Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng
Trên thế giới không có nước nào có
lịch sử lâu đời như Trung Quốc, không có nước nào có một nền văn hóa không đứt
đoạn như Trung Quốc, mà cái văn hóa đó lại đã từng đạt đến một nền văn minh cao
độ. Người Hy-Lạp thời nay với người Hy-Lạp ngày xưa chẳng liên quan gì với
nhau. Người Ai-Cập cũng vậy.
Nhưng người Tàu, Trung Quốc, hôm
nay thì đúng là hậu duệ của người Trung Quốc cổ đại. Tại sao một nước khổng lồ
như vậy, một dân tộc to lớn như vậy ngày nay lại ra nông nỗi xấu xa ấy? Chẳng
những bị người nước ngoài ức hiếp mà còn bị ngay dân mình ức hiếp. Nào là vua
bạo ngược, quan bạo ngược, mà cả dân (quần chúng) cũng bạo ngược.
Thế kỷ thứ XIX, quần đảo Nam Dương
– thời nay tức là Đông Nam Á, còn là thuộc địa của Anh và Hà Lan, có một chuyên
viên Anh đóng ở Malaysia nói rằng: “Làm người Trung Quốc ở thế kỷ thứ XIX là
một tai họa”. Bởi vì ông này đã thấy cộng đồng người Hoa sống ở quần đảo Nam
Dương giống một lũ lợn, vô tri vô thức, tự sinh tự diệt, tùy thời còn có thể bị
sát hại hàng loạt.
Thế mà tôi thấy người Hoa ở thế kỷ
XX so với người Hoa ở thế kỷ XIX tai họa của họ còn lớn hơn. Điều làm chúng ta
đau khổ nhất là bao mong đợi của người Hoa từ một trăm năm nay cơ hồ như đã bị
tiêu tan toàn bộ. Cứ mỗi lần có một mong chờ trở lại, hứa hẹn nước nhà một
tương lai sáng sủa hơn, thì kết quả lại càng làm cho chúng ta thất vọng và tình
hình lại càng trở nên tệ hại hơn.
Một mong chờ khác lại đến, để rồi
lại đem về những ảo vọng, thất vọng, những tồi tệ liên miên vô tận. Dân tộc cố
nhiên là trường tồn, sinh mệnh của cá nhân là hữu hạn. Một đời người có được
bao ước vọng lớn? Có được bao lý tưởng lớn, chịu được mấy lần tan vỡ? Con đường
trước mặt sáng sủa thế nào? Hay lại đen tối? Thật khó nói cho hết!
Bốn năm trước, lúc tôi diễn giảng
tại New York, đến đoạn “chối tai”, có một người đứng dậy nói: “Ông từ Đài Loan
đến, ông phải nói cho chúng tôi nghe về những hy vọng, phải cổ võ nhân tâm. Sao
lại đi đả kích chúng tôi?” Con người đương nhiên cần được khích lệ, vấn đề là
khích lệ rồi sau đó làm gì nữa? Tôi từ nhỏ cũng từng được khích lệ rồi.
Lúc 5,
6 tuổi, tôi được người lớn nói với tôi: “Tiền đồ của Trung Quốc nằm trong
tay thế hệ các cháu đấy!” Tôi cho rằng trách nhiệm của tôi lớn quá, chắc không
thể nào đảm đương nỗi. Sau đó tôi lại nói với con tôi: “Tiền đồ của Trung Quốc
nằm trong tay thế hệ các con đấy!” Bây giờ con tôi lại nói với cháu tôi: “Tiền
đồ Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các con đấy!”
Một đời, rồi một đời, biết bao
nhiêu lần một đời? Đến đời nào thì mới thật khá lên được? Tại Trung Quốc đại
lục rộng lớn, sau thời Phản hữu (Phong trào chống phe hữu năm 1958), tiếp theo
lại là “Đại Cách Mạng Văn Hóa” long trời lở đất. Từ ngày loài người có lịch sử
đến nay chưa bao giờ thấy được một tai họa do con người làm ra to lớn đến như
vậy.
Chẳng nói đến tổn thất sinh mạng, cái tổn thương lớn lao nhất là sự chà
đạp nhân tính, dầy xéo lên phẩm hạnh cao quý. Con người nếu rời bỏ nhân tính và
những đức hạnh cao quý thì sánh với cầm thú. Bây giờ người ta nói nhiều về
Hương Cảng (Hồng-Kông). Bất cứ nước nào, nếu có đất đai bị nước ngoài chiếm cứ
đều cảm thấy tủi nhục. Chờ cho đến lúc lấy được về chẳng khác nào lòng mẹ bị
mất con.
