Thursday, March 28, 2013

Người Thiếu Phụ Trong Mưa Phùn


Người Thiếu Phụ Trong Mưa Phùn
 
Từ Ngô Đ Tựu's email
 
Đoàn Trọng HIẾU là SQ/BĐQ , Anh và tôi từng chung Đội Rau Xanh , Đội Nông Ngiệp và Đội Lâm Sản của Trại tù K1-Tân Lập - Vĩnh Phú.
 
LGT: xin được giới thiệu hồi ký của BĐQ Đòan Trọng Hiếu. Anh kể về những cái chết của Thiếu Tá Hà Sỹ Phong ( Phó GĐ Đài Phát Thanh Tự Do), Trung Tá Lạc phòng 2 Bộ tư lệnh Quân Đoàn II., Trung Tá Mai Xuân Hậu, (Tỉnh trưởng Kontum), Thiếu Tá Đặng Bình Minh (lái trực thăng cho Tổng Thống Thiệu), Trung Tá Lý.
 
Đặc biệt anh kể về chuyến đi hốt cốt của bà quả phụ Cố Đại Úy CSQG Trần Thiên Thọ Hải.  VC đã dấu nhẹm cái chết của Đại Úy Hải, nhưng nhờ đồng đội báo, bà đã kiên trì làm đơn. Cuối cùng VC phải chấp thuận nhưng chúng chỉ cho Bà hốt cốt ban đêm và cũng phải đi trong đêm, không được chờ đến sáng, không cho ngủ tạm ở ngôi nhà tiếp khách. Hãy tưởng tượng một quả phụ ôm cốt chồng đi trong rừng vắng? Tôi đọc và uất nghẹn.
 
Những kẻ đang về VN hưởng thụ trên thân xác những cô gái nghèo, những kẻ ở hải ngoại đang hô hào buôn bán với vc; những kẻ trí thức/nhà báo đang hô hào hòa hợp hòa giải; những kẻ đang khoác áo từ thiện hay nhân danh nghệ sĩ này nọ để về VN tiếp tay với CS hãy đọc.
 
 Nếu những kẻ trên không tỉnh ngộ, thì có lẽ tôi đành bắt chước LS Lê Duy San là cầu cho những kẻ này, thân nhân họ sẽ phải có một ngày đi trong rừng khuya ban đêm như thế, thú dữ rình mò, ma chơi chập chờn, con cái họ cũng gặp những tình huống tương tự!

Hoàng Ngọc An
============================
Người Thiếu Phụ Trong Mưa Phùn

( Viết để tưởng nhớ quý chiến hữu đã gục chết trong lao tù , và cũng để tuyên dương những người vợ lính VNCH, đặc biệt là chị quả phụ của cố Đại úy CSQG Trần Thiên Thọ Hải. ....)
 
... Tình hình sức khỏe anh em khi còn ở các trại do quân đội Việt Cộng quản lý đã tồi tệ, thì nay càng tồi tệ hơn dưới sự hà khắc dã man của bọn Công An, mà anh em tù quen gọi là bọn Chó Vàng, tiêu chuẩn ăn uống thì bị cắt xén ăn bớt. Mỗi bữa ăn chỉ được một thìa cơm với hai khúc sắn tươi, hoặc gần chục lát sắn khô hay một chén sắn duôi (loại sắn được nạo thành sợi hay xắt thành cục phơi khô), vài muỗng canh đại dương (nước muối với vài cọng rau già), hoặc một vài miếng sắn được nấu với muối cho nhừ để làm canh.
 
Họa hoằn, một đôi ba tháng và các ngày Lễ Tết thì được một chén cơm trắng với hai ba miếng thịt lợn to bằng đốt ngón tay, hoặc một vài miếng thịt trâu từ một con trâu già đã không còn kéo cày nổi hay bị chết vì không chịu nổi cái lạnh mùa đông. Với chế độ ăn uống như vậy mà phải làm việc khổ sai, dẫn đến tình trạng kiệt lực, người nào cũng chỉ còn da bọc xương. Mỗi buổi chiều hết giờ lao động, anh em tù cởi áo xuống ao tắm, trông như một bầy khỉ ốm đói.
 
Tình trạng bệnh tật và không có thuốc men thật là đáng sợ, bệnh kiết lỵ, phù thủng và thổ huyết rất phổ biến. Đã có một số anh em chết mà anh em tù quen gọi là “quay đầu về núi” vì hầu hết tù nhân chết đều được chôn trên các sườn đồi. Và xin đơn cử một vài cái chết của vài anh mà tôi có dịp ở chung:

Thiếu tá Hà Sỹ Phong, phó giám đốc đài phát thanh Tự Do, anh ở cùng đội với tôi, mấy ngày trước anh bị bệnh nên cho nghỉ ở nhà trực phòng, sau đó 2 ngày anh được mẹ ở miền Bắc lên thăm. Buổi tối anh cho tôi nửa chén cơm vắt và hai miếng thịt gà kho mặn, anh thì thầm tâm sự:

- Năm 54 tôi di cư vào Nam chỉ có một mình, ông bà cụ luyến tiếc tài sản không chịu đi, bố tôi bị đi tẩy não (tù cải tạo) trong đợt cải cách ruộng đất và chết trong tù, bây giờ mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi lại phải đi thăm con ở tù. Đây là lần đầu gặp lại mẹ tôi sau hơn hai mươi năm xa cách.

