thảo luận về nhu cầu quân viện hay đòi hỏi vô lý. Nhân vật chính trong vụ chuẩn bị quỹ tiết kiệm nuôi quân tự túc ngoài chương trình viện trợ. Tuy nhiên, sau cùng đây là người yêu nước miền Nam, không có tinh thần kỳ thị".

Bản ghi chú về ông Khuyên đề ngày 13 Nov. 1972 với chữ ký của tướng Jos M. Heiser, Jr. xếp về logistics tại Ngũ giác đài. Bàn văn này ông đại tá Sheriff cố vấn đối nhiệm của tôi tại Pattfinder II cho xem trước khi về nước.

Nhà quản trị thanh liêm                                                           
Từ ngày ra trường, ngoài thời gian ông làm phụ tá cho tướng Thanh chỉ huy địa phương quân miền Tây, từ đó về sau tướng Khuyên chuyên về quản trị và tiếp vận. 

Ông là 1 sĩ quan vô địch về chuyên cần, ông say mê làm việc, có óc sáng tạo, có khả năng điều hành quân sự và hết lòng lo cho quân đội. Người thanh niên đất Gò Công với tấm lòng yêu nước bao la và tuyệt đối không màng đến quyền lợi riêng tư. Cấp bậc và chức vụ đuổi theo ông chứ ông không chạy theo chức vụ và cấp bậc. 

Suốt cuộc đời ngày đêm toàn chuyện quân đội, chuyện ngoài đời ông là tay khờ khạo. Không có bạn bè thân thiết trong tình đồng khóa, trong hàng tướng lãnh hay thuộc cấp. Tất cả đều là công việc và do đó khi thiên hạ đồn ông là cộng sản nằm vùng, lặn sâu trong hàng ngũ quân đội cũng dễ dàng cho đám nhẹ dạ tin theo.

Điều quan trọng là từ khi lên cấp tướng làm tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận, ông được sự tin tưởng tuyệt đối của phái bộ viện trợ Hoa Kỳ. Báo chí Mỹ đôi khi có thể ca tụng các sĩ quan Việt Nam xuất sắc tại tiền tuyến nhưng báo cáo mật của Mỹ luôn luôn ghi lại những phê phán xuất sắc về tướng Đồng Văn Khuyên. Có thể nói thật sự ngay như ông Thiệu, ông Viên muốn thay thế ông Khuyên cũng không có người nào được Mỹ chấp thuận. Lòng yêu nước, sự tận tụy với công vụ và sự trong sạch vô địch của ông Khuyên đã giữ ông ở chức vụ có thể nói là không thể thay thế.

Thiếu tá Quý viết bài báo về ông xếp, ghi lại là vừa đi làm về thấy vợ báo cáo là chuồng gà bị hư, xếp cởi áo 3 sao vắt trên ghế, quần xà lỏn với áo thung rách, xếp lấy kìm búa sửa chuồng gà. Anh tài xế trố mắt đứng nhìn không tin là ông tướng thực. Không những thế gia đình ông lại sạch sẽ cả vợ lẫn chồng. Bà Khuyên từ lúc lấy chồng cho đến khi chồng lên trung tướng, dường như vẫn mãi mãi là người vợ lính chân quê.

Tướng Khuyên tác người nhỏ bé nhưng học hành xuất sắc. Khóa 1 Thủ Đức ra trường đậu thứ nhì. Phải mà ông to con, cao hơn một tấc chắc phải lãnh chức Thủ khoa. Toàn quân suốt 4 vùng chiến thuật, nếu không ở gần không ai hiểu rõ tướng Đồng Văn Khuyên. Tin tức đồn thổi láo lếu đã quả quyết ông Khuyên là cộng sản nằm vùng bà con với tướng cộng sản Đồng văn Cống. 

Sự thực hoàn toàn không hề liên hệ. Đã 40 năm qua, đêm nay tôi ngồi nhớ lại hành trình trên con tàu buôn chạy từ biển Đông mà đến đảo Guam. Mấy chục ông tướng hải lục không quân bây giờ sao chẳng còn ai. Bên không quân còn nhớ có ông Kỳ, ông Trần Văn Minh, ông Phan phụng Tiên. Bên Hải quân thấy có ông Hoàng cơ Minh. Các tư lệnh vùng có tướng Toàn, tướng Trưởng và còn rất nhiều niên trưởng tao ngộ trên cùng chuyến tầu. Ngày nay chẳng còn được mấy người. 

Phân trần cũng chẳng còn ai lắng nghe. Khi anh em ngồi trên tàu quân vận trên sông Saigon, thấy lửa cháy bên kho đạn Thành tuy Hạ. Tàu của bộ binh chúng tôi trôi trên sông Saigon theo tàu hải quân ra đi lần cuối.. Chúng tôi nghe tướng Vĩnh Lộc nói rằng sao đã chạy như chuột. Nhưng rồi ông cũng vội xuống tàu đi sau tàu của anh em. 21 năm binh nghiệp của chúng tôi trôi như lục bình. Nhưng mà còn đỡ. Hùng xùi anh em khóa Tư kẹt lại sau này đã nói rằng. Chúng mày chạy được là may. Bọn tao ở lại nhục lắm.

Họp mặt trại Trần Hưng Đạo.

Năm 2005 tôi tổ chức họp mặt trại Trần Hưng Đạo trên thủ đô Hoa Kỳ. Niên trưởng Cao văn Viên đau yếu không đến được. Xếp Khuyên đi chào bàn các chiến hữu gặp Vũ thế Quang, Nguyễn hữu Luyện, anh em cùng khóa của tôi. Các bạn ở tù hơi lâu. Luyện nhẩy Bắc năm 66 bị tù 21 năm trong đó có hơn 1 nửa thời gian cùm biệt giam.

