Bàn tay vàng của bác sĩ McKinnon
Ngày 23/8/2011 BS Lê Hoàng Minh cho biết kích thước khối bướu của anh Nguyễn Duy Hải lớn nhanh từ 101cm khi mới nhập viện đến nay đã lên đến 120cm. Trong hình anh Hải đang dựa tay trên khối u quái ác 82kg quá to lớn này, nó làm anh không thể đi được trong nhiều năm qua.
Ngày 5-1-2012 bác sĩ McKay McKinnon sau 11 giờ 23 phút đã hoàn thành ca phẫu thuật cho anh Nguyễn Duy Hải tại Bệnh viện FV (Bệnh viện Pháp - Việt TP.HCM).
Vị bác sĩ Mỹ cao tuổi đến từ Chicago, dáng cao gầy thoáng mệt, chậm rãi bước ra khỏi phòng mổ. “Ngày mai sẽ còn ca của Mỹ Dung, và Sa Ly ở Bệnh viện Chợ Rẫy” - ông tự nhủ.
Làm nhiều tốt hơn là nói nhiều
BS McKinnon không xuất hiện trong cuộc họp báo sau đó của Bệnh viện FV, cũng chẳng cần biết thành công hiếm có của mình tràn ngập các mặt báo lớn VN ngày hôm sau và làm vỡ òa biết bao tấm lòng đã hướng về câu chuyện của anh Hải.
Cánh truyền thông hẳn không biết được ông vốn lặng lẽ, kiệm lời và không thích sự ồn ào của báo chí. Đó là chưa kể lịch trình của ông ở VN những ngày đầu năm 2012 quá bận rộn với ba cuộc đại phẫu “marathon” trong ba ngày. Ông thoăn thoắt từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, mổ xong cho người này thì đến thăm khám và động viên người kia.
Sức làm việc dẻo dai hiếm thấy và tác phong làm việc nhanh nhẹn với một người gần 70 tuổi dường như hơi trái ngược với phong thái chậm rãi, đủng đỉnh khiến cho nhóm làm phim trẻ tuổi của Hãng Morningstar Entertainment, vốn phải bám sát ông để quay phim, cũng phải hụt hơi để theo kịp.
Vậy là phóng viên hễ cứ theo “rình” ở bệnh viện này thì lại được tin ông đang ở chỗ kia. “Có gì đâu, đối với tôi làm nhiều thì tốt hơn là ngồi đó mà nói nhiều” - vị bác sĩ Mỹ thật thà chia sẻ khi được hỏi sau này.
Là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Saint Joseph & Children’s Memorial ở Chicago, Illinois (Mỹ), ông McKinnon lâu nay được biết đến như một trong những nhà phẫu thuật giỏi nhất với những ca mổ “vô tiền khoáng hậu”.
Ông đã mổ và tái tạo thẩm mỹ cho hàng trăm ca ung bướu, điển hình như ca mổ cắt bỏ khối u 100kg của Lori Hoogewind (Mỹ) kéo dài 18 giờ, hay ca 80kg của Lucica Bunghez ở Romania năm 2004.
Những bệnh nhân nặng nhất của ông thường bị các bệnh viện khắp thế giới “chê” vì cho rằng quá nguy hiểm và cũng không nhiều người dám tin vào cơ hội thành công của những ca mổ này.
Trong hơn chục năm, ông đã mổ và trả lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường cho bệnh nhân hết lần này tới lần khác. Hầu như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông để nói về thành công của mình, BS McKinnon lặng lẽ làm việc với sự tự tin vào bản thân và kinh nghiệm của mình.
Không đầu hàng
Không có ông, rất nhiều người trong số họ sẽ không còn sống hoặc chỉ tồn tại đầy đau khổ, tuyệt vọng với chứng bệnh quái ác của mình. Hiểu được chuyện này, ông đã quyết tâm quay lại Việt Nam lần thứ 2 hồi đầu tháng 1-2012 để mổ cho anh Duy Hải, sau những trắc trở cuối năm trước đó.
“Tôi trở lại để làm điều gì đó cho Hải, vì đó là điều đúng đắn duy nhất phải làm. Nếu không, chẳng lẽ mạng sống của anh ấy không đáng quý, chẳng lẽ thật sự là ca này quá phức tạp với các bệnh viện VN, rằng những chẩn đoán hơi vội vàng của nhiều bệnh viện trong nước có cơ sở và rằng chính tôi đã không còn dũng khí và trách nhiệm đấu tranh cho bệnh nhân của mình?” - ông hỏi ngược lại người phỏng vấn với rất nhiều suy tư.