Nói rồi hai hàng nước mắt anh lăn dài trên má. Tôi lí nhí cám ơn anh về món quà anh đã cho tôi. Sau gần 3 năm tù, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức một món ăn quá sang trọng như vậy. Tôi xé từng sớ thịt, rồi lại liếm mấy ngón tay, tận hưởng cái hạnh phúc to lớn ấy rồi thiếp dần vào giấc ngủ.
 
Sáng hôm sau khi ra khỏi phòng để điểm danh thì thiếu một người, tên thường trực thi đua (một tên tù được đưa lên phụ việc đóng mở cửa và kiểm soát anh em) đi vào thì phát hiện anh Phong đã mê man. Chúng tôi vội cõng anh lên trạm xá nhưng anh đã chết vài giờ sau đó.

Ít ngày sau lại đến anh Trung Tá Lạc phòng 2 Bộ tư lệnh Quân Đoàn II. Một buổi chiều sau khi lao động về, anh Lạc ghé sang khu tôi ở, móc trong túi ra một cái bánh chưng đưa cho tôi và nói:

- Hai cháu nó mới ra thăm, cả hai đều được đi dậy học lại và là “giáo viên tiên tiến” nên được cho ra thăm “lăng Bác”. Nó tìm lên thăm mua cho ít quà, chú dùng cái bánh chia vui với tôi, mấy ngày nữa các cháu sẽ lại lên thăm tôi lần nữa. Tôi đón cái bánh chưng to bằng cái bánh trung thu và lí nhí cám ơn anh rồi vội chia tay, vì sợ tụi cán bộ trông thấy sẽ ghép tôi quan hệ trái phép .v.v..

Quả thật những lúc đói khát khó khăn thế này mới thấy cái tình dành cho nhau nó to lớn và sâu đậm. Nhưng rồi không may cho anh, hai hôm sau anh đã chết ngay tại hiện trường lao động không kịp gặp lại các con.

Giữa năm 78 vì đói khát suy dinh dưỡng, cộng thêm cơn sốt vàng da đã khiến tôi kiệt lực, thân thể chỉ còn trên 30kg. Tôi không còn bước đi được nữa, mà chỉ có thể bò được vài ba thước, tôi được đưa xuống trạm xá nằm trong “danh sách chờ”.
 
Tại đây đã có anh Tư, anh là người hạm trưởng đã sang Singapore rồi lại quay về, anh bị bệnh phù thủng lại thêm phần ân hận vì đã quay về để rồi bị đi tù mút chỉ, nên chỉ ít ngày thì anh chết.
 
Rồi đến Trung Tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng Kontum, Thiếu Tá Đặng Bình Minh lái trực thăng cho Tổng Thống Thiệu, Trung Tá Lý.
 
Dường như chẳng còn ai quan tâm đến cái chết, chả thế mà vẫn còn nói đùa: “Đ.M. mày qua mặt tao mà đíu bóp còi”. Cũng thời gian này, có một bài hát đã được anh sáng tác tôi vẫn còn nhớ được ít câu:

“Rồi một ngày mai không có anh,
em không còn phải nhớ phải mong
- Rồi một ngày mai thân xác anh quay đầu về núi
- Cô đơn ngồi khóc một mình
- Không một lần kịp vuốt mắt anh
- Ôi mây lang thang về phía trời xa vời,
nhìn trông theo cánh chim từng đàn,
để mình ta với bao ngày tháng xanh rêu,
bụi thời gian lấp kín hồn mình,
đớn đau trong lòng mà nhớ về nơi xa,
ôi ngày về còn dài bao lâu
- Rồi một ngày mai anh chết đi,
em không còn phải khóc phải thương
- Rồi một ngày mai thân xác anh đi vào lòng đất,
cô đơn phủ kín đời mình.
- Không một lần kịp nói tiếng yêu.”-

Nhưng rồi may mắn hơn, số tôi chưa tới, nên căn bệnh sốt vàng da không biết có phải nhờ ba cái lá ổi, lá xoan hay không, mà tự nhiên biến mất. Và may mắn thay, nhờ mảnh giấy tôi gửi lén về qua một chị ra thăm chồng, tuy bị tụi công an phát giác, nhưng chị cũng đã nhớ cái địa chỉ ở Biên Hòa, nên chị đã đi tìm báo cho gia đình tôi biết.
 
Nhờ vậy, cuối năm 79 mẹ tôi và vợ con tôi ra thăm, tên Vinh cán bộ giáo dục của trại trước khi tôi ra gặp đã chỉ cho tôi gặp 5 phút vì tôi đã gửi lén thư, nhưng tên công an dắt tôi ra đã cho tôi gặp gần một giờ.
 
Gặp lại mẹ và vợ con sau hơn 4 năm chỉ biết khóc. Chỉ nói được vài câu thì đã hết giờ, tôi đứng dậy chào từ biệt, lòng buồn rã rượi, rồi chống gậy lom khom lết về trại, một tên tù hình sự được chỉ định giúp tôi đẩy cái xe cải tiến chở đồ thăm nuôi vào trại.
 
Nhờ chuyến ra thăm này mà tôi dần dần hồi phục, lúc này mỗi tuần đều có một vài anh em “quay đầu về núi”. Cái đồi sắn ở phía đội 12 sau hơn hai năm đã có gần 300 anh em tù chính trị được chôn ở đó.

Gần tết năm 79 tôi chuyển sang đội 17 lâm sản, chuyên đi lấy củi để sử dụng cho bếp trại. Thời gian này do áp lực của quốc tế, nên chúng buộc phải cho gia đình đi thăm nuôi, nên sức khỏe của đa số anh em đã dần dần hồi phục.
 