Ông Khuyên nước mắt long lanh nói lời gan ruột. Ông nói: Kể ra mình chạy được cũng là hèn.
Đây là lần thứ ba tôi trông thấy ông khóc. Lần thứ nhất họp tại tổng tham mưu nói về Phước Long thất thủ. Lần thứ hai là ông cùng tướng Mỹ chạy lên Hóc Môn xem cảnh máy bay C5 chở cô nhi bị rớt. Và 30 năm sau họp mặt trại Trần Hưng Đạo năm 2005.

Thời kỳ mới qua Mỹ, vợ ông tướng bán chiếc nhẫn cưới trong trại để lấy tiền gọi điện thoại cho chồng còn ở đảo Guam. Qua Hoa Kỳ, tướng Mỹ bảo trợ cho tướng Việt Nam. Ông lớn nhà binh Mỹ ấm ớ hội tề không biết tiền xã hội Cali sẵn sàng giúp cho tỵ nạn học nghề làm lại cuộc đời.  Ông giới thiệu cho xếp tôi đi làm xếp bồi cho nhà hàng. Bà Khuyên được chồng nuôi cho đi học lại. Cả 2 vợ chồng đều không biết lái xe.

Hoàn cảnh ở Việt Nam như thế, hoàn cảnh ở Mỹ như thế. Vậy mà có thằng khốn nạn viết sách, viết báo nói ông Khuyên bán xăng bạc triệu để thành siêu tham nhũng. Nó nói là ông bán xăng ngay trên biển Đông. Bán xăng Mỹ theo kiểu quốc tế. Tàu dầu Hoa Kỳ thay vì đến kho xăng Nhà Bè thì ghé bán cho Singapore để ông Khuyên đưa tiền vào nhà băng Thụy Sĩ.

Tên khốn nạn lại còn viết rằng không quân VN chế ra loại bom xăng thả trực tiếp từng thùng 200 lít xuống mặt trận.  Các đơn vị cộng sản chết cháy cả trung đoàn. Nếu có đủ xăng mà đánh như thế thì phe ta không thua trận 75. Vì xếp Khuyên và cả thằng Lộc bán xăng bên Tân gia Ba nên quân ta không có xăng mà đánh hỏa công. Chúng nó nói thế mà cũng có người tin thì còn trời đất gì nữa!!!

Thưa niên trưởng,
Ngày nay tuy không ở gần nhưng tôi vẫn hiểu ông trước sau như một. Những ngày cuối ông để mọi việc ngoài tai. Ông tìm đường đi vào đạo Phật. Người ông nhẹ tênh. Tôi lên thăm ông xếp. Ông nhìn tôi cười thật tươi.

Tôi mời ông ra vườn sau có ánh nắng để chụp bức hình kỷ niệm. Tôi đưa ông cầm bức tượng Tiếc Thương như để thầy trò nhớ lại ngày xưa khi buồn phiền mình lên thăm nghĩa trang quân đội. Toàn quân các binh chủng đều bình đẳng về đất nằm dài dưới ánh mặt trời chói chang cờ vàng. Sao kỳ này chuẩn úy chết quá nhiều. Cũng như mình ngày xưa. Mới ra trường sợ lính cười nên anh sĩ quan trẻ hiên ngang xông ra đằng trước.

Ông xếp là nội trợ của toàn quân. Lính sống, lính chết đều là con cái của mẹ già. Thiên hạ nói là tại sao phe ta không chuẩn bị để tự chiến đấu nếu bị Mỹ bỏ rơi. Thưa quý ngài, chúng tôi cũng có tính đến bài chiến đấu một mình.

Ông Khuyên đã từng tích cực tham dự vào chương trình quỹ tiết kiệm quân đội. Trích lương lính mỗi tháng 100 để xây dựng công binh xưởng. Than ôi, mộng lớn chưa biết có thành không mà Mỹ cùng ba Tàu Chợ Lớn đã xúm lại đánh xập dự án tự túc tự cường. Ông Thiệu, ông Khiêm còn không đỡ nổi.

Bây giờ 40 năm sau, nhân danh tổng thư ký của buổi họp bài trừ tham nhũng tại bộ tổng tham mưu ngày xưa, tôi xin thưa rằng vị chủ tọa hôm đó là trung tướng Đồng Văn Khuyên. Ông  là người sạch nhất trong hàng tướng lãnh. Có anh trung úy tốt nghiệp chiến tranh chính trị đứng lên hỏi rằng có thể trung tướng tham nhũng nhưng giỏi quá, khéo dấu thì sao.

Ông xếp tôi ngồi thừ người rồi nghẹn ngào nói rằng:
- Tôi mà bê bối thì xin ra lăng ông bà Chiểu bẻ cổ gà mà thề.  "Qua mà ăn thì xe mười bánh ăn qua đi."
Ôi ! xếp Khuyên, nghe ông nông dân Gò Công nói như thế, anh em thương ông biết là bao! Bây giờ, viết lại chuyện cũ, còn ai đọc mà hiểu được những tình tiết này. Người biết không nói. Người nói không biết. Biết hay không biết, tất cả đều qua đi.

Ngày mai khi ông ra đi, phải chi tôi còn tìm được can xăng quân đội mà bán để lấy tiền mua vé máy bay lên Was. DC tiễn đưa ông lần cuối... thì phải lẽ biết chừng nào!

Thưa niên trưởng, kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo...

No comments:

Post a Comment