Wednesday, October 31, 2012

Những điều cần biết về Obamacare


Những điều cần biết về Obamacare

October 29, 2012  

Tiến Sỉ Ðinh Xuân Quân và trích từ Charlie Nguyen 's email

Trong bốn cuộc tranh luận trên TV của các ứng cử viên tổng thống, có một điểm quan trọng là chính sách y tế và an sinh xã hội. Phe Dân Chủ (DC) ủng hộ luật Affordable Care Act còn gọi là Obamacare trong khi phe Cộng Hòa (CH) muốn bỏ đạo luật này.

Về y tế có một số chuyện phi lý tại Mỹ:  Một loại thuốc thông thường ở Canada bán tự do với giá lối 3 đôla trong khi tại Mỹ loại thuốc này được bán với giá 20 Mỹ kim vì Hoa Kỳ cấm nhập thuốc trị bệnh từ nước ngoài, trừ những gì Hoa Kỳ không sản xuất. Muốn mua vài viên trụ sinh cho một cái mụt nhọt thì bệnh nhân phải đi khám bệnh với một bác sĩ, rồi mới có toa thuốc để ra Pharmacy mua. Rốt cuộc tổn phí trên $100 cho mấy viên trụ sinh giá 10 đôla.

Trong mấy bài viết cho cử tri Mỹ gốc Việt (1) phản ứng của độc giả cho thấy cần nói thêm về Obamacare vì còn nhiều sự hiểu lầm. Trong bài trên Người Việt (2) tác giả đã phân tích sơ qua các chính sách và nay muốn cắt nghĩa thêm chính sách y tế để cử tri gốc Việt dễ chọn/bầu.

Sau nhiều thập niên nỗ lực của nhiều đời tổng thống, hơn 14 tháng tranh luận căng thẳng và vô số đề nghị sửa đổi tại Quốc Hội và trên các diễn đàn công cộng khác, cuối cùng ngày 21 tháng 3, 2010 một đạo luật hai phần ra đời. Ðạo luật là The Patient Protection and Affordable Care Act (PPACA gọi là ACA hay Obamacare) được ký ngày 23 tháng 3, 2010 và đạo luật bổ sung khác The Health Care and Education Reconciliation Act (HERA) được ký vào ngày 30 tháng 3, 2010. Bộ luật dài hơn 2,040 trang, rất phức tạp và sẽ ảnh hưởng cho toàn nước Mỹ trong những thập niên tới (3). Ðạo luật này chỉ mới là một khởi đầu cho quy trình y tế nhân bản hơn mà thôi.

Trong quy trình lập luật phe chống nêu lên bản chất quan liêu của hệ thống nhà nước, sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng, sẽ đẩy các hãng bảo hiểm tư nhân đến chỗ phá sản, làm sụp đổ ngành kỹ nghệ bảo hiểm y tế hay chính phủ liên bang trở nên quá mạnh, dễ dàng quá lạm, xâm phạm vào tự do cá nhân của công dân. Sự chống đối tại Quốc Hội được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhóm đặc lợi (special interest groups) thông qua các cuộc vận động hành lang (lobbying) tích cực đối với các nghị sĩ kể cả phong trào Tea Party.

Tháng 7 năm 2012 vừa qua, 26 tiểu bang thân Cộng Hòa đã nộp đơn kiện luật cải tổ y tế với lập luận rằng các cá nhân không thể bị buộc phải mua bảo hiểm lên Tối Cao Pháp Viện. Cuối cùng Tối Cao Pháp Viện công nhận ACA không vi phạm “tự do cá nhân” và chính phủ có thể bắt buộc mọi công dân mua bảo hiểm.

Ðề tài khó và luật rất dài, hơn nữa luật chưa được áp dụng toàn diện cho nên bài này chỉ cố gắng phân tích luật này một cách tổng quát hầu giúp cử tri Mỹ gốc Việt dùng lá phiếu của mình chính xác hơn.