Ai cũng nhớ chuyện nước Pháp lúc
phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine giao cho Đức đã đau khổ như thế nào, lúc
lấy lại được về đã sung sướng ra sao. Nhưng Hương Cảng của chúng ta chỉ cần
nghe đến việc trả về tổ quốc là lập tức hồn bay phách lạc. Chuyện gì mà lạ thế? Còn nói về Đài Loan, hiện nay nhiều thanh niên người
tỉnh này hoặc người nơi khác ở đây đều chủ trương “Đài Loan độc lập”.
Tôi nhớ lại 30 năm trước đây, lúc Nhật Bản trả
lại Đài Loan cho Trung Quốc (1945), mọi người sung sướng như si cuồng chẳng
khác nào đứa con lạc mẹ lại tìm được đường về nhà. Cái gì đã xảy ra sau 30 năm
đó để cho đứa con kia lại muốn bỏ nhà ra đi?
Ở nước ngoài, có lúc tôi dừng lại trong
công viên, nhìn trẻ con ngoại quốc, thấy sao chúng sung sướng thế. Trong lòng
tôi lúc ấy tự nhiên cảm thấy thèm thuồng quá. Chúng không phải mang gánh nặng,
con đường chúng đi bằng phẳng, rộng rãi quá, tâm lý khỏe mạnh, sung mãn, sảng
khoái. Con trẻ Đài Loan chúng ta đến trường học, đeo kính cận, mặt khó đăm đăm
vì phải đối phó với áp lực bài vở. Mẹ ngất ngã xuống đất, con đến đỡ mẹ dậy, mẹ
kêu rống lên: “Mẹ có chết cũng chẳng sao, việc gì đến con! Con đi học bài đi!
Đi học bài đi.”
Vợ tôi lúc dạy học ở Đài Loan,
thỉnh thoảng cứ đề cập đến đạo đức làm người, tức thì sinh viên nhao nhao phản
đối: “Chúng tôi không cần học làm người, chỉ cần học để ứng phó với việc thi
cử”. Lại nhìn về trẻ con ở Trung Quốc lục địa, từ nhỏ đã phải học đánh đấu
nhau, lừa dối bịp bợm nhau, lại luyện tập cách lừa bạn, phản đồng chí, lại phải
học cách bốc phét, bịa đặt. Một nền giáo dục đáng sợ thay! Một thế hệ nữa những
đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào? Người ta thường nói: “Mình nắm tương lai
mình trong tay mình”. Lúc đã luống tuổi, tôi thấy câu này không ổn; sự thực, có
lẽ chỉ nắm được một nửa trong tay mình, còn một nửa lại ở trong tay của kẻ khác.
Kiếp người trên đời này giống như
một cục sỏi trong một máy nhào xi-măng, sau khi bị nhào trộn, thân chẳng tự chủ
được. Điều ấy khiến tôi cảm thấy đó không phải là một vấn đề của riêng một cá
nhân nào, nhưng là một vấn đề xã hội, văn hóa. Lúc chết, Chúa Giê-Su (Jesus)
bảo: “Hãy tha thứ cho họ, họ đã làm những điều mà họ không hề hiểu”. Lúc trẻ,
đọc câu này tôi cho rằng nó chỉ là một câu tầm thường. Lớn lên rồi lại vẫn thấy
nó không có gì ghê gớm cả, nhưng đến cái tuổi này rồi tôi mới phát hiện rằng nó
rất thâm thúy, thật đau lòng thay! Có khác nào người Trung Quốc sở dĩ trở thành
xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ không hề biết rằng mình xấu xí. Chúng ta có
đủ tư cách làm chuyện đó và chúng ta có lý do tin rằng Trung Quốc có thể trở
thành một nước rất tốt đẹp. Chúng ta không cần cứ phải muốn có một quốc gia
hùng mạnh. Quốc gia không hùng mạnh thì có can hệ gì? Chỉ cần sao cho nhân dân
hạnh phúc rồi thì đi tìm quốc gia hùng mạnh cũng chưa muộn.
Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất
cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy thủy chung vẫn không
làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao? Tôi muốn mạo
muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp: Đó là vì văn hóa truyền
thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu
chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.
Có người sẽ bảo: “Tự mình không xứng đáng, lại
đi trách tổ tiên!” Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi
tiếng “Quần ma” (Những con ma) của Ibsen (Íp-sen) có kể chuyện hai vợ chồng mắc
bệnh giang mai sinh ra một đứa con cũng bị bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó
lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: “Con không uống thuốc này đâu!
Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à?” Trường hợp
này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó? Chúng ta không phải trách bố mẹ,
cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn
hóa họ đã truyền lại cho chúng ta.
Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần
đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói
nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được. Tôi nhìn cách cư xử
giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền
thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong
mình nhiều đặc tính rất đáng sợ!
Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn,
hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn
loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà
cửa chúng ta cũng vậy. Có
nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi.