Một số anh em “con bà phước” cũng được anh em đùm bọc, nên cái bóng thần chết đã bị đẩy lùi. Hàng đêm tại các phòng, anh em lại tụ tập quanh ngọn đèn dầu với ấm trà cặm tăm, loại trà thật đặc được pha hoàn toàn bằng búp trà “hai tôm một tép” sao sấy cẩn thận, do anh em đội trà lén mang về.
 
Các tay văn nghệ lại bắt đầu tổ chức ca hát nhạc vàng hàng đêm, khiến tụi cán bộ trại điên đầu, chúng bắt đầu cảm thấy hoang mang vì thấy tù càng bị nhốt lâu lại càng ung dung tự tại, không còn hoang mang lo sợ, lại thêm đám cán bộ nhí bắt đầu bị anh em tù thu phục.

... Anh em đã san xẻ thuốc men cho dân ốm đau trong vùng, khi đi lao động ngoài Bến Ngọc. Anh em thường gọi đây là công tác dân sự vụ. Một buổi tối cuối năm, sau khi đã điểm danh vào phòng, anh em đang tụ tập đàn hát như thường lệ, lúc kẻng báo tắt đèn đến giờ ngủ thì tên cán bộ trực tại trại đến cửa phòng nói vọng vào yêu cầu Phan Thanh đội trưởng lâm sản cử 4 người đi “lao động đột xuất”.
 
Thanh, Diệp, Tân và tôi mặc quần áo cho thật ấm và cũng không quên mang theo tấm nylon đề phòng mưa, vì mùa đông miền Bắc thật lạnh, lại thường có mưa phùn. Chúng tôi được lệnh xuống chỗ đội 12 lấy cuốc xẻng và thùng xách nước bỏ lên xe cải tiến đi về phía khu nhà tiếp tân. Tên cán bộ đi theo đưa cho tôi cái đèn bão leo lét. Ngang khu nhà tiếp tân thì đã thấy một thiếu phụ trong bộ đồ tang trắng đang đứng đợi.

Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra đại úy Hải chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi.
 
Sau gần 15 phút chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc. Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam .
 
Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sáng, chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.

Chúng tôi đứng lặng yên tôn trng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn. Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào.
 
Chỉ không đầy 20 phút chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa.
 
Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:

Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.
 
Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình, mới đây một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt, sau mấy lần làm đơn cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp qua đêm với lý do là ô uế.
 
Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy. Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại.
 
Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo.
 
Bỗng sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:
       Đ.M. Chúng mày rồi sẽ phải trả giá cho hành động này!

Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa. Đã quá nửa đêm, cái lạnh đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh. Chị mang cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh của vùng rừng núi Việt Bắc, như người vợ, người mẹ Việt Nam đang mang nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng.

Đoàn Trọng Hiếu
 

Tuesday, March 26, 2013

Không cho Ung Thư phát triển


Không cho Ung Thư phát triển

 Xuân Phong dịch từ bản thảo luận của Cercle Francophone à Quinhon

Một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất trên thế giới thay đổi quan điểm của mình về bệnh ung thư. Bệnh viện Johns Hopkins là một bệnh viện trường đại học nằm ở Baltimore, Maryland ở Hoa Kỳ.

Được thành lập nhờ tài trợ từ John Hopkins, ngày hôm nay nó là một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất trên thế giới và năm thứ 17 liên tiếp được phân loại ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của các bệnh viện tốt nhất tại Hoa Kỳ.

Sau nhiều năm nói với mọi người hóa trị liệu là cách duy nhất để điều trị và loại bỏ ung thư, Bệnh viện Johns Hopkins đã bắt đầu nói với mọi người rằng có những lựa chọn thay thế khác với hóa trị liệu: một cách hiệu quả để chống lại ung thư là không nuôi các tế bào ung thư với các chất dinh dưỡng cần thiết cho nó để nó không phát triển được.

THỨC ĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

a. ĐƯỜNG là một loại thực phẩm của bệnh ung thư. Không tiêu thụ đường là cắt bỏ một trong những nguồn quan trọng nhất của các tế bào ung thư. Có sản phẩm thay thế đường như saccharin, nhưng chúng được làm từ Aspartame và rất có hại. Tốt hơn nên thay thế đường bằng mật ong Manuka hay mật đường nhưng với số lượng nhỏ. Muối có chứa một hóa chất phụ gia để xuất hiện màu trắng. Một lựa chọn tốt hơn cho muối trắng là muối biển hoặc các loại muối thực vật.

b. SỮA làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy, đặc biệt là trong đường ruột. Tế bào ung thư ăn chất nhầy. Loại bỏ sữa và thay thế bằng sữa đậu nành, các tế bào ung thư không có gì để ăn, vì vậy nó sẽ chết.

c. Các tế bào ung thư trưởng thành trong môi trường axit. Một chế độ ăn uống là THịT Đỏ có tính axit, tốt nhất là ăn cá, và một chút thịt gà thay vì thịt bò hay thịt heo. Hơn nữa, thịt chứa kháng sinh, hormon và ký sinh trùng, rất có hại, đặc biệt đối với những người mắc bệnh ung thư. Protein thịt khó tiêu hóa và đòi hỏi nhiều enzym. Thịt không tiêu hóa ở lại và hư hỏng trong cơ thể dẫn tới tạo ra các độc tố nhiều hơn.

 GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

a) Một chế độ ăn uống gồm 80% rau quả tươi và nước ép, ngũ cốc, hạt, các loại hạt quả, quả hạnh nhân và một ít loại trái cây đặt cơ thể trong môi trường kiềm. Chúng ta chỉ nên tiêu thụ 20% thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu. Nước ép rau tươi cung cấp cho cơ thể co-enzyme có thể dễ dàng hấp thu và ngấm vào các tế bào 15 phút sau khi được tiêu thụ để nuôi dưỡng và giúp định hình các tế bào khỏe mạnh. Để có được các enzyme sống, giúp xây dựng các tế bào khỏe mạnh, chúng ta phải cố gắng uống nước ép rau (tất cả, bao gồm cỏ linh thảo) và ăn nhiều rau quả tươi 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.

b) Không nên dùng CÀ PHÊ, TRÀ và SÔ CÔ LA có chứa nhiều caffeine. TRÀ XANH là một lựa chọn tốt hơn vì có chất chống ung thư. Tốt nhất là uống nước tinh khiết hoặc nước lọc để tránh các chất độc và kim loại nặng trong nước thường. Không uống nước cất vì nước này có chứa axit.

c) Các thành các tế bào ung thư được bao phủ bởi một loại protein rất cứng. Khi không ăn thịt, những thành tế bào phóng thích nhiều enzim hơn, tấn công các protêin của các tế bào ung thư và cho phép hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư.

d) Một số chất bổ sung giúp xây dựng lại hệ thống miễn dịch: Floressence, Essiac, chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, EPA, dầu cá … giúp các tế bào để chiến đấu và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chất bổ sung khác như vitamin E được biết đến bởi vì nó gây ra apoptose, cách bình thường của cơ thể để loại bỏ các tế bào vô dụng hoặc bị lỗi.

e) Ung thư là một căn bệnh của cơ thể, tâm trí và tinh thần. Một thái độ hoạt động và tích cực hơn sẽ giúp các bệnh nhân ung thư chiến đấu và sống còn. "Giận dữ và không hiểu biết, không tha thứ sẽ đặt cơ thể vào tình trạng căng thẳng và một môi trường axit". Học để có tâm hồn khả ái và yêu thường với một thái độ sống tích cực là rất có lợi cho sức khỏe. Học thư giãn và tận hưởng cuộc sống.

f) Các tế bào ung thư không thể sống trong một môi trường dưỡng khí (oxygénée). Luyện tập thể dục hàng ngày, hít thở sâu giúp lấy thêm nhiều oxy vào các tế bào. Liệu pháp oxy là một yếu tố giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.

1. Không để hộp nhựa trong lò vi sóng.

2. Không để chai nước trong tủ lạnh.

3. Không để tấm nhựa trong lò vi sóng.

g) Các hoá chất như dioxin gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Dioxin rất có hại, đặc biệt là đối với các tế bào cơ thể.

Đừng để trong tủ lạnh chai nước nhựa bởi vì nhựa sẽ "đổ mồ hôi" dioxin và làm nhiễm độc nước uống.

Gần đây, Tiến sĩ Edward Fujimoto, Giám đốc chương trình Wellness ở bệnh viện Castle, xuất hiện trong một chương trình truyền hình giải thích sự nguy hiểm của dioxin.

Ông nói rằng chúng ta không nên đặt hộp nhựa trong lò vi sóng, đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa chất béo. Ông nói rằng do sự kết hợp của chất béo và nhiệt lượng cao, nhựa sẽ truyền dioxin vào thực phẩm và do đó vào cơ thể chúng ta.

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thủy tinh như Pyrex hoặc gốm sứ để đun nấu.

Monday, March 25, 2013

VIỆN DƯỠNG LÃO


VIỆN DƯỠNG LÃO


Trịnh X Mai's email & Bs Trần Công Bảo

Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.


Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về "Viện Dưỡng Lão" (VDL) để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về VDL vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão, và cũng đã là "Giám Đốc Y Tế" (Medical Director) của nhiều VDL trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về VDL.

Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home... Nói chung, VDL là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ... nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu... hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được.

Khi nói tới VDL người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người "trẻ" nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là VDL?

VDL là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những VDL khác nhau:

1- Skilled Nursing Facility (SKF): là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu... Thường thường tại SNF có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim) … cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình.

2- Intermediate care facility (ICF): cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao cấp (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care).

3- Assisted living facility (
ALF): Thường thường những người vào ALF
vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào "độc lập".

4- VDL cho những người quá lú lẫn (Alzheimer) facility

có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những Viện Dưỡng Lão dành riêng cho những bệnh nhân quá lú lẫn này, thường là "locked facilty", cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài. Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.

NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI VDL: Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết:
1- Phòng ngủ.
2-Ăn uống
3-Theo dõi thuốc men
4-Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân...
5-24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp.
6-Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo...
7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau:
a- Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã...
b- Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này.
c- Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn.

AI TRẢ TIỀN CHO VDL? Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau:
1-Medicare
2-Medicaid (ở
California
là Medi-Cal).
3-Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho VDL.
4-Tiền để dành của người bệnh (personal funds).

MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại một skilled nursing facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương... cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care.

MEDICAID là do qũy liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang. Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care.

BẢO HIỂM TƯ: thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế.

Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 VDL. Các VDL này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (
CMS) giám sát.