1. Những điểm chính trong luật y tế (ACA):

- Một quỹ tạm thời sẽ được thiết lập (tài trợ việc mua bảo hiểm cho những người thuộc nhóm có rủi ro cao nhất đang mang bệnh hay đang thất nghiệp).

- Ðối với người già, đạo luật sẽ xóa dần dần “lỗ hổng đô-nớt - donough hole” của Medicare Phần D. Theo luật mới thì năm 2010 những người già “rơi” vào phải lỗ hổng Medicare nói trên được trơ giúp $250, năm 2011 sẽ được trợ cấp 50% chi phí về thuốc khi “rơi” vào trong lỗ hổng đô-nớt. Sau đó hàng năm chính phủ liên bang sẽ tăng dần mức tài trợ cho tới khi lỗ hổng không còn vào 2020.

- Con cái sẽ được hưởng theo bảo hiểm của bố mẹ cho đến năm 26 tuổi (thay vì 24 tuổi như hiện nay).

- 6 tháng sau ngày luật ban hành, các hãng bảo hiểm không được từ chối bảo hiểm cho những trẻ em đã mang trọng bệnh (pre-existing conditions). Ðến năm 2014 trở đi điều khoản này sẽ áp dụng cho cả người lớn.

- Mọi người: Công dân và cư dân hợp pháp phải mua bảo hiểm y tế ở mức thiết yếu tối thiểu (minimal essential coverage) cho bản thân và con cái. Họ có thể mua qua nơi làm việc hoặc, ở các thị trường mới do chính phủ lập ra gọi là Trung Tâm Trao Ðổi (Health Benefit Exchanges). Những người gặp khó khăn tài chánh, và không có Medicaid hoặc Medicare, sẽ được trợ giúp (subsidy) để mua bảo hiểm. (Những cá nhân hoặc gia đình có lợi tức đồng niên dưới $44,000/người sẽ được chính phủ tài trợ để họ không bao giờ phải trả đến 10% lợi tức của mình cho việc có một bảo hiểm y tế đúng tiêu chuẩn. Nguyên tắc căn bản là lợi tức càng thấp, càng được tài trợ nhiều.)

- Từ 2014 ai không mua bảo hiểm y tế sẽ bị phạt $695/người và tối đa là $2,805/gia đình, hoặc 2.5% lợi tức của gia đình. (Ðược hưởng ngoại lệ cho chế tài trên đây là những người bị ràng buộc vì tôn giáo, những thổ dân da đỏ, di dân bất hợp pháp và tù nhân.)

- Medicaid (Medical ở California) sẽ được mở rộng để bao gồm những gia đình có mức lợi tức đến 133% mức nghèo khó của liên bang (FPL), nghĩa là có thu nhập $29,327 cho một gia đình 4 người. Ðến năm 2014 thì chương trình Medicaid bao gồm luôn cả những người lớn không con nhỏ và có lợi tức thấp như vừa nói. Từ năm 2016 trở đi, liên bang sẽ trả 100% chi phí bảo hiểm cho những người hưởng Medicaid.

- Cải thiện phẩm chất nền y tế ưu tiên cho các dịch vụ primary care services - phòng ngừa. Hội đồng - National Prevention, Health Promotion and Public Health Council sẽ được thành lập để phối hợp các hoạt động y tế nhằm phòng chống bệnh và tăng cường sức khỏe công cộng.

- Ðến 2016, khi những điều khoản chính của luật được thực thi hoàn toàn thì bảo hiểm ước lượng sẽ mở rộng cho thêm 32 triệu người hiện nay chưa có bảo hiểm.

- Chi phí cho đạo luật này có thể lên đến 940 tỉ Mỹ kim trong vòng 10 năm. Ðể có tiền trang trải cho chi phí này, liên bang sẽ tăng thuế. Một trong những loại thuế sẽ gia tăng Medicare Payroll Tax. Lâu nay thuế này chỉ tính trên đồng lương, nhưng từ năm 2012 khoản thuế này sẽ áp dụng cho cả những lợi tức nhận được do các hoạt động đầu tư (investment income) của những cá nhân có thu nhập trên 200,000$ hoặc gia đình có trên 250,000$/năm, với thuế suất là 3.8%.