Tôi có một
cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang
Pa-Ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân.
Cô ta bảo với tôi: “Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn
người Á đông nhảy vào!” (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi
lại chỉ người Trung Quốc).
Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem
xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi,
trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi
ẩm mốc. Tôi hỏi: “Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?” Cô ta
đáp: “Làm sao nỗi!” Không những người nước ngoài thấy chúng ta
là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn,
loạn.
Còn
như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong
lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu
chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau,
người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới,
hỏi họ đang làm gì, họ bảo: “Chúng tôi đang thì thầm với nhau”. Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi
tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên
lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như
thế? Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc
bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn.
Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ
nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ
bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa
nhau.
Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi
bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con
lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của
người Nhật làm cho họ trở thành vô địch. Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng
như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại
Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt
tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính
cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40.
Anh bán30 tôi chỉ bán 20. Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một
con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là
tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư.
Người Trung Quốc ở một vị trí đơn
độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi – nơi không cần quan hệ với
người khác – thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng
nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một
con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì
người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.
Chỗ nào có người Trung Quốc là có
đấu đá, người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được, tựa hồ trên thân thể họ
có những tế bào thiếu đoàn kết. Vì vậy khi người nước ngoài phê phán người
Trung Quốc không biết đoàn kết thì tôi chỉ xin thưa:
“Anh có biết người Trung Quốc vì sao không đoàn kết không? Vì Thượng đế muốn
thế. Bởi vì nếu một tỷ người Hoa đoàn kết lại, vạn người một lòng, anh có chịu
nổi không? Chính ra Thượng Đế thương các anh nên mới dạy cho người Hoa mất đoàn
kết!” Tôi tuy nói thế nhưng rất đau lòng. NgườiTrung Quốc không chỉ không đoàn
kết, mà mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn
kết. Cái điều này thấy rõ nhất tại nước Mỹ với những hình mẫu ngay trước mắt.
Bất cứ một xã hội người Hoa nào ít
nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách
tiêu diệt lẫn nhau. Ở Trung Quốc có câu: “Một hòa thượng gánh nước uống, hai
hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng không có nước uống”. Người đông thì dùng để làm gì? Người Trung
Quốc trong thâm tâm căn bản chưa biết được tầm quan trọng của sự hợp tác. Nhưng
nếu anh bảo họ chưa biết, họ lại có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách
nói tại sao cần phải đoàn kết.
Lần trước (năm 1981) tôi sang Mỹ ở
tại nhà một người bạn làm giáo sư đại học – anh này nói chuyện thì đâu ra đấy;
thiên văn, địa lý; nào là làm sao để cứu nước… – Ngày hôm sau tôi bảo: “Tôi
phải đi đến đằng anh A một tý!” Vừa nghe đến tên anh A kia, anh bạn tôi trừng
mắt giận dữ. Tôi lại bảo: “Anh đưa tôi đi một lát nhé!” Anh ta bảo: “Tôi không
đưa, anh tự đi cũng được rồi!” Họ cùng dạy học tại Mỹ, lại cùng quê với nhau mà
tại sao không thể cùng đội trời chung? Có thể nào nói như vậy là hợp lý được?
Bởi vậy việc người Hoa cắn xé nhau
là một đặc trưng nghiêm trọng. Những người sống tại Mỹ đều thấy rõ điều này:
đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà
chính lại là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ người Trung Quốc, hăm dọa người
Trung Quốc lại cũng không phải là người Mỹ mà là người Hoa.
Tại Ma-lai-xi-a có một chuyện thế
này. Một ông bạn tôi làm nghề khai thác mỏ khoáng sản. Anh ta bỗng nhiên bị tố
cáo một chuyện rất nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu mới biết rằng người tố cáo
mình lại là một bạn thân của anh ta, một người cùng quê, cùng đến Ma-lai-xi-a
tha phương cầu thực với nhau. Người bạn tôi chất vấn anh kia: “Tại sao anh lại
đi làm cái việc đê tiện đó?” Người kia bảo: “Cùng đi xây dựng cơ đồ, bây giờ
anh giàu có, tôi vẫn hai tay trắng. Tôi không tố cáo anh thì tố ai bây giờ?”
Cho nên kẻ thù của người Trung Quốc lại là người Trung Quốc.
Không hiểu vì sao người ta lại so
sánh người Trung Quốc với người Do Thái được? Tôi thường nghe nói “người Trung
Quốc và người Do Thái giống nhau ở chỗ cần cù”. Điều này phải chia làm hai
phần: Phần thứ nhất: Cái đức tính cần cù từ
mấy nghìn năm nay cũng chẳng còn tồn tại nữa, nó đã bị thời kỳ “Tứ nhân bang”
(bè lũ bốn tên) phá tan tại lục địa rồi.