 Hàng năm các VDL đều phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao (survey) của CMS. VDL nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích kiểm tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại VDL được săn sóc an toàn, đầy đủ với chất lượng cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi VDL đều có lưu trữ hồ sơ kiểm tra cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc kiểm tra này. Tất cả các VDL đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa.

Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của VDL. Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những VDL. Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là "không muốn vào VDL". Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay.

Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái "bất hiếu", bỏ bố mẹ, ông bà vào VDL rồi không đoái hoài tới. Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào VDL một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa! Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì "cũng tốt thôi".

NHỮNG "BỆNH" CÓ THỂ DO VDL GÂY RA:

1- Lo lắng (anxiety): Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm VDL tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen "nước mắm, thịt kho"..., làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm!

2-Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions): Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau:
a- Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón... Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc.
b- Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc.
c- Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay.

3- Ngã té (fall):
Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay...). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã.
4- Da bị lở loét (decubitus ulcers): Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại.

5- Nhiễm trùng (infection): như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu...nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)…

6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration): Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác "ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.

VẬY CÓ NÊN VÀO VDL KHÔNG?
Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi:
1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ...

2-Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.

3-Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ...Thường thì rẻ hơn tùy từng group.

4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"?
a- Làm sao để lựa chọn VDL:
* Vào internet để xem ranking của VDL (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C...)
* Mỗi VDL đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc kiểm tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của VDL. Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho.
* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó.
* Quan sát bên trong và ngoài của VDL: xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân.
* Nếu có thể thì tìm một VDL có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt.

b- Nếu đã quyết định chọn VDL cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?
* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà con cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt.
* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào...

* Nên làm một cuốn sổ "thông tin" (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân...
* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi VDL để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa...
* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí.
* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa dầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe.
* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu qủa: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của VDL:
- Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống ... để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn. Người mình vẫn nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau").
 
Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của VDL để được giải quyết. Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan.

Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.


 
Bs. Trần Công Bảo

 

Tuesday, March 19, 2013

Chửi Việt Cộng lừa lọc sửa đổi hiến pháp

Chửi Việt Cộng lừa lọc sửa đổi hiến pháp

3/14/2013

Xin click vào mũi tên trắng để nghe Luật Sư Đinh Thạch Bích bình luận và đọc những phê bình của các bloggers từ Việt Nam đến hải ngoại đã tơi bời chỉ trích Việt Cộng lại lừa lọc không sửa đổi hiến pháp.

Tắt không nghe nữa click vào 2 vạch trắng song song.


Saturday, March 16, 2013

Lincoln và những phim Oscar 2013 khác


Lincoln và những phim Oscar 2013 khác
 
Từ Ngô Đ. Tựu's email
 
Tự Do giá trị trên tất cả đã nói lên trong phim Tổng Thống Abraham Lincoln và những diễn tiến ngạt thở tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tu chính án 13 giải phóng nô lệ da đen ở Hoa Kỳ.
 
Và click xem những phim đoạt Oscar 2013 :  

Lincoln (2013 Oscar Nominees):
 

Amour (2013 Oscar Nominees):
 
 
Argo (2013 Oscar Nominees):
 

Thursday, March 14, 2013

Kinh dị những hồn ma Yên Tử


Kinh d những hồn ma Yên Tử

Phong Nguyệt

 
Đầu năm, Phật tử khắp cả nước ùn ùn đổ về Yên Tử như về cõi Phật. Yên Tử không chỉ là danh thắng, mà còn là một đỉnh non thiêng, bởi nó là núi của tâm linh.

Cho nên có vô số chuyện kỳ bí cũng là điều dễ hiểu. Trong vô vàn những câu chuyện bí ẩn, khó tin, thì chuyện ở suối Giải Oan khiến không ít người phải rùng mình sợ hãi.