- Từ 2018, các công ty bảo hiểm phải trả 40% thuế excise tax cho các chương trình bảo hiểm đắt tiền đặc biệt - gọi là bảo hiểm Cadillac - có trị giá niên phí $27,500 cho gia đình và $10,200 cho một cá nhân (không kể phần răng và mắt).

 Những gia đình có lợi tức từ $250,000 trở lên sẽ bị tăng 0.9% thuế Medicare Parroll Taxes.

- Ðối với người già trên 65 tuổi đang hưởng Medicare. Chính phủ liên bang sẽ cắt giảm 132 tỉ Mỹ kim trong thời hạn 10 năm đối với chương trình Medicare Advantage - một chương trình do các hãng bảo hiểm tư điều hành - được những người già có thu nhập cao, chừng 10 triệu người, tham gia.

- Mức liệt kê để giảm thuế (itemized deduction) cho những chi tiêu y tế không được bồi hoàn (unreimbursed medical expenses) sẽ được nâng từ 7.5% lên 10% của tổng lợi tức điều chỉnh (adjusted gross income, AGI) hàng năm.

- Thu niên phí trên các công ty dược phẩm khởi đầu từ năm 2012 với mức 2.8 tỉ đôla/năm. Riêng với các công ty bảo hiểm y tế thì bắt đầu từ năm 2014 sẽ thu 8 tỉ Mỹ kim/năm và sẽ tăng dần vào các năm sau dựa trên mức độ gia tăng bảo phí (premium) mà các công ty này áp dụng đối với người mua bảo hiểm.

- Ngoại lệ sẽ được áp dụng cho các công ty hay tổ chức bảo hiểm bất vụ lợi (non-profit insurers) hoạt động nhằm phục vụ giới có lợi tức thấp trong xã hội.

Ảnh hưởng lên các công ty bảo hiểm y tế tư nhân

- Các hãng bảo hiểm không được quyền từ chối bảo hiểm cho một người vì đã có bệnh sẵn (pre-existing conditions).

- Phải chi trả cho các khám nghiệm tổng quát định kỳ hằng năm và các dịch vụ phòng bệnh khác mà không đòi hỏi người được bảo hiểm trả tiền phụ góp (co-payments).

- Không được đột ngột chấm dứt bảo hiểm khi người mua bảo hiểm phát bệnh (recissions).

- Phải công khai tài chánh về các chi trả cho dịch vụ y tế đối với người được bảo hiểm, đồng thời phải thực hiện những quá trình khiếu nại nhanh, minh bạch đối với các quyết định chi trả và khai thanh toán.

- Các tổ chức y tế bất vụ lợi như Blue Cross Blue Shield sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế.

Các Trung Tâm Trao Ðổi (Health Benefit Exchanges)

- Trung tâm Trao đổi là một cơ quan của tiểu bang được liên bang giúp ngân sách để hình thành. Các trung tâm trao đổi sẽ giúp quy tụ các cá nhân mua bảo hiểm thành những nhóm lớn, và gom các chương trình bảo hiểm khác nhau của các hãng bảo hiểm tư nhân như HMOs, PPOs vào thành một mạng lưới để cả hai phía có được nhiều chọn lựa hơn. Mọi người có quyền chọn hoặc những chương trình với mức lệ phí thấp nhưng mức chiết phí (deductible) hàng năm cao, hoặc ngược lại.