Tháng 11-2011, bác sĩ McKinnon lần đầu đến Việt Nam sau khi bà Amanda Schumacher của Quỹ từ thiện Tree of Life (Mỹ) liên lạc nhờ giúp đỡ cho anh Duy Hải. Ông đem theo một trong những trợ lý phẫu thuật giỏi nhất của mình để sẵn sàng cho một ca đại phẫu phức tạp, với tình trạng bệnh nhân, cơ sở vật chất và đội ngũ phụ tá mà ông chỉ biết đến qua những dòng trao đổi email với bệnh viện, và “lính cứu hỏa” Sam Seyadoussane. “Một thử thách thật sự với tôi khi thông tin chỉ có vậy” - ông nói. Vậy mà đến nơi, ông mới biết không thể tiến hành phẫu thuật và quyết định này thật ra đã được đưa ra trước khi ông đến. Biết mình là người duy nhất có thể cứu anh Duy Hải, trở về Mỹ ông McKinnon lại tiếp tục vào cuộc cùng với ông Sam Seyadoussane, “bà tiên” Robin King Austin của VinaCapital Foundation, cô Tina Nguyễn rồi nhóm làm phim đến gõ cửa các bệnh viện FV và Chợ Rẫy để tìm cho anh Hải thêm một cơ hội.
“Khi đã bắt đầu làm điều gì, tôi không bao giờ muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tôi không phải là người như vậy” - vị bác sĩ Mỹ chia sẻ. Ông khẳng định những ca như Duy Hải vừa mang tính thiện nguyện, vừa là thử thách về mặt nghề nghiệp, đặc biệt khi quá nhiều người cứ cho rằng sẽ khó có khả năng làm nên chuyện.
Nhưng quan trọng nhất, lương tâm của một bác sĩ không cho phép ông quay lưng với bệnh nhân của mình. “Tôi luôn cảm thông sâu sắc với bệnh nhân của mình, vì tôi biết nếu không ai chịu làm gì để giúp đỡ họ, họ sẽ chỉ nằm đó chờ chết mà thôi. Bác sĩ nào cũng sẽ làm như tôi thôi”.
30 năm làm từ thiện
BS McKinnon bắt đầu tham gia các chuyến đi chữa bệnh miễn phí từ năm 1981, chủ yếu là tới Trung Mỹ, phẫu thuật cho các em bị hở hàm ếch, dị tật vòm miệng và cả một số ca ung bướu. Mỗi năm ông dành ra một tuần cho các chuyến đi thiện nguyện này. Hàng trăm em nhỏ ở Choluteca, Honduras đã lại có nụ cười bình thường dưới bàn tay phẫu thuật của ông. Trong những chuyến đi này, nhiều lần ông phải phẫu thuật liên tiếp mười mấy tiếng trong 5-6 ngày, vì vậy lịch trình ở TP.HCM tháng 1 vừa rồi “cũng không phải là quá tồi tệ” - ông nói. Hơn hết, như lời ông kể, một phần lý do khác khiến ông thích tham gia các chuyến đi là để hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ bản địa trong các ca phẫu thuật khó, đồng thời góp phần tạo ra một hệ thống hỗ trợ nhân đạo cho bệnh nhân nghèo. “Đây là điều căn bản tại sao người ta nên trở thành bác sĩ đấy” - ông chia sẻ.
Những ca tiểu phẫu này, cũng như những ca đại phẫu ở VN hay Romania và Mỹ cho các trường hợp bướu khổng lồ, BS McKinnon đều chẳng màng đến tiền bạc, dù có những ca chi phí phải lên đến cả triệu USD nếu tính đúng tính đủ. “Bạn hỏi tôi thì tôi hỏi ai để yêu cầu trả tiền công cho mình bây giờ khi tất cả họ đều quá nghèo?”, ông “vặc” lại người viết.
Không chỉ ở các nước đang phát triển, rất nhiều bệnh nhân Mỹ cũng có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có bảo hiểm y tế để chi trả tiền phẫu thuật nhưng làm sao từ chối họ được, ông nói, khi mà bệnh nhân không có đủ khả năng tài chính và không ai chịu chữa trị cho họ. Năm ngoái ông mổ cắt bỏ khối u vùng mặt và tái tạo gương mặt cho một bệnh nhân Mỹ tên Ed Port ở bang Ohio cũng bị đa bướu sợi thần kinh ngoại biên như anh Duy Hải.
Như rất nhiều người khác ở Mỹ, Ed đã phải “tranh đấu” với các công ty bảo hiểm y tế để có tiền cho cuộc phẫu thuật, với tổng chi phí khoảng 1 triệu USD. Mặc dù mắt phải của Ed bị mù và khối u đã ăn mòn xương mặt, các công ty bảo hiểm nhất định cho rằng trường hợp của anh chỉ mang tính “thẩm mỹ” và không chịu chi tiền.
Ed phải cùng một số nhà hảo tâm tự gây quỹ, BS McKinnon thì bớt gần hết chi phí phẫu thuật, rồi cuối cùng anh Ed cũng nhận được thêm chút ít tiền từ một công ty bảo hiểm nọ để hoàn thành ước nguyện của mình.
Trúc Quỳnh & Hà Xuân Thụ