Suối Giải Oan



50 người bị “hồn ma” dựng giường đòi đá sỏi:
Những chuyện tâm linh huyễn hoặc thường qua lời kể của người nọ, người kia, có thêm mắm dặm muối, nên thường trở nên “tam sao thất bản”, không còn đáng tin cậy nữa. Tuy nhiên, chuyện kể từ một vị lãnh đạo, một nhà nghiên cứu văn hóa, thì quả là đáng lưu tâm.
Một ngày giữa năm 2007, khi đang lang thang ở suối Giải Oan - nơi 100 cung nữ trẫm mình khi không thuyết phục được vua Trần Nhân Tông quay về kinh đô, ông Lê Quang - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử - gặp một cảnh tượng khá lạ: Mấy chục người đàn bà vừa quỳ vừa lạy, vừa khóc bên bờ suối. Có người chắp tay với nén hương nghi ngút khói, vái lấy vái để.
Thấy khó hiểu, ông Quang liền tìm gặp tài xế chở những phụ nữ này đến suối Giải Oan hỏi chuyện. Anh này kể rằng, hồi đầu năm, vào đúng dịp lễ hội Yên Tử, anh được công ty chỉ định chở 50 chị em thuộc hội phụ nữ ở một phường của thành phố Lạng Sơn về trẩy hội Yên Tử theo hợp đồng.
Chị em đi lên Yên Tử theo đường cáp treo, nhưng khi về, vì muốn khám phá Yên Tử nhiều hơn nên đã đi theo đường bộ. Cuối buổi hành hương, chị em làm lễ cúng bái linh đình ở chùa Giải Oan. Cúng xong ở chùa, thì chị em kéo ra miếu Bạch Mẫu Giải Oan, là ngôi miếu nhỏ nằm dưới gốc cây ngay cạnh suối.
Cúng bái, hóa vàng, thụ lộc xong, chị em kéo nhau xuống suối Giải Oan để rửa chân, rửa tay. Theo sáng kiến của một số người, thì rửa tay chân, thậm chí tắm ở suối Giải Oan, sẽ có làn da mịn màng, trắng nõn như… cung nữ. Nhiều chị em còn té cả nước lên người, ướt cả quần áo.
Không biết nghe thông tin ở đâu mà lúc về, mỗi người nhặt vài hòn cuội cho vào túi. Người lấy ít thì cũng 2-3 hòn, người nhiều lấy đầy túi, cả chục hòn cuội lớn bé. Chị em bảo rằng, trong mỗi hòn cuội đều ẩn chứa các linh hồn cung nữ, nên dùng sỏi cuội này kỳ cọ thân thể, sẽ được phù hộ, khiến da dẻ trắng đẹp, mịn màng chả khác gì… cung nữ thời Trần.
Thấy chị em tin tưởng vào điều đó, nên anh tài xế cũng nhảy xuống suối nhặt vài viên. Anh mang mấy viên cuội về với mục đích làm kỷ niệm. Vợ anh thấy ông chồng bày mấy cục sỏi trên tủ, thì mắng dở hơi. Nhưng khi anh kể chuyện dùng sỏi kỳ cọ, da dẻ sẽ hồng hào, mịn màng như cung nữ, thì… ngày nào cô vợ cũng lôi ra kỳ cọ!
Ngay sau hôm dùng sỏi để kỳ cọ thì vợ anh như biến thành người khác, với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Chị bảo rằng, cả đêm không ngủ được, vì hễ cứ nhắm mắt lại mơ thấy những cung nữ xinh đẹp, với màu áo trắng, làn da trắng muốt, nhìn chị bằng đôi mắt giận dữ và hét lên: “Trả đá cuội cho ta”.
Giấc mơ hãi hùng đến đỉnh điểm khi chị có cảm giác dựng người lên, rồi giật mình tỉnh giấc. Sau nhiều đêm gặp ác mộng, sợ hãi mấy hòn sỏi, chị không dùng để tắm nữa, mà đặt lại tủ. Thế nhưng, những cung nữ vẫn tìm gặp chị trong giấc mơ.



Vài hôm sau, doanh nghiệp vận tải gọi anh lái xe này lên và phân công chở 50 phụ nữ ở phường nọ về lại Yên Tử. Lúc lên xe, anh mới kinh hoàng biết rằng, 50 phụ nữ từng hành hương về Yên Tử, từng lấy đá cuội ở Yên Tử về làm dụng cụ kỳ cọ cơ thể, đều bị… dựng giường. Anh gọi điện thoại về nhà bảo vợ thắp hương, sau đó mang ngay những viên cuội ra công ty, để anh mang trả lại Yên Tử.


 Những hòn cuội do những người từng lấy ở suối Giải Oan trả lại
Suốt hành trình 4 tiếng đồng hồ từ Lạng Sơn về Yên Tử, anh tài xế được nghe 50 chuyện kinh hãi từ chị em phụ nữ. Tựu trung lại, chị em nào cũng gặp ác mộng, bị “cung nữ” trẫm mình ở suối Giải Oan dựng giường đòi đá cuội. Sau nhiều ngày mất ngủ, ai cũng phờ phạc, lo lắng. Chuyến về Yên Tử lần trước háo hức, vui vẻ, thì chuyến về lần này đầy lo âu.
Đến Yên Tử, việc đầu tiên của chị em là tìm lên chùa Giải Oan. Chị em được sư trụ trì hướng dẫn cách sắp lễ, cúng bái. Hương khói nghi ngút, vàng hóa cháy bùng bùng.
Xong các nghi lễ, chị em xách mấy chiếc làn đựng đầy đá cuội ra suối Giải Oan. Họ vái lạy khẩn thiết, vừa cầu xin các “cung nữ” tha thứ, xin được trả lại “vật thiêng”. Chị em phụ nữ rải những viên cuội về với suối. Xong việc, nhóm phụ nữ này lên xe về thẳng, chứ không còn tâm trạng nào để tham quan nữa.
Theo lời ông Lê Quang, không chỉ ở suối Giải Oan, mà khắp dãy núi thiêng Yên Tử đã xảy ra rất nhiều chuyện kỳ bí, khó lý giải.
 
 Sư Yến chỉ nơi để những phiến đá được trả lại.
 
Doanh nghiệp liêu xiêu vì xẻ đá suối Giải Oan

Mặc dù Yên Tử nườm nượp người, nhưng con đường hành hương cuốc bộ và đường vào suối Giải Oan, lên chùa Giải Oan khá vắng người. Khi tôi đến, sư Yến đang ngồi trên ghế đá chỉ đạo đám thợ lát nền sân chùa cho cẩn thận, đẹp đẽ.
Hỏi chuyện mấy chục người phụ nữ ở Lạng Sơn lấy đá cuội ở suối Giải Oan, bị “vong hồn” các cung nữ đòi lại, sư Yến bảo rằng, chuyện đó diễn ra thường xuyên, quá nhiều, nên không nhớ được.



Sư Yến bảo: “Mỗi năm, có vài chục vụ phải mang đá cuội trả lại suối. Không ai có thể lấy bất cứ thứ gì ở suối Giải Oan, nếu Bạch Mẫu không cho. Nhiều người chỉ lấy viên cuội về mà ốm đau, suýt chết.
Những phiến đá được trả lại cho chùa Giải Oan.