- Trung tâm Trao đổi cũng có nhiệm vụ giúp cho những doanh nghiệp nhỏ với số nhân viên dưới 100 người, các người kinh doanh độc lập, các cá nhân muốn tự mua bảo hiểm lấy, những người thất nghiệp hoặc về hưu nhưng không đủ tiêu chuẩn để hưởng Medicare, để những người này tập hợp lại với nhau và mua được bảo hiểm với giá phải chăng. Hoạt động của các Trung tâm Trao đổi mang tính chất của những hợp tác xã giúp các thành viên tập hợp lại để có khả năng biết cách mặc cả ngang với các công ty trung bình hoặc lớn khi thương lượng giá cả với các công ty bảo hiểm.

- Dự luật cũng cải thiện các phúc lợi phòng chống bệnh tật cho người cao niên trong khuôn khổ Medicare nguyên gốc.

2. Những điểm chính trong luật HCERA:

Luật HCERA cũng đưa ra những cải cách sau:

- Gia tăng Pell Grant, là tiền trợ cấp của liên bang cho học sinh nghèo bằng cách cung cấp 13.5 tỉ dollars, theo dạng phân bổ bắt buộc (mandatory appropriations), cho Pell Grant.

- Từ 2014 trở đi, giảm mức tiền trả nợ tối đa cho sinh viên sau khi ra trường là 10% của lợi tức khả dụng (discretionary income - hiện nay là 15%).

- Từ 2014 trở đi, sinh viên sẽ được tha miễn số nợ còn lại sau khi đã trả nợ trong 20 năm (hiện nay là 25 năm).

- Sẽ có những điều kiện dễ dàng hơn cho phụ huynh trong việc đứng ra vay tiền cho con cái để theo đuổi việc học hành.

- Gia tăng việc trợ cấp ngân sách cho các đại học cộng đồng (community colleges).

3. Chống đối

Luật ACA (Obamacare) theo “model” y tế của tiểu bang Massachussets được coi như là một dạng thu nhỏ của đạo luật cải cách y tế liên bang mà Tổng Thống Obama vừa mới ký mà thôi; bởi vì cả hai có cùng chung nét căn bản. Như vậy sự chống đối của phe CH không phải là sự chống đối về chủ trương - quan điểm cải cách y tế, mà chính ra là sự chống đối giữa hai đảng, một sự đối địch về chính trị, mang tính chất đảng phái.

Kết luận

Ðối với Mỹ, việc cải cách nền y tế theo hướng tiến đến một hệ thống y tế phổ quát (universal healthcare) nhân bản hơn là một nhu cầu. Ðạo luật về Y tế ACA (Obamacare) là một bước khởi đầu quan trọng đáp ứng lại nhu cầu đó. Quy trình này nối tiếp những đạo luật như Social Security Act bởi Tổng Thống Franklin D. Roosevelt năm 1935, hoặc Medicare and Medicaid do Tổng Thống Lyndon B. Johnson ký năm 1965.

Hai đạo luật trên lúc đầu cũng đã gặp những phản đối mạnh mẽ từ các phe đối lập cho rằng các chương trình y tế do chính phủ điều hành sẽ dẫn đến xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Không một đạo luật nào hoàn hảo ngay từ đầu và thỏa mãn một cách đồng đều yêu cầu của các thành phần xã hội với quyền lợi trái ngược nhau. Ðạo luật Obamacare chưa giải pháp trọn vẹn cho tất cả các nhược điểm của nền y tế Mỹ.

Nó là nền móng cho những cải cách quan trọng hơn về sau. Một trong những điều căn bản mà Obamacare đã đề ra là sự chuyển hướng từ một nền y tế nặng về chữa trị (disease/curative care) qua một nền y tế phòng bệnh (preventive care).

Ðiểm thứ hai là nỗ lực để giảm thiểu mức độ độc quyền của các hãng bảo hiểm tư nhân, tăng cường chuẩn định, và giúp gia tăng sự cạnh tranh trong một thị trường mở rộng với gần 200 triệu khách hàng.

Ðiểm thứ ba là việc cố gắng cung cấp bảo hiểm cho hơn 32 triệu người chưa có và việc cưỡng bách mọi người phải có bảo hiểm y tế (individual mandate). Ðây là bước đầu trong nỗ lực nhằm biến bảo hiểm y tế trở nên một quyền của con người, được xã hội bảo vệ bằng luật pháp.