Tuy nhiên, Bạch Mẫu thiêng lắm, độ trì cho thầy nhiều lắm. Có thời gian, thầy muốn xuống núi, vì già rồi, muốn tìm về ngôi chùa thanh tịnh, gần nhà, nhưng Bạch Mẫu không cho đi đâu. Hồi đó thầy ốm yếu lắm, cứ một ngày khỏe thì 10 ngày ốm. Thế nhưng, Bạch Mẫu độ cho, nên mỗi ngày thầy lại khỏe ra, đôi mắt tinh anh mười phần”.

Bạch Mẫu được cho là hồn thiêng của các cung nữ đã trẫm mình xuống con suối vì không thuyết phục được Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời núi. Cạnh con suối Giải Oan, ngoài ngôi chùa cùng tên, còn có ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây đa lớn, ngay cạnh con suối, là miếu Bạch Mẫu Giải Oan. Sư Yến tiết lộ rằng, Bạch Mẫu đã độ trì cho bà được nhìn thấy hình ảnh rồng thiêng hiện trên dãy Yên Tử (?!).

Sư Yến từng là người tu hành mấy chục năm ở dãy Yên Tử, bà từng ngủ với rắn độc khổng lồ ở chùa Một Mái, ngồi tu thiền trong mái đá mà hổ dữ chầu chực miệng hang, vui đùa cùng bọn khỉ trong rừng tùng, chứng kiến vô số chuyện linh thiêng khó tin trên dãy Yên Tử, nhưng bà chưa từng gặp nhiều chuyện kỳ lạ, linh thiêng như ở con suối Giải Oan.
 
Vị đại gia ở Hải Phòng lấy khối đá đem tạc đã phải trả lại.
 