Tóm lại cử tri Mỹ gốc Việt, cần biết là:

- Bắt đầu từ 2014, hầu hết người lớn ở Mỹ sẽ phải mua bảo hiểm y tế.

- Không giảm phúc lợi cho người đang thụ hưởng Medicare. Tuy nhiên, có giảm tiền trả cho các chương trình Medicare Advantage của tư nhân, nhưng không ảnh hưởng tới người thụ hưởng.

- Chương trình Medicaid (ở California gọi là Medi-Cal) sẽ gia tăng để giúp cho toàn bộ người nghèo.

- Người không đủ tiền mua bảo hiểm y tế sẽ được chính phủ tài trợ.

- Các công ty bảo hiểm không được từ chối bán cho người đã bị bệnh sẵn.

- Doanh nghiệp nhỏ, nếu mua bảo hiểm cho nhân viên, sẽ được trừ thuế.

- Sẽ không có hãng bảo hiểm của chính phủ hoạt động song song với bảo hiểm tư nhân. Tất cả các công ty bảo hiểm sẽ vẫn là của tư nhân.

- Pell Grant là chương trình trợ cấp học bổng của liên bang giúp học sinh nghèo.

Ðạo luật còn cần nhiều thay đổi sau một thời gian thử để giảm tính “hành chính hay phiền hà” của mọi quyết định liên bang. Nhìn chung luật y tế này có tính cách nhân bản hơn các luật trong quá khứ, và sẽ giúp người Mỹ gốc Việt nhất là thế hệ thứ nhất, (đến tuổi về hưu) hay thế hệ còn phải đi học.

Ðạo luật này được hai hội bất vụ lợi, là Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ - American Academy of Pediatrics) và Hội Người Về Hưu (AARP - American Association of Retired Persons) ủng hộ vì bảo vệ quyền lợi của hai nhóm người này (trẻ em và người già).

Như đã nói trong bài trước (4) cử tri Mỹ gốc Việt nên chọn và dồn phiếu cho các chính sách nào giải quyết các ưu tư của chúng ta (giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế, chính sách ngoại giao - Tổng Thống Obama đã tiến hành thay đổi định hướng chiến lược của nước Mỹ thời Tổng Thống Bush, thoát ra khỏi tình trạng sa lầy ở một số nước Trung Ðông để chuyển hướng đến vùng Châu Á-Thái Bình Dương nhằm thích nghi với tình hình thế giới mới: Sự lớn mạnh của các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là của Trung Quốc).

Ðiều cần thiết nhất cho cử tri gốc Việt chúng ta vẫn là hiểu rõ chính sách của mỗi ứng cử viên, đi bầu cho đông và có sự lựa chọn đúng đắn.

Bài phân tích này có mục đích đóng góp sự hiểu biết về y tế cho cử tri, hầu chọn đúng người sẽ đem lại lợi ích cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng của mình.

Các ghi chú:

1. Diễn đàn thế kỷ (www.Diendantheky.net) ngày 19/10/2012

2. Người Việt thứ 5, 25 tháng 10, 2012


4. Người Việt thứ 5, 25 tháng 10, 2012

o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o—o

Vài ý riêng:

Có lẻ do chủ trương này mà nhiều người “chụp mũ” cho TT. Obama có đường lối thiên về chủ nghĩa Cộng Sản?

Rỏ ràng chống đối luật Obamacare vì quyền lợi của nhóm tài phiệt và do những công ty bảo hiểm tư nhân này đứng sau lưng giật dây mà thôi.

Nhiều nhà bình luận cho rằng đảng Công Hòa là đảng của những nhà giàu và dĩ nhiên những người giàu đâu cần quyền lợi Obamacare, đâu cần medicaid, phải không?

Chắc hẳn bạn đã biết nên bỏ phiếu cho ai rồi phải không?

No comments:

Post a Comment