Sư Yến dẫn tôi ra chái chùa, nơi đặt tấm bia ghi công đức những người xây dựng chùa Giải Oan. Dưới tấm bia đó là hàng chục phiến đá được cắt xẻ, gọt giũa kỹ lưỡng, rất đẹp.
Có phiến đá trạm trổ hình rồng phượng, chữ nho, chữ quốc ngữ… Sư Yến bảo: “Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, sau khi cúng bái ở chùa Giải Oan, miếu Bạch Mẫu Giải Oan, thì cho công nhân khai thác đá ở lòng con suối này.
Họ chỉ cưa lấy một mảnh đá, thường là để làm bát hương, mái đao trên nóc mộ, cột trụ công trình thờ tự, và nhiều nhất là chạm khắc bia, làm biển hiệu… với mong muốn được may mắn, được Bạch Mẫu Giải Oan - tức là các cung nữ - phù hộ.
Tuy nhiên, Bạch Mẫu không ủng hộ việc tự do lấy đồ vật của chốn linh thiêng, nên tất cả những người lấy đá ở suối Giải Oan đều phải trả lại. Trong mỗi viên đá ở con suối Giải Oan này đều có linh hồn cung nữ, nên không thể cưa đá đem về nhà làm những việc trần tục được”.
Sư Yến dùng chiếc gậy chọc chọc vào đống đá đã được cưa xẻ và bảo tôi bê một phiến đá ra. Đó là phiến đá hình vuông, cỡ 40x40, dày chừng 10cm. Mặt phiến đá có khắc dòng chữ quốc ngữ: Tòa nhà trung tâm triển lãm quốc tế H. Bên dưới dòng chữ quốc ngữ là mấy chữ nho.
Sư Yến kể rằng, chủ nhân của tòa nhà này là một đại gia giàu có ở Hải Phòng. Cứ vài tháng anh này lại hành hương về Yên Tử. Anh thường dâng lễ rất thành kính lên chùa và ngồi hàng giờ thiền trên những tảng đá ở suối Giải Oan.
Hồi năm ngoái, sau khi cúng bái ở chùa Giải Oan, vị đại gia này đã xin phép sư Yến cho lấy một tảng đá ở suối, mang về làm một vật gì đó mang tính biểu tượng cho doanh nghiệp của mình.
Sư Yến đã ra sức can ngăn, nói rằng bất kỳ ai lấy thứ gì ở suối Giải Oan đều phải trả lại, song vị đại gia này chỉ cười chứ không tin. Theo vị đại gia này, anh ta là người thành kính với Đức Phật, có tâm nên nghĩ rằng, các cung nữ sẽ phù hộ cho anh làm ăn phát đạt, chứ không thể làm hại anh.
Sau khi làm lễ ở miếu Bạch Mẫu Giải Oan, anh này xuống suối tự tay lựa một hòn đá và sai cả chục cán bộ cùng khênh khối đá to cỡ cái thúng lên xe, chở về Hải Phòng.
Thời điểm đó, vị đại gia này vừa hoàn thành tòa nhà lớn, cao hàng chục tầng giữa trung tâm TP.Hải Phòng. Tại tòa nhà này, sẽ diễn ra các cuộc triển lãm mang tầm quốc tế và khu vực, là nơi doanh nghiệp các nước giao lưu với nhau, giới thiệu hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu.
Sau khi suy đi tính lại, vị đại gia này đã xẻ phiến đá làm tấm bảng, khắc tên tòa nhà, và dự tính sẽ ốp ở ngay cổng tòa nhà - vị trí trang trọng nhất. Hôm chuẩn bị xẻ khối đá, vị đại gia này còn thuê một ông thầy cúng bái, yểm tâm ghê gớm lắm.
Thế nhưng, chừng 10 tháng sau, vị đại gia này cùng gia đình và một số cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp tìm đến chùa Giải Oan, với khuôn mặt phờ phạc, méo xẹo.
Theo anh ta, từ khi mang khối đá về, đêm nào anh cũng mơ thấy những cung nữ, mặc quần trắng, múa may trước mặt, rồi đòi lại khối đá. Cuối giấc mơ, anh ta có cảm giác như bị dựng giường, rồi bỗng nhiên bật dậy, mồ hồi đầm đìa.
Từ ngày mang khối đá về xẻ tấm biển hiệu, doanh nghiệp của đại gia này khủng hoảng trầm trọng. Các hợp đồng làm ăn liên tục đổ vỡ. Các dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả.
Gia đình vị đại gia lục đục. Một số cán bộ trực tiếp tham gia vào việc khênh tảng đá về cũng toàn gặp xui xẻo, trục trặc trong cuộc sống, gặp tai nạn.
Và điều cuối cùng là tòa nhà triển lãm được xây dựng hoành tráng, nằm giữa trung tâm thành phố, song chẳng có khách hàng thuê mướn.
Lúc thất bại thảm hại, vị đại gia này mới kiếm một thầy bói nổi tiếng đất cảng. Vị thầy bói này mới hỏi rằng: “Anh có lấy thứ gì của chùa chiền, miếu mạo không?”. Vị đại gia kia liền toát mồ hôi. Bữa đó, vị đại gia kia đến với mấy mâm lễ rất lớn cùng một xe tải chở đầy vàng mã.
Sư Yến cùng mấy ông thầy cúng hành lễ bên suối buổi sáng, rồi hóa vàng cháy rừng rực bên suối Giải Oan. Làm xong các nghi lễ, thì đặt hòn đá tại chùa để sư Yến tiếp tục cúng bái giải hạn cho vị đại gia nọ. Xong xuôi đâu đấy, sư Yến mang khối đá đặt ở chái chùa, nơi có rất nhiều khối đá, do các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác mang trả.
Thêm một góc nhìn khác
Khu vực quanh suối Giải Oan chỉ có 4 người sinh sống gồm sư Yến và gia đình gồm 3 thành viên của chị Nguyễn Thị X. Chị X cùng chồng thuê một gian nhà nhỏ của Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử để bán hàng. Sống cạnh suối Giải Oan ngót chục năm, nên chị X hiểu rõ nhất về con suối này.
Theo chị, du khách đến suối Giải Oan đều mang nhiều tâm sự. Chị từng chứng kiến rất nhiều cô gái có hoàn cảnh éo le như trót mang bầu bị ruồng bỏ, mắc AIDS, bệnh trọng… ngồi bên suối Giải Oan khóc lóc, tâm sự như thể đang nói chuyện với các cung nữ hiện diện trước mặt. Tâm sự, khóc lóc xong, họ đều trở nên thanh thản, và tìm được lối thoát cho cuộc đời mình.
Về lời đồn cung nữ báo oán những người lấy đá sỏi, chị X bác bỏ hoàn toàn. Chị bảo: “Con người không ai trọn vẹn cả, có lúc vận hạn, lúc may mắn. Lúc may mắn thì không sao, nhưng gặp hạn thì lại đổ cho lấy đá, thì oan cho các cung nữ lắm.
Cung nữ giờ được phong là Bạch Mẫu, được gọi là Cô, được thờ cúng chu đáo, chứ có phải oan hồn vất vưởng, đói ăn đâu mà hại người lành? Em ở đây theo dõi thấy người lấy đá thì nhiều, nhưng thỉnh thoảng mới có người trả lại. Những người trả đá cuội chắc là gặp vận đen trong cuộc sống thôi”.
Mặc dù bác bỏ chuyện ma quỷ, oan hồn, song chị X tin rằng, linh hồn các cung nữ luôn bảo vệ người hiền, người bị oan trái, người yếu đuối. Vì thế, người dân quanh vùng hễ gặp chuyện buồn, chuyện oan, đều tìm đến miếu Bạch Mẫu tâm sự, trút bỏ nỗi lòng. Đêm về, họ sẽ mơ thấy các cung nữ và được các cung nữ hướng dẫn, khai mở cho.
Sáng nào cũng vậy, mỗi khi trở dậy, gia đình chị X thay nhau lên miếu Bạch Mẫu thắp hương. Vì thế, bao năm nay, vợ chồng, con cái đều khỏe mạnh, chẳng bao giờ ốm đau. Thậm chí, mới đây, anh Th - chồng chị - khi ngồi trên xe máy ở chỗ suối Giải Oan, bị sét đánh trúng khiến xe bốc cháy, mà người không hề gì. Sau vụ đó, chị X càng tin vào sự linh thiêng của Cô ở suối Giải Oan.
Sự tích suối Giải Oan
Chuyện kể rằng, sau 2 lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng về tu ở Yên Sơn, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo.
Vì không muốn vua cha vào Yên Tử nên Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến can ngăn, nhưng Trần Nhân Tông vẫn một lòng theo đạo và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn.
Để tỏ lòng tận trung, các cung nữ đã nhảy xuống dòng suối Hổ Khê quyên sinh... Vua Trần xót thương cho số phận của họ nên đã lập đàn tràng làm lễ siêu độ, đồng thời lập ra chùa Giải Oan. Dòng suối Hổ Khê cũng được đổi tên thành suối Giải Oan từ đó.
 
Phong Nguyệt/Lao Động